Hà Nội

Khi tranh Việt lập kỷ lục triệu đô

28-06-2019 06:10 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nếu như các tác phẩm mỹ thuật trong nước còn xảy ra nhiều lùm xùm như vi phạm bản quyền, bị làm giả, sao chép trái phép, giá bán chưa cao... thì ở thị trường quốc tế, nhiều bức tranh của họa sĩ Việt khi lên sàn đấu giá đã được mua với giá kỷ lục lên tới triệu đô. Điều này khiến không ít người vừa mừng nhưng cũng thoáng buồn khi nhìn về thị trường tranh nội địa.

Kỷ lục triệu đô trên sàn quốc tế

Như nhiều nước trên thế giới, nền mỹ thuật Việt có bề dày lịch sử lâu đời và có không ít những danh họa được thế giới biết đến, đặc biệt là thế hệ đầu tiên của hội họa hiện đại như các bộ tứ: Trí - Vân - Lân - Cẩn, Nghiêm - Liên - Sáng - Phái hoặc họa sĩ Lê Phổ, Lương Xuân Nghị, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu, Nguyễn Phan Chánh... Đáng chú ý, một số bức tranh của họa sĩ Việt lên sàn đấu giá quốc tế gần đây đã cán mốc triệu đô, qua đó khẳng định sự đặc sắc và độc đáo của các tác phẩm hội họa nói riêng, mỹ thuật nước nhà nói chung.

Mới đây, nhà đấu giá Christie’s Hồng Kông (Trung Quốc) mở phiên đấu giá Thế kỷ 20 và nghệ thuật đương đại, quy tụ 138/232 là tác phẩm của các họa sĩ Việt Nam. Trong đó, bức tranh sơn dầu Khỏa thân, Tắm biển (Le Bain de Mer) của danh họa Lê Phổ lần lượt được mua với giá 1,4 triệu USD và gần 4 triệu đô-la Hồng Kông. Trong khi đó, bức Vỡ mộng (Les Désabusées) của danh họa Tô Ngọc Vân được bán với giá hơn 1,1 triệu USD, qua đó đánh dấu tác phẩm đầu tiên của Tô Ngọc Vân được bán với giá triệu đô. Ngoài ra, trong phiên đấu giá Thế kỷ 20 và nghệ thuật đương đại, nhiều tác phẩm mỹ thuật Việt cũng xác lập kỷ lục khi được bán với giá hàng trăm nghìn USD như bức: Gia đình ngư dân (Le Pécheur et Sa Famille) của họa sĩ Lương Xuân Nghị, bức Say ngủ (Le Sommeil) của tác giả Mai Trung Thứ, Vị quan (Le Mandarin) của danh họa Vũ Cao Đàm, Mẫu tử (Mère et Enfant) của nữ danh họa Lê Thị Lựu, Quý cô (Femmes) của danh họa Nguyễn Gia Trí...

Khi tranh Việt lập kỷ lục triệu đôBức tranh Vỡ mộng của danh họa Tô Ngọc Vân vừa được bán với giá hơn 1,1 triệu USD tại Hồng Kông (Trung Quốc).

Ngược dòng thời gian, tại nhà đấu giá Sotheby’s (Hồng Kông), lần đầu tiên một tác phẩm mỹ thuật Việt chạm mốc triệu đô, đó là bức tranh Đời sống gia đình (Family Life) của danh họa Lê Phổ đã được bán với giá 1.172.080 USD. Thời điểm đó (năm 2017), đây là lần đầu tiên trên thị trường công khai có một tác phẩm của họa sĩ Việt Nam vượt ngưỡng 1 triệu USD, cho thấy sức hút và giá trị của các tác phẩm mỹ thuật của nước ta. Dễ dàng nhận thấy, những bức tranh cán mốc giá kỷ lục triệu USD ở các sàn đấu giá quốc tế không còn là giấc mơ và nằm ngoài dự đoán của giới chuyên môn. Đặc biệt, phần lớn đều là những bức tranh thuộc lớp đầu Đông Dương như danh họa Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm. Những họa sĩ này đều là tên tuổi quen thuộc với người yêu tranh, sưu tầm tranh Việt tại nước ngoài vì tác phẩm của họ thường xuyên được đem ra bán và bán với giá không hề thấp.

Thoáng buồn trong nước

Nếu như các bức tranh kể trên của các danh họa đã xác lập kỷ lục lên đến triệu đô thì nhìn về thị trường mỹ thuật trong nước, không ít người thấy chạnh lòng và thoáng buồn. Bởi lẽ với thực tế tranh Việt được đặt kỳ vọng như thị trường tiềm năng hàng đầu châu Á, có những tác phẩm đẳng cấp được công chúng quốc tế yêu thích nhưng khi lên sàn đấu giá tranh nội địa, tác phẩm của họa sĩ Việt lại được mua với giá rất thấp. Điều này phần nào phản ánh chúng ta dù đã rất nỗ lực nhưng vẫn chưa có thị trường mỹ thuật chuyên nghiệp, đặc biệt giới họa sĩ Việt bị ảnh hưởng bởi nạn tranh giả, tranh nhái. Đã không ít lần trong những phiên đấu giá tranh hoặc triển lãm tranh do các nhà sưu tập giới thiệu trong nước; công chúng và các tác giả bức xúc vì nhà đấu giá này bán tranh nhái, triển lãm kia trưng bày tác phẩm giả.

Đáng chú ý, khi đạt được những tín hiệu khả quan về mua bán trên thị trường thì không ít họa sĩ nước ta đã tự sao chép tranh của bản thân. Chính vì điều này đã ít nhiều làm tổn hại đến lòng tin của những nhà sưu tập, họ không muốn bỏ tiền ra để mua phải bức tranh rởm hoặc tác phẩm sao chép lại những gì đã có và bắt gặp ở đâu đó. Có thể nói, phần lớn các tác phẩm danh họa người Việt nói trên đã liên tục bị bán ra nước ngoài nhiều năm trước bởi trong nước chưa có thị trường. Bởi vậy, người bán và người mua trước đây phần lớn là người nước ngoài, kéo theo việc “chảy máu nghệ thuật” trong hội họa Việt.

Giới chuyên môn nước ta khẳng định, muốn bán được tranh giá cao thì không thể chỉ trông chờ vào sự hào phóng của thị trường quốc tế, của các đại gia có sở thích sưu tầm tranh mà phải cần đến sự vững mạnh của thị trường nội địa. Đáng tiếc, dù đã rất cố gắng để định vị giá trị tranh Việt ngay trong nước, tuy nhiên, vì thị trường nội địa thiếu lành mạnh, thiếu nền nghiên cứu và phê bình đúng tầm vóc, thiếu chiến lược tiếp thị cấp độ quốc gia, thiếu hệ thống định giá nên tranh Việt trong nước vẫn cứ trầm lặng hoặc có lúc làm tốn giấy mực báo giới vì những lùm xùm.


Sơn Tùng
Ý kiến của bạn