Chọn nơi gian khó nhất
Chọn nơi gian khó nhất là phòng cấp cứu, sư cô Nhuận Bình chia sẻ: Rất vui, rất hạnh phúc khi được làm cánh tay nối dài của y bác sĩ để giúp đỡ các bệnh nhân COVID-19. Mặc dù, chưa có nhiều kiến thức y tế nhưng vào đây học rất nhanh; giúp xoa dịu các nỗi đau về thể chất cũng như tinh thần cho mọi người rất tốt. Mỗi người bệnh thoải mái, hợp tác điều trị, nhanh xuất viện thì đó là niềm hạnh phúc nhất.
Theo sư Bình, xung phong vào các điểm nóng, nhóm Phật giáo hỗ trợ 3 bệnh viện. Cụ thể là Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2; Bệnh viện Dã chiến số 10 và 12. Những tình nguyện viên này đều dùng tất cả hiểu biết về cuộc sống, về những triết lý vượt qua khủng hoảng tinh thần, sức ép bệnh tật để tự tin điều trị theo phác đồ của ngành y tế.
Từ những đêm dõi theo từng nhịp thở của bệnh nhân COVID-19 trong phòng cấp cứu, sư cô Thích Nữ Nhuận Bình quen dần với những vất vả. Sư Bình bộc bạch rằng: Có hôm 2-3 giờ sáng, các bình oxy được thay liên tục, dịch truyền chảy từng giọt nhặt khoan, máy SpO2, huyết áp được đo sau mỗi giờ hoặc 30 phút, tiếng tút tút được phát ra từ máy Monitor vẫn đều đặn vang lên…
Bên ngoài, mọi người đã an giấc lâu rồi, nhưng ở đây, mọi thứ vẫn được thực hiện như ban ngày, chăm bệnh nhân như chăm em bé. Mỗi y tá hay tình nguyện viên phải để mắt đến từng cử động nhỏ, từng tiếng ho… Ai cũng rèn tinh thần tỉnh táo để mọi biểu hiện của bệnh nhân được theo dõi sát sao, có biến chuyển gì, bác sĩ có những biện pháp điều trị kịp thời, cố gắng không để ai bị nặng lên.
Sư Bình bảo rằng: "Có những hôm trời nắng gắt, nhiều ca bệnh sốt cao, ho nhiều, lại còn tiêu chảy càng thấy thương hơn người bệnh. Những khi ấy, họ rất cần chúng ta quan tâm, chăm sóc, đối xử tử tế, dịu dàng nhất có thể. Nếu không làm được, không nhẫn nhịn được những bệnh nhân vì khó ăn khó ở trong người do bệnh tật mà gắt gỏng, đòi hỏi thái quá với mình, thì việc phát tâm tình nguyện ở tuyến đầu cũng chỉ là hư danh".
Theo các y bác sĩ đang điều trị bệnh nhân COVID-19 thì, những tình nguyện viên là nhà tu hành có vốn am hiểu sâu rộng về cuộc sống. Các phương pháp trấn an, cổ vũ tinh thần người bệnh rất hiệu quả. Hầu như bệnh nhân khó tính nhất khi được các nhà tu hành "đã thông" tâm lý đều vững tin chữa trị, cháy bỏng khát vọng vượt qua dịch bệnh.
Đức Phật dạy chúng sanh trong ba cõi đều là người thân nhiều đời, cha mẹ nhiều kiếp, vì nhân duyên mà ngày nay gặp lại chẳng thể nhận ra nhau. Hiểu được như vậy nên thương nhau nhiều một chút, đối đãi tử tế nhiều lên, chân thành với nhau nhiều hơn. Đừng phân biệt bất cứ dân tộc hay tôn giáo gì. Giữa đại dịch buồn đến não lòng cũng thương y bác sĩ, thương bệnh nhân biết mấy giữa những lo toan, bộn bề để giành giật sinh mạng, sự sống".
Năng lực của lòng nhân ái, bao dung, tư tưởng cao cả của nhà Phật hầu như được sư Bình lan tỏa đi bằng sự chân tình nhất. Đó cũng như liều thuốc tinh thần, góp phần cùng các thầy thuốc vực dậy khát vọng hồi sinh cho các bệnh nhân COVID-19 đang phải thở oxy trong phòng cấp cứu.
Chăm sóc bằng cả tấm lòng
Có những ngày dời phòng cấp cứu, đôi găng tay tháo ra rất lâu những vết nhăn nhúm trên da thịt vẫn chưa thể trở lại bình thường. Sư Bình thổ lộ rằng: "Chỉ cần có thể làm gì đó để giúp đỡ được các bệnh nhân, đôi tay này nguyện không từ chối.
Làm bằng tất cả tấm lòng, nhẹ nhàng, dịu dàng nhất có thể để bệnh nhân được an ủi, không còn thấy ghê sợ bệnh tật và tủi thân. Có hôm nhìn thấy máu đổ, thoáng chút lo sợ nhưng rồi thôi. Bởi nhìn thấy bệnh nhân khó thở, bao nhiêu tình thương trỗi dậy trong lòng. Biết rằng đã túc trực phòng cấp cứu thì nguy cơ lây nhiễm vẫn có thể xảy ra nhưng cũng cố gắng giúp họ với tất cả những gì mình có thể làm.
Đôi tay này tuy ngấm nước lâu có hơi sần sùi, nhưng những vết rộp này đã giúp đỡ rất nhiều việc cho bệnh nhân tại phòng cấp cứu. Hạnh phúc khi có thể chia sẻ được với người khác nên đây chính là dấu ấn của niềm vui và sự cho đi. Ai biết cho đi, người đó sẽ giàu, ai có tình thương và hiến tặng nó, người ấy sẽ hạnh phúc".
Có những đêm nhọc nhằn sau bao lo toan, chăm chút cho các ca bệnh, sư cô Thích Nữ Nhuận Bình còn cảm tác ra những dòng đầy xúc động, trăn trở như: "Nơi tuyến đầu ngày cũng như đêm/ Y bác sĩ và bệnh nhân hoà cùng trằn trọc/ Bệnh nhân đau tuyến đầu nhiều lo lắng/ Bất chấp hiểm nguy cứu chữa đêm ngày/ Bên cạnh nữa còn quan tâm đời sống/ Trấn an tinh thần, lo ăn uống, vệ sinh… Dù hiểm nguy nhưng luôn quên bản thân mình/ Rằng, ta cũng là người, cũng nhiều nguy cơ nhiễm bệnh/ Nhưng đã dấn thân vì niềm vui sự sống/ Bởi khi Tổ quốc cần, Nhân dân gọi ta đi…".
Sư Bình còn đúc rút ra rằng, có những hôm, nơi tuyến đầu, ngày cũng như đêm, xe cấp cứu chạy liên hồi đưa bệnh nhân COVID-19 nhập viện. Đó như là thông điệp để cảnh tỉnh hàng triệu người ngoài kia phải cố gắng tự bảo vệ chính mình, thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch.
Lời nhắn nhủ luôn luôn được sư Bình chia sẻ với mọi người và bệnh nhân: Hãy khỏe. Hãy chú trọng lo lắng sức khỏe. Hãy yêu thương chính mình, yêu thương chính mình thì bạn sẽ yêu thương được người bên cạnh. Không chỉ xung phong vào tuyến đầu, suốt nhiều năm qua, sư cô Nhuận Bình còn miệt mài làm công tác xã hội.
Trước khi vào phòng cấp cứu bệnh nhân COVID-19, sư Bình cũng thường xuyên tiếp tế lương thực, thực phẩm cho các khu cách ly, phong tỏa. Khi đến phòng cấp cứu rồi thì kêu gọi, vận động hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu, các nhân viên y tế đồ phòng hộ, thiết bị điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Cứ sau mỗi ca trực sư Bình lại tất bật kêu gọi các Phật tử, mạnh thường quân hãy chung tay vì tuyến đầu chống dịch.
Sư Bình sẻ chia rằng: Bất kể tôn giáo nào hay dân tộc nào đều hướng đến điều cao nhất là tình thương, lòng bác ái. Trong khó khăn dịch bệnh, rất cần sự đồng lòng chung sức để cả nước sớm vượt qua.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Phát bảo hộ và khẩu trang trợ giúp bệnh nhân.