Khi truyền thông… “nóng đầu”

25-01-2014 08:24 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Truyền thông là người đưa tin lạnh lùng và khách quan để điều chỉnh những cơn sốt cảm tính của dư luận. Nhưng trong vài vụ việc tiêu biểu gần đây nhất, truyền thông đang cho thấy mình bị… “nóng đầu”.

Truyền thông là người đưa tin lạnh lùng và khách quan để điều chỉnh những cơn sốt cảm tính của dư luận. Nhưng trong vài vụ việc tiêu biểu gần đây nhất, truyền thông đang cho thấy mình bị… “nóng đầu”.

Vụ thứ nhất: Thẩm mỹ viện Cát Tường

Việc bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường - Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường (Hà Nội) chỉ bị đề nghị truy tố theo hai tội: tội Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế theo điều 242 Bộ luật hình sự và tội Xâm phạm thi thể mồ mả, hài cốt theo điều 246 Bộ luật hình sự mà không bị khởi tố về tội giết người có thể sẽ khiến một đám đông tức giận. Vì ngay khi sự việc vừa được phát hiện, dư luận nói chung đã mặc nhiên xem ông Tường là kẻ sát nhân, dù lúc ấy cơ quan điều tra chưa hề đưa ra kết luận nào.

Đáng xấu hổ thay, khơi mào và nuôi dưỡng cho luồng dư luận một chiều đó, là không ít cơ quan truyền thông.

Suốt nhiều tháng, mọi chi tiết đời sống riêng tư của ông Tường, kể cả của vợ con, gia đình ông được truyền thông khai thác "tận diệt" theo hướng kết tội, thậm chí vẽ chân dung ông như quái thú phi nhân tính. Trước khi được pháp luật xét xử, ông Tường gần như được dư luận coi là người đã chết.

Văn minh thay!

Trong xã hội thượng tôn pháp luật, đi đôi với trừng phạt là dành cho người phạm tội quyền sửa sai. Xã hội càng văn minh, quyền sửa sai càng lớn. Ngay cả trong đời thường, người ta cũng hay nói "đền tội", "chuộc tội", tạo điều kiện cho kẻ phạm tội sám hối và thực hiện những hành vi tốt đẹp nhằm xóa bỏ quá khứ và làm lại cuộc đời. Hiện nay án tử đã được xóa bỏ ở nhiều nước, chính là để thêm cơ hội chuộc tội cho những người phạm tội nặng đến mức trước kia họ phải chết.

Pháp luật tố tụng hình sự nhiều nước trên thế giới đã thừa nhận nguyên tắc suy đoán vô tội như một trong những nguyên tắc của tố tụng hình sự của quốc gia mình.

Pháp luật nước ta tuy chưa sử dụng thuật ngữ này nhưng đã thừa nhận tinh thần của nó như một trong những nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự.

Đa số thẩm phán, công tố viên, luật sư, công an đã vắt óc, vắt sức, đổ cả máu để đảm bảo soi xét thấu đáo từng chi tiết hình thành nên hành vi phạm tội. Bên cạnh yêu cầu công việc, họ cẩn trọng để lương tâm không day dứt vì làm oan một con người.

Lẽ ra, khi (một bộ phận) cộng đồng lên cơn sốt thì chính là lúc truyền thông cần tỉnh táo để chỉ đưa những thông tin trung thực về sự việc. Đó mới chính là trách nhiệm của truyền thông để không lôi kéo dư luận vào những suy diễn tùy tiện. Trách nhiệm này, với những nhà báo chân chính, nó được gọi thiêng liêng là "sứ mạng".

Ấy thế nhưng, vụ bác sĩ Tường vừa nguội thì nhảy nhổm lên vụ "kiều nữ Hải Dương". Nhảm nhí như rất nhiều câu chuyện mua vui của một số người nhẹ dạ vô danh, lẽ ra nó chỉ truyền tai nọ sang tai kia, cười phá… là hết. Thế nhưng, truyền thông đã nhúng vào. Nó trở thành nghiêm trọng, gây tổn thương cho những số phận hữu hình.

May, tờ báo “phao tin” trên cũng đã bị kiện.

Vụ thứ hai: Ngoại cảm

Cách đây khoảng chục năm, vấn đề ngoại cảm đã được đặt ra chính thức sau thời gian dài né tránh. Một số trường hợp tìm mộ liệt sĩ cụ thể được tường thuật chi tiết kèm với các bản đồ chỉ dẫn; mức độ chính xác cũng như sai lạc được thận trọng thông báo đến giới báo chí hoàn toàn không kèm lời bình luận hay chỉ đạo nào.

Danh xưng "nhà ngoại cảm" lần đầu tiên được gọi to và rõ trên báo chí chính thống. Những năm tiếp đó, cùng với sự ra đời của Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người, ngoại cảm được xã hội thừa nhận đến mức hầu như ai cũng có thể kể vanh vách tên các nhà ngoại cảm tài ba. Một số người còn là chuyên gia được nhiều tờ báo yêu cầu thẩm định trên góc độ chuyên môn khi có các vụ việc đình đám liên quan. Vụ "trấn yểm ở sông Tô Lịch" là rõ nét nhất. Thậm chí, tên một số nhà ngoại cảm còn được gắn liền với các sự kiện chính trị lớn, các vĩ nhân.

Vậy mà đùng một cái, chỉ sau một clip của một đài truyền hình được cho là "vạch mặt" nhà ngoại cảm nổi danh nhất, thì truyền thông nhất tề xông vào phanh phui đủ thứ chuyện xấu xa của ngoại cảm. Người đọc chóng mặt vì không hiểu sao nhà báo giỏi thế, thừa biết nhà ngoại cảm chém gió lấy tiền, vụ nào cũng có nhân chứng vanh vách, chứng lý khoa học sáng ngời, vậy mà tận giờ mới thèm nói ra cho thiên hạ được khai sáng?

Không chỉ trong lĩnh vực đời sống mà trong kinh tế, giải trí, có thể nhặt ra vô số ví dụ về sự "nhẹ dạ" nhiều khi cố ý của truyền thông. Trong một số trường hợp, chúng từng gây chấn thương cả cho nền kinh tế.

Tại sao truyền thông lại có thể “nóng đầu” đến kinh ngạc, võ đoán đến sửng sốt, bất chấp nguyên tắc vàng của nghề nghiệp là thông tin khách quan và đầy đủ? Dường như, sau nhiều năm lớn tiếng dạy dỗ người đọc phải "làm người tiêu dùng thông thái", đừng để bị dắt mũi... thì khi trực diện với những vụ nổ thông tin thực sự, truyền thông đã quên béng lời khuyên của chính mình mà tự xỏ mũi rồi... đưa sợi dây cho bất kỳ ai dắt thì dắt?

Hay có thêm lý do khác?

Hoàng Xuân

Mọi bài vở tham gia diễn đàn xin gửi về email: bandientuskds@gmail.com. Các bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phải quan điểm của tòa soạn. Trân trọng cảm ơn!

 

 


Ý kiến của bạn