Với phương châm, hướng về y tế cơ sở, giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, đồng thời để người dân được thụ hưởng những kỹ thuật y tế hiện đại ngay tại quê hương mình là một chủ trương đúng đắn đã làm thay đổi bộ mặt các bệnh viện tuyến dưới. BVĐK huyện Quang Bình (Hà Giang) là một trong những bệnh viện đã có sự thay đổi rõ rệt về chất và lượng. Nhờ sự hỗ trợ từ tuyến trên và nỗ lực làm mới mình, bệnh viện đã tạo niềm tin trong nhân dân qua đó góp phần giảm tải tuyến trên, giảm chi phí đi lại cho nhân dân trong và ngoài huyện.
Cho đến bây giờ, gia đình bệnh nhân Lý Văn Giang (17 tuổi) và Lý Văn Luân (13 tuổi) ở thôn Yên Phú, xã Yên Hà, Quang Bình (Hà Giang) vẫn không hết bàng hoàng bởi một tai nạn nặng đã xảy ra với hai em. Cả hai em đều bị tai nạn ngã từ mái nhà sàn cao khoảng 3m đập vùng ngực bụng xuống nền cứng. Trong đó, bệnh nhân Lý Văn Giang nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch, sốc, mất máu nặng... Ngay sau khi nhập viện, bệnh nhân Giang đã được các bác sĩ BVĐK huyện Quang Bình khẩn trương tiến hành hội chẩn và chẩn đoán đây là ca chạm thương bụng vỡ tạng đặc cần phải được hồi sức tích cực và chỉ định mổ cấp cứu ngay.
BVĐK Quang Bình đã và đang thực hiện cấp cứu ngừng tuần hoàn cứu sống nhiều trường hợp nặng. Ảnh: (BVCC)
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ThS. Phạm Mạnh Công - Giám đốc bệnh viện và kíp mổ cùng tập thể bác sĩ kỹ thuật viên vừa tiến hành phẫu thuật khâu cầm máu, vừa tiến hành hồi sức và truyền 5 đơn vị máu nhóm A từ nguồn máu nhân đạo của bệnh viện và máu của người nhà người bệnh. Sau 3 giờ, với tinh thần khẩn trương và trách nhiệm cao, ca mổ đã thành công.
Gia đình bệnh nhân cho biết: các bác sĩ có giải thích nếu như trước đây những ca bệnh như thế này chỉ còn cách chuyển tuyến lên BVĐK tỉnh và cơ hội sống sót rất ít, thế nhưng bây giờ các bác sĩ bệnh viện tuyến huyện đã thực hiện được những phẫu thuật phức tạp, con tôi lại được cứu sống thêm lần nữa, chúng tôi rất vui mừng và cảm ơn.
BS. Phạm Mạnh Công, Giám đốc BVĐK huyện Quang Bình cho biết, với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho bà con dân tộc trên địa bàn, thời gian qua bệnh viện đã nỗ lực không ngừng để cải tiến và cập nhật thường xuyên các kỹ thuật mới.
Bệnh viện đã áp dụng nhiều kỹ thuật vào chuyên môn phục vụ cho công tác khám và điều trị như: phẫu thuật nội soi tai - mũi - họng, phẫu thuật chấn thương, mổ cắt tử cung ngược dòng... Triển khai điều trị bệnh mạn tính, bệnh tiểu đường,... Về cận lâm sàng, đã triển khai hệ thống xét nghiệm mới hiện đại, hệ thống Xquang kỹ thuật số, siêu âm 4 chiều, nội soi tai - mũi - họng, nội soi dạ dày, nội soi cổ tử cung... Với sự nỗ lực và quyết tâm thực hiện thành công các ca phẫu thuật, nội soi khó xử lý...
Nhờ chú trọng nâng cao chuyên môn nên thời gian qua lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tăng đáng kể. Điều này không chỉ góp phần rất lớn vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn mà còn giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Theo đó, tính từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận trên 8.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị, trong đó đã thực hiện phẫu thuật trên 200 ca, thủ thuật trên 17.000 ca, xét nghiệm trên 98.000 ca, siêu âm trên 5.000 ca và chụp Xquang trên 7.000 ca. Ngoài ra, bệnh viện còn phối hợp với các bệnh viện tuyến trên tổ chức phẫu thuật kịp thời các ca bệnh khó, nguy hiểm như vỡ gan, số mất máu, phẫu thuật cắt u xơ tử cung... Công suất sử dụng giường bệnh luôn đạt 100%.
Cùng với việc cập nhật kiến thức mới được chuyển giao từ tuyến trên, Ban lãnh đạo bệnh viện cũng đặc biệt quan tâm chú trọng đào tạo đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn giỏi để phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh. Hiện bệnh viện có 23 cán bộ viên chức đang theo học các chuyên ngành để về phục vụ bà con được tốt hơn. Ngoài ra, hàng năm bệnh viện còn xây dựng kế hoạch đề án thực hiện luân phiên cán bộ hỗ trợ chuyên môn cho các xã khó khăn trong huyện.