Mới đây, Mỵ - vở diễn nghệ thuật tổng hợp lấy ý tưởng từ tác phẩm văn học nổi tiếng Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài đã ra mắt khán giả Thủ đô tại Nhà hát Lớn. Đây là vở diễn vừa giành giải “Chương trình Ấn tượng và Biên đạo múa xuất sắc” tại Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc đợt 1 tại Cao Bằng, do các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc biểu diễn. Mỵ được đạo diễn bởi biên đạo múa Tuyết Minh, có thời lượng 75 phút với 3 phần Lời yêu trên đỉnh núi, Con ma nhà Thống Lý và Chạy đi. Xem vở diễn này khán giả cảm nhận rõ bức tranh với những gam màu đầy xúc cảm, phẩm chất cao đẹp, sức sống mãnh liệt và khát vọng tự do cháy bỏng của những con người nơi núi rừng Tây Bắc. Thông qua ngôn ngữ của âm nhạc, nghệ thuật múa đương đại, kỹ xảo của xiếc, nghệ thuật sắp đặt, vở diễn Mỵ đã giới thiệu đến người thưởng thức bản sắc văn hóa dân tộc Mông của Việt Nam vốn rất độc đáo và đặc sắc.
Để thực hiện vở diễn nghệ thuật tổng hợp Mỵ, gần 80 nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc đã không ngừng tập luyện trong thời gian dài, trong khi đó kinh phí đầu tư cho vở diễn rất cao (3 tỉ đồng). Nhưng đổi lại Mỵ đã ghi điểm bằng yếu tố mới lạ khi không khai thác sâu nỗi đau, bi kịch của đôi trai gái như sáng tác của nhà văn Tô Hoài. Bên cạnh đó, việc sử dụng các bài hát mới viết riêng cho vỡ diễn của nhạc sĩ Minh Đạo, Lê Minh Sơn được thể hiện bằng chất liệu dân gian bản địa hay cách thể hiện âm nhạc theo phong cách acapella từ các dụng cụ nấu ăn như dao, thớt, nồi... đã gợi nhiều cảm xúc cho khán giả. Từ những ấn tượng đó, từ nay đến hết năm 2018, vở Mỵ còn biểu diễn 10 suất tại Nhà hát Lớn Hà Nội phục vụ công chúng trong và ngoài nước.
Từ nay đến hết năm 2018, Mỵ - vở diễn nghệ thuật tổng hợp có 10 suất diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội phục vụ khán giả.
Trước Mỵ, vở diễn nghệ thuật tổng hợp Ionah có sự tham gia của đạo diễn Phạm Hoàng Nam, nhạc sĩ Quốc Trung, biên đạo múa Trần Ly Ly, nhà thiết kế Công Trí, NSƯT Tống Toàn Thắng... diễn ra tại nhà hát Star Galaxy (Hà Nội) cũng tạo được tiếng vang, được khán giả yêu thích. Ionah có sự kết hợp giữa nhiều loại hình nghệ thuật như múa, kịch, xiếc, hip hop, nghệ thuật thị giác, âm nhạc, kỹ xảo, ánh sáng... với nhân vật chính mang tên Ionah. Chênh vênh giữa hờn ghen, giận dữ của tình yêu, Ionah tình cờ rơi vào một thế giới siêu thực. Cô phiêu lưu trong ảo ảnh, gặp gỡ những nhân vật kỳ lạ và đấu tranh, vật lộn với những cảm xúc bất tận để thoát ra và trở về với tình yêu của mình. Qua 12 phân cảnh với những hình ảnh, hiệu ứng âm thanh, ánh sáng ấn tượng, Ionah đưa khán giả cùng trải quá những thăng trầm của các nhân vật. Bên cạnh đó, dù là vở diễn hiện đại nhưng Ionah vẫn mang lại cảm xúc gần gũi, quen thuộc với khán giả như hình ảnh đoàn tàu lăn bánh, những sinh hoạt của người dân lao động dưới chân cầu Long Biên hay bến đò quê với những giai điệu bình yên... Hiện tại, Ionah vẫn biểu diễn phục vụ khán giả vào các ngày lẻ trong tuần tại nhà hát Star Galaxy.
Nổi tiếng không kém là vở Làng tôi do nhóm tác giả Tuấn Lê, Nhất Lý, Nguyễn Lân và Tấn Lộc thực hiện từng lưu diễn ở nhiều quốc gia như Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bỉ, Hy Lạp, Hungary, Đức, Hồng Kông. Hơn 60 phút, với cây tre là linh hồn, Làng tôi kết hợp giữa giá trị truyền thống và nghệ thuật cách tân để tái hiện bức tranh làng quê Việt Nam bình dị đầy chất thơ thông qua 20 loại nhạc cụ được diễn xướng trực tiếp như đàn môi, kèn nhị, trống chèo... với nghệ thuật sân khấu tối giản và kỹ thuật xiếc mới điêu luyện. Ngoài ra, các vở diễn Sương sớm, Cây đa của nghệ sĩ Việt đề cao văn hóa truyền thống, pha trộn giữa nhiều loại hình nghệ thuật cũng đã được khán giả đón nhận, đánh giá cao thời gian qua.
Thực tế chỉ ra rằng, nhiều vở diễn nghệ thuật truyền thống như chèo, cải lương... “ế ẩm” người xem vì những nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Trong đó, nhiều vở diễn đã không theo kịp sự phát triển của hiện thực đời sống, không đáp ứng được nhu cầu thưởng thức và chiêm nghiệm nghệ thuật của công chúng. Do đó, vở diễn nghệ thuật tổng hợp kể trên ra đời được xem là hướng đi mới, lạ và tạo ra luồng gió mát cho sân khấu nước nhà. Các vở diễn Mỵ, Làng tôi, Sương sớm, Ionah... đều hút người xem vì yếu tố giải trí đến chất lượng nghệ thuật. Điều này phản ánh một số nghệ sĩ đã đổi mới tư duy, thoát khỏi nếp nghĩ, nếp làm cũ, nỗ lực sáng tạo ra ngôn ngữ hình thể nghệ thuật mới, giàu sức biểu cảm. Bên cạnh đó, giới làm nghề đã chủ động tìm đến khán giả và cũng tìm nhiều cách để kéo khán giả về phía mình...