Khi ung thư vấp phải dịch COVID-19:Những lưu ý đặc biệt với người bệnh

16-06-2021 09:00 | Y học 360

SKĐS - Trong làn sóng đại dịch COVID-19 lần này, có một số cơ sở điều trị nội trú dành cho bệnh nhân ung thư đã bị bệnh dịch tấn công, bị phong tỏa. Người đang mắc bệnh ung thư đồng mắc COVID-19 sẽ tiến triển nặng hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn.

Người bệnh ung thư vẫn nên tiêm vắc xin COVID-19 trừ khi bác sĩ chỉ định khác.

Những nguy cơ và rào cản …

Nguy cơ mắc COVID-19 cao

Mặc dù bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị nhiễm COVID-19, nhưng người bệnh ung thư có nguy cơ nhiễm cao hơn và diễn biến nặng cũng nặng hơn. Do bản thân bệnh ung thư hoặc do tác dụng phụ của việc điều trị ung thư (hóa trị, cấy ghép tủy xương…) làm suy giảm miễn dịch cơ thể.

Một số loại ung thư có nguy cơ cao bị bệnh nặng hơn đối với COVID-19: Các bệnh ung thư máu, chẳng hạn như bệnh bạch cầu, có thể có nguy cơ cao hơn ung thư dạng khối, do ung thư máu ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch nhiều hơn.

 Bệnh bạch cầu (ung thư máu) ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể, khiến người bệnh có nguy cơ cao mắc COVID-19 và làm bệnh nặng hơn.

Vì nhiều phương pháp điều trị ung thư không thể áp dụng tại nhà, nên những người mắc ung thư phải đến trung tâm ung thư để điều trị sẽ có nguy cơ cao tiếp xúc với vi rút SARS-CoV-2.

Khó khăn trong phân định các triệu chứng và biến chứng do ung thư hay do COVID-19

Một trong những khó khăn trong việc đánh giá đầy đủ của các triệu chứng và biến chứng do COVID-19 gây ra đối với bệnh nhân ung thư là nhiều triệu chứng của COVID-19 trùng lặp với các triệu chứng ung thư. Các triệu chứng của COVID-19 bao gồm: Sốt; Ớn lạnh; Khó thở; Ho; Đau nhức cơ thể hoặc cơ; Đau đầu; Mất vị giác hoặc khứu giác; Tắc nghẽn xoang; Sổ mũi; Buồn nôn hoặc nôn mửa; Tiêu chảy. Đây cũng là những triệu chứng tiềm ẩn và phát sinh trong quá trình điều trị ung thư.

Điều trị ung thư và COVID-19

Ảnh hưởng của điều trị hóa trị và liệu pháp miễn dịch ở bệnh nhân ung thư đồng mắc COVID-19

Các phương pháp điều trị ung thư có thể làm giảm khả năng hoạt động của hệ thống miễn dịch. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại thuốc điều trị ung thư đều gây ức chế miễn dịch. Một nghiên cứu gần đây cho thấy những người được hóa trị liệu dường như không tăng nguy cơ phát triển COVID-19. Mặc dù không biết đầy đủ lý do tại sao, có thể những người được điều trị bằng hóa trị liệu nghiêm ngặt hơn trong việc rửa tay, giãn cách xã hội và đeo khẩu trang. Việc trì hoãn điều trị hóa trị hoặc liệu pháp miễn dịch có thể cần thiết nếu bệnh nhân được chẩn đoán mắc COVID-19 trong thời gian điều trị (do bác sĩ chuyên khoa quyết định). Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Mức độ nghiêm trọng của nhiễm COVID-19; Loại ung thư; Loại hóa trị liệu; Các yếu tố của bệnh nhân như tuổi tác và các tình trạng sức khỏe khác; Mục tiêu điều trị; Nguy cơ tái phát ung thư nếu không điều trị; Xạ trị cũng có nguy cơ ức chế hệ thống miễn dịch, tùy thuộc vào vùng cơ thể nhận bức xạ.

COVID-19 gây nguy cơ trì hoãn điều trị ung thư

Trong mùa đại dịch, nhiều dịch vụ y tế đã tạm thời ngừng hoạt động, chẳng hạn như chẩn đoán thăm dò hình ảnh, thăm khám tại văn phòng và một số dịch vụ điều trị ung thư. Tại Hoa Kỳ, 79% bệnh nhân được khảo sát có sự gián đoạn hoặc trì hoãn trong quá trình điều trị ung thư.

Một số thắc mắc của bệnh nhân ung thư trong đại dịch COVID-19

Có nên chủng ngừa COVID-19 nếu hiện đang bị ung thư và đang được điều trị, hoặc có tiền sử ung thư?

Đối với hầu hết những người bị ung thư, câu trả lời của khuyến cáo toàn cầu hiện nay là “có, hãy tiêm vaccin”. Tuy nhiên, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ trước khi quyết định. Bác sĩ sẽ chỉ định tiêm hay không tùy từng trường hợp cụ thể.

Người bệnh ung thư vẫn nên tiêm phòng vaccine Covid-19. Tuy nhiên cần trao đổi với bác sĩ.

Muốn khám từ xa, không muốn đến trực tiếp ở các cơ sở điều trị?

Mặc dù một số thăm khám trực tiếp là tốt nhất, nhưng thăm khám từ xa vẫn mang lại nhiều lợi ích và có thể là một lựa chọn thích hợp trong tình hình dịch hiện nay.

Việc điều trị ung thư có nên trì hoãn không?

Hiện tại, vẫn chưa có đánh giá đầy đủ sự chậm trễ trong điều trị do đại dịch sẽ ảnh hưởng đến kết quả điều trị ung thư như thế nào. Nhưng tốt nhất, nên trao đổi  với bác sĩ và cơ sở bệnh điều trị ung thư, nếu bạn lo lắng về việc đến trực tiếp để điều trị.

Có nên trì hoãn các xét nghiệm tầm soát ung thư không?

Trong đại dịch, đúng là các xét nghiệm sàng lọc ung thư như chụp X quang tuyến vú, nội soi ống tiêu hóa và phết tế bào cổ tử cung có phần hạn chế chỉ định để tránh lây lan dịch. Nhưng nếu bạn có nhu cầu, nên sử dụng telehealth và trao đổi trực tuyến với bác sĩ, cơ sở cung cấp dịch vụ thăm khám điều trị ung thư để được hỗ trợ trong cách an toàn cho cả bạn và bệnh viện.


TS.BS. Lê Thanh Hải (Giám đốc Bệnh viện phổi Thừa Thiên Huế)
Ý kiến của bạn