Khi trường học là "trợ thủ" đắc lực của phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

26-08-2023 11:11 | Y tế

SKĐS - Nhằm giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) công tác tuyên truyền giáo dục tới học sinh, thanh niên được coi là biện pháp hiệu quả tích cực.

Đưa phòng chống tảo hôn lồng ghép vào môn học

Tảo hôn để lại hậu quả rất nguy hiểm, trẻ em gái độ tuổi 15 có nguy tử vong do mang thai và sinh đẻ cao hơn so với phụ nữ trên 20 tuổi. Những đứa trẻ có mẹ dưới 18 tuổi thường còi, thấp, thiểu năng trí tuệ, dễ bị chết non, khuyết tật. Còn hôn nhân cận huyết thống đứa trẻ sinh ra thường mắc các bệnh di truyền, kém phát triển về chiều cao và cân nặng, giảm tuổi thọ,… Hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng dân số, nguồn nhân lực, suy thoái nòi giống.

Đối với giáo dục, tảo hôn và hôn nhân cận huyết là rào cản đối với việc hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam đã cam kết thực hiện với Liên Hợp Quốc: Giảm tình trạng đói nghèo, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng nam nữ, giảm tử vong trẻ em, cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em và đấu tranh chống các bệnh dịch. 

Do đó, tại nhiều địa phương, công tác tuyên tuyền, phổ biến nhằm xóa bỏ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã được triển khai rộng khắp, trú trọng đến đối tượng trẻ vị thành niên, thanh niên vùng DTTS.

Khi trường học là "trợ thủ" đắc lực của phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống - Ảnh 1.

Tuyên truyền phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh minh họa: T.Hằng

Chia sẻ về biện pháp phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống với trẻ vị thành niên, thanh niên trên địa bàn tỉnh, bà Lê Tố Quyên - Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Bắc Giang cho biết, Chi cục phối hợp với Sở GD&ĐT tỉnh đưa nội dung giáo dục dân số, giới, giới tính, bình đẳng giới và kiến thức chăm sóc SKSS cho học sinh khối các trường THCS, THPT; trường chuyên nghiệp, trường nghề trên địa bàn toàn tỉnh dưới nhiều hình thức phong phú như: Hội thi, Tọa đàm, Rung chung vàng, nói chuyên chuyên đề, sinh hoạt ngoại khóa tích hợp trong các tiết học…

Ngành Y tế Nghệ An cũng đã phối hợp với Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức các hoạt động truyền thông, ngoại khóa, lồng ghép về công tác dân số, CSSKSS, TH&HNCHT tại các trường học THCS, THPT với các nội dung phong phú, bằng nhiều hình thức, cung cấp những kiến thức cơ bản tác hại và ảnh hưởng của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… 

Từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức các hoạt động truyền thông, tư vấn, nói chuyện chuyên đề về CSSKSS, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho 1.041 trẻ vị thành niên là học sinh khối 8, 9 tại 14 trường THCS.

Học sinh tích cực tuyên truyền phòng chống tảo hôn

Theo ghi nhận tại Lào Cai, cùng với công tác dạy và học, những năm qua, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh quan tâm tới việc tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho học sinh về vấn đề chăm sóc SKSS; hệ lụy của nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Các trường học không ngừng đổi mới hình thức tuyên truyền với nhiều cách làm phong phú, sáng tạo như: sân khấu hóa, thi vẽ tranh, hình ảnh trực quan, sinh động, phát tờ rơi, thông qua mạng xã hội, tập huấn kỹ năng truyền thông về giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) có 250 học sinh người dân tộc thiểu số. Năm học 2020 - 2021, nhà trường có 2 trường hợp tảo hôn. Trước vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nhà trường đã tăng cường các biện pháp tuyên truyền, cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật; đẩy mạnh hoạt động tư vấn, can thiệp, hỗ trợ; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Trường tổ chức tuyên truyền qua hình thức sân khấu hóa với các cuộc thi tìm hiểu kiến thức, thi tiểu phẩm, rung chuông vàng…

Vào mỗi cuối tuần, buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ (CLB) Trẻ em vui tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Húc (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) lại diễn ra sôi nổi và hào hứng. Thông qua các hình thức, các thành viên của CLB sẽ tuyên truyền về tác hại, hệ lụy từ việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống một cách sinh động và dễ hiểu tới các bạn trong trường.

Các em thảo luận cách tiếp cận các phụ huynh trong thôn, bản để mọi người hiểu hơn, thay đổi nhận thức và chung tay đẩy lùi vấn nạn tảo hôn. Hiện nay 8 CLB Trẻ em vui khác tại các trường học trên địa bàn huyện Hướng Hóa hoạt động hiệu quả cũng đã từng bước làm thay đổi nhận thức của đồng bào DTTS về vấn nạn tảo hôn.

Thời gian qua bên cạnh việc làm tốt công tác dạy và học thì các thầy cô giáo của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Nậm Pì (Nậm Pì, Huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) thường xuyên cung cấp kiến thức cho học sinh về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, xóa bỏ hủ tục lạc hậu. 

Theo lãnh đạo nhà trường, hiện nay nhà trường vẫn tăng cường công tác tuyên truyền đặc biệt là vào các buổi thứ 2 đầu tuần và các buổi họp phụ huynh, lồng ghép nội dung tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của học sinh cũng như phụ huynh trong công tác phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Nhờ đó mà vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong những năm trở lại đây đã không còn xảy ra…


T.Hằng
Ý kiến của bạn