Khi “xương sống” chưa khỏe

23-05-2016 16:11 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Dù đã được đầu tư khá nhiều trong thời gian qua, song y tế cơ sở - “xương sống”của hệ thống y tế tại Đăk Lăk vẫn tồn tại nhiều bất cập chưa được giải quyết...

Dù đã được đầu tư khá nhiều trong thời gian qua, song y tế cơ sở - “xương sống”của hệ thống y tế tại Đăk Lăk vẫn tồn tại nhiều bất cập chưa được giải quyết, trong đó khó khăn lớn nhất là về nhân lực đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khám và điều trị, thậm chí đã xảy ra những vụ việc đáng tiếc.

Nhân lực thiếu và yếu

Vụ việc bệnh nhân Lê Thị Hà Vi (16 tuổi, trú tại thôn 8, xã Ea Bhôk, huyện Cư Kuin) phải cưa chân gây xôn xao dư luận vừa qua đã cho thấy những hạn chế của hệ thống y tế cơ sở. Để xảy ra sự việc này, ngoài sự chủ quan của các y bác sĩ (BS) BVĐK huyện Cư Kuin trong chẩn đoán chuyên môn thì một nguyên nhân khách quan khác cũng không kém phần quan trọng chính là sự thiếu hụt nguồn nhân lực trong một thời gian dài, bởi theo BS. Nguyễn Văn Tâm - Giám đốc BVĐK huyện Cư Kuin cho biết: “BV hiện đang thiếu khoảng 10 BS mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Thiếu nhân lực khiến cho đội ngũ BS của BV phải làm việc 24/24 giờ nên dễ dẫn đến những sơ suất chuyên môn ngoài ý muốn...”.

Khám bệnh tại một trạm y tế xã của huyện Krông Bông, Đăk Lăk.

Thiếu nhân lực cũng là thực trạng chung của nhiều BV tuyến huyện. Từ đầu năm 2016, BVĐK huyện Krông Pắc tăng quy mô từ 140 giường bệnh lên 180 giường, hiện trung bình mỗi ngày BV tiếp nhận 550 lượt bệnh nhân (BN) ngoại trú và điều trị nội trú 150 - 180 BN. Tuy nhiên, nhân lực toàn BV vẫn là 158 người, trong đó có 26 bác sĩ. Theo BS. Nguyễn Văn Mạnh - Phó Giám đốc BV, để đáp ứng đủ nhu cầu thì phải có 40-50 bác sĩ làm việc mỗi ngày song trong nhiều năm qua, việc tuyển BS rất khó khăn dù BV sẵn sàng “trải thảm đỏ”. Trong năm 2014, BV tuyển được 6 BS thì sau đó chỉ còn 2 BS trụ lại (nguyên nhân là do lương thấp, một số người muốn đi học ngay), từ đó đến nay không tuyển thêm được ai. Còn ở BVĐK huyện Krông Bông những năm trước đây cũng rơi vào tình trạng thiếu BS trầm trọng. Từ năm 2014 đến nay, BV đã tuyển thêm được 6 BS, song để đáp ứng đủ nhu cầu thì vẫn còn thiếu khoảng 10 BS nữa.

Ông Doãn Hữu Long - Giám đốc Sở Y tế thừa nhận: “Với chế độ thu hút đãi ngộ chưa thực sự hấp dẫn và thỏa đáng nên nhiều năm liền, ngành y tế không tuyển đủ bác sĩ về làm việc tại các đơn vị tuyến huyện theo nhu cầu tuyển dụng...

Kéo theo nhiều hệ lụy

Chính sự thiếu hụt nhân lực khiến cho việc đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao ở tuyến y tế cơ sở gặp nhiều hạn chế, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu ngày càng cao về khám, điều trị cũng như đáp ứng các dịch vụ y tế ngày càng đa dạng phong phú của người dân.

Như ở BVĐK huyện Cư Kuin, cũng vì thiếu nhân lực nên chuyện cắt cử y BS đi học nâng cao tay nghề chuyên môn rất hãn hữu. BS. Nguyễn Văn Tâm - Giám đốc BV chia sẻ: “Về chuyên môn, chúng tôi tự đào tạo là chính. Tự đào tạo có nghĩa đàn anh dìu dắt đàn em đi sau để rút kinh nghiệm. Lâu lâu mới được phân suất đi học. Người ở nhà thì gánh vác cho người đi học”. Có lẽ chính sự thiếu hụt BS cộng với việc ít được học tập nâng cao tay nghề, thiếu kinh nghiệm thực tiễn khiến các y bác sĩ của BVĐK huyện Cư Kuin không đánh giá, dự đoán được những diễn biến phức tạp về bệnh lý ở bệnh nhân nên mới xảy ra sự việc đau lòng như trường hợp bệnh nhân Hà Vi.

Ở tuyến y tế xã, điều kiện học tập, nâng cao trình độ, nghiên cứu sâu về chuyên môn của y bác sĩ còn khó khăn hơn. BS. Tạ Thị Thanh Mỹ - Trạm trưởng Trạm y tế xã Ea Kly (huyện Krông Pắc) tâm sự: “Ở trạm, khối lượng công việc rất nhiều, trong đó có không ít việc “linh tinh” liên quan đến hành chính, viết báo cáo, làm sổ sách giấy tờ. Trong khi đó, điều kiện để cọ xát, tiếp cận nâng cao trình độ chuyên môn rất ít bởi BN đến khám chủ yếu là các bệnh thông thường.

Bên cạnh những bất cập về nhân lực thiếu, trình độ hạn chế, hệ thống y tế cơ sở còn tồn tại một số khó khăn như: trang thiết bị y tế ở một số nơi còn đầu tư thiếu đồng bộ dẫn đến hiệu quả sử dụng chưa cao ảnh hưởng đến công tác điều trị...

Do đó, để y tế cơ sở hoạt động hiệu quả, tạo niềm tin cho xã hội và hướng tới sự hài lòng của người dân, ngành y tế tỉnh cần phải có những bước đột phá cả về chất và lượng.


Bài, ảnh: Kim Oanh
Ý kiến của bạn