Khi thầy thuốc nhận "tội" về mình

09-05-2015 10:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trong thực hành khám chữa bệnh, người thầy thuốc không phải chỉ giỏi về chuyên môn kỹ thuật, như vậy chưa đủ mà còn phải biết không ít những vấn đề có liên quan đến tâm lý xã hội, đến cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Trong số 2.000 bệnh nhân của chúng tôi đã được mổ xong lỗ van hai lá tim bị hẹp ở giai đoạn bệnh phát hiện sớm, có nhiều người đã sống trên 20 năm sau mổ mà sức khỏe vẫn tốt, bình thường không bị hẹp lại lỗ van hai lá không có chỉ định mổ sửa van hoặc thay van tim. Trong số đó, có một nữ tu sĩ - sư cô Vạn Hoa - tu hành tại chùa Tam Bảo bị mắc bệnh hẹp lỗ van hai lá tim hậu thấp khá nặng, trong tình trạng suy tim đang tiến triển.

Chúng tôi nói với nhà chùa là chỉ có điều trị bằng phẫu thuật mới có thể cứu sống được bệnh nhân. Khi biết ý kiến của chúng tôi, sư cô Vạn Hoa nói:“Trong kinh Phật có đoạn viết: nếu ai có can đảm dám động tới trái tim nhà tu hành, người đó và chính bản thân người bệnh sẽ có tội với thượng đế”.

Chính vì thế, sư cô Vạn Hoa đi tới đâu cũng chỉ nhận được một toa thuốc kèm theo một lời khuyên ngắn gọn: “Nên mổ tim”. Chỉ khi bệnh tim của sư cô càng ngày càng nặng thêm, sư cô mới tìm đến chúng tôi để xin khám và điều trị.

Sau khi được chúng tôi giải thích: “Khi mổ điều trị bệnh tim cho sư cô chính chúng tôi mới là người có tội với thượng đế, còn sư cô thì có mệnh hệ gì đâu! Chỉ cần sau khi mổ điều trị khỏi bệnh tim, sư cô cầu nguyện cho chúng tôi được luôn luôn mạnh khỏe, bình yên vô sự là đủ lắm rồi.

Nghe xong, sư cô tỏ vẻ rất vui mừng, nói với chúng tôi bằng một giọng run run: “Sau khi mổ tim về, con hứa sẽ cầu nguyện cho thầy và tập thể y bác sĩ làm việc với thầy có sức khỏe tốt để cứu nhân độ thế!”.

Sau mổ, sức khỏe tiến triển tốt, sư cô được xuất viện về chùa vào ngày thứ 12 sau phẫu thuật trong tình trạng tốt.

Một tháng sau khi mổ, sư cô được tái khám kiểm tra, sức khỏe tốt, hết khó thở, các chỉ số sinh lý đã trở lại tương đối bình thường, ở màng tim không còn nghe thấy tiếng thổi tâm trương nữa!

Trong lần tái khám này, sư cô đã tặng cho tôi một bức tranh sơn mài, khảm xà cừ, với với hai câu thơ:

“Ơn giáo dưỡng một đời nên huệ mạng,

Nghĩa ơn thầy muôn thuở dạ chẳng quên”!

Trong thực hành khám chữa bệnh, người thầy thuốc không phải chỉ giỏi về chuyên môn kỹ thuật, như vậy chưa đủ mà còn phải biết không ít những vấn đề có liên quan đến tâm lý xã hội, đến cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh, đến phong tục tập quán của tôn giáo, của địa phương, nhất là khi người bệnh lại là tín đồ của nhiều đạo giáo khác nhau!

GS.TSKH. Nguyễn Khánh Dư

 


Ý kiến của bạn