Khi trẻ biếng ăn...

04-08-2017 13:45 | Đời sống
google news

SKĐS - Biếng ăn là một trong những triệu chứng rất thường gặp ở trẻ nhỏ. Hiện tượng này không chỉ làm căng thẳng tâm lý cho những người chăm sóc trẻ, mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất, trí tuệ và tinh thần của trẻ…

Vì sao trẻ biếng ăn?

Khi thấy con đến bữa không chịu ăn, hoặc ăn ít hơn bình thường hoặc ăn chỉ bằng một phần nhỏ của con người khác… nhiều bà mẹ đã rất căng thẳng, lo lắng. Vậy, có những nguyên nhân nào khiến trẻ biếng ăn?

Thường xảy ra vào các giai đoạn phát triển của trẻ, như thời điểm trẻ biết lấy, biết ngồi, mọc răng, biết đi, từ bú chuyển sang ăn dặm… nghĩa là trẻ từ giai đoạn phát triển này sang giai đoạn phát triển khác… trẻ thường biếng ăn trong vài ngày đến vài tuần và sau đó sẽ ăn uống trở lại. Người ta gọi đây là biếng ăn sinh lý.

Do cách thức chế biến thức ăn không phù hợp, cho trẻ ăn mãi một món, món ăn không phong phú hoặc chế biến thức ăn không phù hợp với khẩu vị và giai đoạn phát triển của trẻ… là một trong những nguyên nhân khiến trẻ lười ăn…

Ở trẻ nhỏ, nhất là những năm tháng đầu đời, hệ miễn dịch của trẻ còn yếu nên dễ chịu tác động của môi trường bên ngoài, nên dễ bị mắc bệnh. Các bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ như viêm đường hô hấp (viêm mũi họng, amidan, V.A, viêm  phổi…), loạn khuẩn đường ruột… Khi mắc bệnh dù nhẹ hay nặng đều ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa, là nguyên nhân gây biếng ăn ở trẻ.

Khi trẻ biếng ăn...Nhồi nhét, ép... ăn  cho hết khẩu phần khiến cho trẻ có tâm lý sợ ăn.

Bình thường, trong hệ tiêu hóa luôn có một hệ vi sinh đường ruột, tập hợp các vi khuẩn có lợi gồm nhiều loại khác nhau gọi là vi khuẩn chí. Các vi khuẩn này luôn duy trì ở thế cân bằng, nhằm tăng cường quá trình tiêu hoá, hấp thụ chất dinh dưỡng, thải trừ chất độc hại, kiềm hãm và làm mất tác dụng của các vi khuẩn gây bệnh trong đường ruột. Khi dùng thuốc điều trị bệnh (có thể do tự dùng hoặc bác sĩ kê đơn), nhất là thuốc kháng sinh (trị các bệnh nhiễm kkhuẩn), khi vào cơ thể để diệt các vi khuẩn gây bệnh và diệt luôn cả lợi khuẩn, gây mất cân bằng hệ sinh thái đường ruột. Khi hệ tiêu hóa bị loạn khuẩn, các thức ăn bé ăn sẽ không được lợi khuẩn của hệ tiêu hóa giúp hấp thụ tốt sẽ gây ra hiện tượng bé biếng ăn, chậm lên cân, rối loạn tiêu hóa…

Nhiều cha, mẹ (người chăm sóc trẻ) thường có tâm lý nhồi nhét, ép ăn… cho hết khẩu phần hoặc phải ăn nhiều như con người ta… khiến cho trẻ có tâm lý sợ ăn. Hơn nữa, những bữa ăn như thế không khí thường trở nên căng thẳng cho cả hai bên (người chăm sóc và trẻ), cộng với những lời quát mắng khiến trẻ sợ hãi… càng làm cho trẻ lảng tránh ăn. Đây là biếng ăn tâm lý, và là nguyên nhân phổ biến nhất hiện nay…

Và hệ luỵ…

Nếu để tình trạng biếng kéo dài làm cho nguồn dưỡng chất nạp vào mỗi ngày không đáp ứng đủ nhu cầu phát triển của trẻ, gây thiếu hụt chất dinh dưỡng, suy dinh dưỡng, không đảm bảo các chỉ số tăng trưởng: Trẻ thấp bé, nhẹ cân, còi cọc…

Biếng ăn còn làm cho cơ thể thiếu hụt các vi chất cần thiết cho cơ thể trẻ, như  thiếu vitamin A (trẻ dễ bị khô mắt, khô giác mạc có thể dẫn đến mù lòa), thiếu sắt (gây thiếu máu), thiếu vitamin D, canxin (gây bệnh còi xương, rối loạn trưởng), thiếu omega 3, omega 6, DHA, taurin, chất béo (làm ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ của trẻ)… Sức đề kháng của trẻ bị suy giảm làm cho trẻ rất dễ mắc bệnh như viêm đường hô hấp, viêm phổi, tiêu chảy…

Về lâu dài, khi cơ thể không đủ năng lượng, trẻ dễ bị mệt mỏi, khó tập trung và tư duy… khiến trẻ học kém hơn những trẻ khoẻ mạnh khác. Tính cách trẻ có thể bị thay đổi do cơ thể mệt mỏi, không thích vận động, hoà nhập với bạn bè và môi trường xung quanh, khả năng giao tiếp kém, lâu dài dế dẫn tới chứng trầm cảm hoặc tự kỷ ở trẻ…


BS. Nguyễn Bích Ngọc
Ý kiến của bạn