Khi trạm thu phí BOT “thất thủ”

04-12-2017 07:18 | Thời sự
google news

SKĐS - Câu chuyện tại Trạm thu phí BOT Cai Lậy đang gây chú ý của dư luận bởi sau một thời gian tạm ngừng hoạt động đã quay trở lại thu phí vào ngày 30/11,

nhưng liên tiếp vấp phải sự phản đối của người dân đã khiến trạm này lại phải xả trạm nhiều lần. Như vậy, hàng loạt các kế hoạch của nhà đầu tư, cơ quan quản lý để ứng phó với người dân đi qua trạm thu phí này đã tiếp tục thất thủ. Hơn ai hết, chỉ có người dân đi qua đây mới thấy bức xúc khi những nhà đầu tư vẫn hàng ngày lấy  tiền của họ trên con đường mà họ cho rằng đã phải đóng thuế để xây dựng.

Được biết, chủ đầu tư BOT Cai Lậy đã bỏ ra kinh phí để tu sửa một đoạn đường Quốc lộ 1 và làm tuyến tránh qua thị xã Cai Lậy - rồi sau đó đặt trạm thu phí. Mặc dù chủ đầu tư đã thực hiện giảm, miễn phí cho nhiều loại xe và người dân các xã lân cận nhưng tình hình vẫn không được giải quyết vì người dân cho rằng vị trí đặt trạm BOT Cai Lậy là không hợp lý, thay vì nằm trên QL1 như hiện nay, người dân đòi phải dời nó về đúng chỗ là tuyến mới Cai Lậy - tuyến đường dài 12km do chủ đầu tư bỏ kinh phí làm, là đường tránh qua thị xã này.

Người dân đang đặt câu hỏi đối với chủ đầu tư và các cơ quan quản lý tại địa phương là tại sao họ không đi qua tuyến tránh Cai Lậy mà vẫn phải trả phí? Còn tuyến Quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy thì người dân đã nộp phí bảo trì đường bộ rồi.

Thực tế, các dự án BOT giao thông hiện nay chủ yếu do các nhà đầu tư trong nước thực hiện, chưa thu hút được vốn đầu tư nước ngoài. Vị trí trạm thu phí, mức phí còn nhiều bất cập, thiếu minh bạch.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc đầu tư, quản lý các dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) thuộc lĩnh vực giao thông mới đây cho thấy, hầu hết dự án BT và BOT thực hiện tại các khu vực giao thông trọng yếu, có mật độ tham gia giao thông lớn, đặt các trạm thu phí có khoảng cách gần nhau bất hợp lý, giá phí cao, tăng nhanh. Việc này khiến người tham gia giao thông không còn sự lựa chọn nào khác. Thực trạng trên dẫn đến việc người dân né trạm thu phí, đi vào đường ngang ngõ tắt gây hư hại hệ thống giao thông địa phương, gây nguy cơ mất an toàn giao thông. Hơn nữa, việc xác định phương án, doanh thu tài chính thiếu chính xác đã gây ra gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp tham gia giao thông vì thời gian thu phí quá dài. Bên cạnh đó các dự án đã ghép việc cải tạo với đầu tư xây dựng đường mới thành một dự án rồi đặt trạm thu phí không hợp lý.

Trước tình trạng hàng loạt trạm thu giá BOT giao thông gây bức xúc trong dư luận, ngày 21/10 vừa qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ra Nghị quyết nêu rõ: Đối với các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu. Hy vọng, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, vấn đề trạm thu phí BOT Cai Lậy nói riêng và các trạm thu phí BOT khác đang gây bức xúc cho dư luận sẽ được xử lý, tránh gây mất ổn định an toàn như hiện nay.


Thu Phong
Ý kiến của bạn