Hà Nội

Khi thế giới “dõi theo” biển Đông

25-07-2019 14:15 | Quốc tế
google news

SKĐS - Trong những ngày vừa qua, Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng nhóm tàu hộ tống đông đảo xâm phạm vùng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Ngay lập tức, dư luận thế giới lên tiếng cảnh báo rằng động thái này của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng, đe dọa tới môi trường hòa bình, ổn định và an ninh trên vùng biển chiến lược sống còn này.

Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) nêu rõ, Trung Quốc đã có những hành vi quấy rối các hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi thuộc vùng lãnh hải Malaysia và Việt Nam, trong đó có việc triển khai tàu khảo sát địa chất Hải Dương 9 với sự hộ tống của các tàu hải cảnh tiến hành các hoạt động khảo sát địa chất gần bãi Tư Chính thuộc thềm lục địa Việt Nam. Báo cáo của AMTI cũng chỉ ra rằng những hành vi ngang ngược của Trung Quốc ở ngoài khơi Malaysia và vùng biển Việt Nam cho thấy nước này sẵn sàng có hành động cưỡng ép và dọa dùng vũ lực để ngăn cản các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của các nước láng giềng.

Tàu Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc hoạt động trái phép tại khu vực biển Đông

Mỹ đã có những phản ứng mạnh trước hành vi gây căng thẳng, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định trên Biển Đông của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng chỉ trích các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc nhằm vào các hoạt động phát triển dầu mỏ và khí đốt của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền khác trong khu vực đã đe dọa an ninh năng lượng khu vực và làm tổn hại tới thị trường năng lượng của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Trung Quốc chấm dứt “hành vi bắt nạt và không thực hiện những hành động khiêu khích cũng như gây bất ổn”. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton nhấn mạnh, “hành động bắt nạt của Trung Quốc” đối với các quốc gia láng giềng Đông Nam Á là phản tác dụng và đe dọa đến hòa bình cũng như ổn định ở khu vực.

Được biết, theo một số nguồn tin khu vực, trong dự thảo Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN dự kiến diễn ra cuối tháng 7 này tại thủ đô Bangkok của Thái Lan, sẽ đề cập tới căng thẳng mới do Trung Quốc gây ra trên Biển Đông. Trong đó, các nước ASEAN bày tỏ quan ngại về những hành động của Trung Quốc "làm xói mòn lòng tin" và gia tăng căng thẳng trên Biển Đông.

Cộng đồng quốc tế đều đánh giá cao và ủng hộ lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển 1982 trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hợp quốc về luật Biển 1982.

Bởi hơn hết, việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực Biển Đông chính là lợi ích chung sống còn của các nước trong khu vực cũng như thế giới.


H.A
Ý kiến của bạn