Trong lòng khuôn viên của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, có một ngôi trường đặc biệt dành cho những đứa trẻ không bình thường, đó là trẻ tự kỷ. Ở nơi đây cần có sự thấu hiểu, đủ yêu thương và nghị lực... để có thể chăm lo, dạy dỗ và thấu hiểu các con...
Tự kỷ, những đứa trẻ thiệt thòi chưa được thấu hiểu
Mùa thu tháng 9, khi những đứa trẻ nô nức đến trường, chuẩn bị một năm học mới thì với nhiều người mẹ, là cảm xúc chạnh lòng. Bởi họ là những bà mẹ có con tự kỷ.
Có lẽ bây giờ hai chữ "tự kỷ" không còn quá xa lạ, nhưng trẻ tự kỷ ở Việt Nam còn chịu nhiều thiệt thòi. Để được đi học đối với các em là một việc hết sức khó khăn. Trường học chưa sẵn sàng để đón nhận các em.
Là một bà mẹ có con tự kỷ, hơn ai hết chị Nguyễn Diệu Anh, người sáng lập Trung tâm Hỗ trợ Hoà nhập cho trẻ tự kỷ Hand in hand, thuộc Hội khuyến học Việt Nam, rất thấu hiểu về cảm giác này. Nhớ về những tháng ngày kiếm tìm trường học cho con trai, chị chia sẻ: "Sinh ra một đứa trẻ bình thường, khoẻ mạnh là một phúc lành, nhưng không phải người mẹ nào cũng may mắn như vậy. Như bao bà mẹ có con rối loạn phát triển khác, trong những ngày đầu khi biết con bị tự kỷ, mọi thứ với tôi dường như đổ vỡ".
Mỗi ngày, chị nhận ra rằng cuộc sống của con không giống như những đứa trẻ khác. Mọi việc đều phải tuân theo một lịch trình cụ thể, những kế hoạch đơn giản như đi dạo cùng con cũng trở thành những nhiệm vụ phức tạp đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Chị cần phải học cách hiểu và đồng cảm với những cách thể hiện tình cảm và tương tác độc đáo của con.
Đau khổ hơn, khi con đến tuổi đi học, không một trường nào muốn nhận con, may mắn lắm mới tìm được một trường, thì cũng chỉ được một thời gian là nơi đó tìm cách từ chối con với nhiều lý do. Những giờ dài bên con, lo lắng, trăn trở không ngừng thúc đẩy chị phải tìm cách không chỉ cho con mình, mà cả cho những đứa trẻ khác, những đứa trẻ thiệt thòi không được đón nhận, thấu hiểu.
"Mỗi đứa trẻ, bất kể bình thường hay khuyết tật, đều xứng đáng có cơ hội để học tập và phát triển. Nếu cộng đồng và xã hội phớt lờ, không quan tâm, không chấp nhận sự khác biệt sẽ tước đi cơ hội được học tập của trẻ. Với tâm niệm vậy, tôi đã quyết tâm tạo dựng một mái nhà cho các con. Và trên hành trình ấy, rất may mắn tôi đã tìm được những người bạn đồng hành đáng quý", chị Diệu Anh nhớ lại.
Mái ấm 'Hand in hand' ra đời...
Gác lại sự nghiệp đang rộng mở với mức lương ổn định, chấp nhận hy sinh tất cả, chị và 3 người bạn đồng hành cũng là những bà mẹ có cùng hoàn cảnh như chị, cùng chung tay thành lập Hand in hand - Trung tâm hỗ trợ hòa nhập cho trẻ tự kỷ. Chị hy vọng với sự ra đời của Hand in hand, sẽ giúp thay đổi nhận thức của cộng đồng cũng như của chính các bậc cha mẹ rằng, mắc tự kỷ không ngăn cản trẻ có một cuộc sống hạnh phúc.
Những ngày đầu thành lập, đầy chông gai và thử thách. Nhưng thử thách lớn nhất không chỉ đến từ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, mà còn từ việc đảm bảo môi trường thân thiện và an toàn cho những đứa trẻ đặc biệt này.
Trẻ ở Hand in Hand thuộc đủ mọi lứa tuổi, từ đứa bé 4- 5 tuổi, đến trẻ lớn 16 -17 tuổi. Mỗi con cũng có cách hành xử theo cách riêng của mình. Có trẻ, đôi khi lại có hành vi bất thường, phải sát sao, lo lắng. Chỉ có tình thương và sự tận tâm đối với từng đứa trẻ mới tạo ra một môi trường an lành.
Từ những người "tay ngang", các chị cùng học hỏi, mày mò, tìm hiểu để trở thành những "cô giáo đặc biệt" của các con. Nỗ lực của những bà mẹ ấy đã thấy trái ngọt. Đến giờ Hand in Hand đã xây dựng được một đội ngũ giáo viên được đào tạo, chương trình giáo dục đa dạng đã mang lại sự thay đổi rõ rệt trong cuộc sống của các em. Ở đây, mỗi em đều được chấp nhận sự khác biệt, được lắng nghe, thấu hiểu, và hỗ trợ mỗi nỗ lực, thành tựu dù là nhỏ bé.
Mái ấm của hy vọng
Hand in hand giờ không chỉ là ngôi trường, mà còn là một mái ấm được xây dựng với tình yêu thương và hy vọng. Vì không thể làm các việc hoàn thiện được như trẻ bình thường, nên khi các em ngày một lớn, điều mong mỏi khát khao lớn nhất của các bậc phụ huynh là trẻ tự kỷ có được cái nghề.
Cái nghề để sau này chúng có thể tự nuôi sống bản thân khi cha mẹ đã về già hoặc mất đi, bớt được gánh nặng cho người thân, cũng như xã hội. Vì thế, hàng tuần, tại Hand in hand, các con được học làm bánh, được phụ bếp gói nem, cuốn chả, làm patê, muối kim chi, trồng trọt, làm thủ công, tin học…
Các sản phẩm do chính bàn tay của các con làm ra đã được trung tâm triển khai bán hàng online và nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực, động viên và ủng hộ của mọi người. Chị hy vọng, đây cũng sẽ là một hướng đi trong tương lai cho các bé.
Có thể nói, không có rào cản lớn lao nào đủ để cản trở ý chí và quyết tâm của một người mẹ. Nhờ những nỗ lực không ngừng của chị, những đứa trẻ đã có một ngôi trường, một mái nhà thứ hai, nơi mà chúng được tôn trọng, yêu thương và có cơ hội phát triển tối đa khả năng của mình.
Hành trình của chị là nguồn cảm hứng mạnh mẽ, minh chứng rằng mọi thứ đều có thể thay đổi bởi sự thấu hiểu và tình yêu thương không giới hạn. Hành trình đó đã tạo ra sự kết nối, sẻ chia và đồng cảm với cộng đồng của các bậc phụ huynh có con tự kỷ, giúp họ cảm nhận được rằng họ không hề đơn độc và rằng sẽ có những cách để vượt qua khó khăn, xây dựng tương lai cho con mình. Để tháng 9, mỗi độ thu về, sẽ không còn là nỗi lo lắng, trăn trở của nhiều bà mẹ vì không tìm được trường học cho con.
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
Xúc động hành trình xây nhà vệ sinh tặng cô trò điểm trường miền núi Na Khê, Hà Giang dịp 1/6.