Truyện Kiều – tác phẩm văn học bất hủ của đại thi hào Nguyễn Du nhiều năm qua đã được các thế hệ tiếp nối, kế thừa và quảng bá rộng rãi. Trong đời sống nghệ thuật đương đại, dựa theo nguyên tác Truyện Kiều, nhiều tác phẩm nghệ thuật sân khấu thời gian qua đã ra đời, từ đây thêm cách bảo tồn, phát huy những giá trị đặc sắc tác phẩm văn học xuất chúng trong nền văn học Việt Nam.
Có lẽ, việc biến tấu, chuyển thể và đưa Truyện Kiều của Nguyễn Du đến với nghệ thuật sân khấu thể hiện tính sáng tạo, đem lại tiếng vang cho những người làm nghề thời gian qua chính là vở opera Định mệnh bất chợt do nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo cùng Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam dàn dựng. Đây được xem là một cách làm mới lạ, đột phá để Truyện Kiều đến gần với công chúng theo một hướng mới ngoài cách đọc văn bản thông thường. Tạo nên “cơn sốt” với khán giả khi ra mắt, vở opera Định mệnh bất chợt được nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo chia ra hai vai dành cho Thúy Kiều với hai phong cách biểu diễn khác nhau, đó là vai Thúy Kiều ngâm thơ và vai Thúy Kiều hát opera. Ngoài ra, các nhân vật Nguyễn Du, Từ Hải, Hồ Tôn Hiến, mỗi người một vai. Vở nhạc kịch gồm 11 chương kể những câu chuyện đáng nhớ về cuộc đời nàng Kiều tài hoa bạc mệnh. Mỗi chương được mở đầu bằng một khúc ngâm thơ của chính nàng Kiều do ca nương Phạm Thị Huệ thủ vai. Xuyên suốt vở opera này, người xem được thưởng thức những phong cách trình diễn khá mới lạ và độc đáo. Ở đó có sự thể hiện của nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau như hát opera, sự trình diễn phối hợp giữa dàn nhạc giao hưởng phối hợp và đàn tì bà, ngâm thơ, kịch, nhạc rock... Chính vì vậy, vở opera này đã đem lại những cảm xúc khá mới và độc đáo về cách cảm thụ Truyện Kiều - một tác phẩm văn học nổi tiếng đối với mỗi người Việt.
Cảnh trong vở kịch Kiều do NSND Anh Tú đạo diễn.
Trong tháng 3/2017, khán giả Thủ đô Hà Nội lại được chứng kiến một cách triển khai, tiếp cận mới bằng nghệ thuật với Truyện Kiều thông qua vở kịch Kiều do Nhà hát Kịch Việt Nam thực hiện, đạo diễn là NSND Anh Tú. Vở Kiều lần này do nhà văn Nguyễn Hiếu chuyển thể từ Truyện Kiều của Nguyễn Du, có điểm mới là phong cách sân khấu được dàn dựng với nhiều thể nghiệm nhằm hấp dẫn khán giả trẻ. Tính cách nhân vật được thể hiện ngay ở phần trang phục, như Mã Giám Sinh, để lột tả nhân vật tham lam, trang phục của nhân vật có hình ảnh đồng tiền.
Với Sở Khanh là hình ảnh con bướm... Nền chủ đạo của vở Kiều chính là hoa sen từ khi hé nở, sung mãn đến tàn khô, héo úa như hàm ý chứa đựng, bổ khuyết cho thân phận của một nàng Kiều tài sắc bị đày ải. Hình ảnh vươn lên của hoa sen thanh khiết giữa bùn đen đã mang nhiều ý nghĩa bởi vượt lên tất cả chính là sự dâng hiến những cái đẹp, cái tinh túy nhất cho tình yêu, cho cuộc đời.
Ngoài ra, trong vở Kiều lần này, NSND Anh Tú mạnh dạn đưa nhiều nghệ thuật múa, hát vào vở kịch. Đặc biệt, phụ trách âm nhạc cho vở diễn, nhạc sĩ Giáng Son đã khai thác phần hát ở dạng ca khúc pop ballad nên rất dễ dàng được giới trẻ tiếp nhận, để tạo sự lan tỏa mạnh mẽ hơn tác phẩm văn học nổi tiếng của Nguyễn Du tới thế hệ tương lai. Dù được biên tập và dàn dựng rút ngắn về dung lượng so với nguyên tác, nhưng vở Kiều khi đến với khán giả vẫn giữ nguyên những giá trị khi phản ánh giá trị hiện thực của xã hội loạn lạc, đầy rẫy bất công và thân phận của người phụ nữ thời phong kiến, đồng thời ngợi ca vẻ đẹp của tình yêu, lòng hiếu thảo, thủy chung, sự bao dung, vị tha và của vẻ đẹp tài, sắc, chí khí anh hùng...
Không chỉ có vậy, khoảng thời gian trước đây, công chúng từng bất ngờ và có nhiều cảm xúc khi NSND Lan Hương (Nhà hát Tuổi trẻ) táo bạo dựng vở kịch hình thể có tên gọi Nguyễn Du với Kiều - kịch bản vở diễn chuyển thể từ Truyện Kiều của Nguyễn Du. Gần với ý tưởng của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo là dùng opera - ballet để kể về Truyện Kiều, nhưng NSND Lan Hương đã sử dụng nhiều thể loại gồm ngâm thơ, hát chèo, hát xẩm, ca Huế, ca vọng cổ... vào trong vở diễn của mình để nói về hành trình lưu lạc của nàng Kiều.
Trong Nguyễn Du với Kiều, NSND Lan Hương thể nghiệm hình thức kịch lồng trong kịch, muốn làm bật lên mối lương duyên đau đáu giữa cuộc đời Nguyễn Du với những nhân vật trong tác phẩm của ông. Sự táo bạo và có cách làm mới mẻ chính là đạo diễn vở kịch hình thể để đại thi hào Nguyễn Du, nhà thơ Hồ Xuân Hương và nàng Đạm Tiên đồng hành với các nhân vật. Nguyễn Du hóa thân vào cả nhân vật Vương Ông, Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải và Hồ Xuân Hương, có lúc hóa thân thành Vương Bà, Hoạn Thư, vãi Giác Duyên. Vào vai Thúy Kiều là Như Quỳnh, vở diễn hơn 2 tiếng nhưng Như Quỳnh không lúc nào rời sân khấu, biến chuyển sắc thái liên tục từ yêu thương, hân hoan, hờn ghen đến cô đơn, buồn bã, đau đớn... Với NSƯT Bùi Như Lai, lúc anh vào vai Nguyễn Du đau đáu với số phận nàng Kiều, cùng với đó Bùi Như Lai vào các nhân vật khác rất mạch lạc: Kim Trọng hào hoa, phong nhã; Thúc Sinh háo sắc mà nhu nhược, hèn hạ; Từ Hải đại trượng phu.
Những tác phẩm sân khấu dựa theo nguyên tác Truyện Kiều kể trên đã giúp Truyện Kiều có thêm hướng tiếp cận với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ để tác phẩm sống mãi trong lòng người. Hơn nữa, các tác phẩm sân khấu nói trên đã cho thấy sự tìm tòi thể hiện nghệ thuật đương đại trong quá trình hội nhập với sân khấu quốc tế.