Khi thầy thuốc... “đứng đầu chợ”

25-07-2016 11:29 | Y tế

SKĐS - Là một trong những chuyên gia đầu ngành về sản phụ khoa, GS.TS. Vương Tiến Hòa rất quan tâm tới ca song sinh dính liền mới đây của BVĐK Vị Xuyên.

Là một trong những chuyên gia đầu ngành về sản phụ khoa, GS.TS. Vương Tiến Hòa rất quan tâm tới ca song sinh dính liền mới đây của BVĐK Vị Xuyên. Ông cũng trăn trở nhiều khi đọc những thông tin trên mạng không chỉ với tư cách là thầy thuốc mà trước hết là một người dân bình thường. Sau đây là tâm sự của ông mà phóng viên báo SK&ĐS đã ghi lại.

Những ngày này, trên các tờ báo cũng như trên mạng xã hội xôn xao về ca song sinh dính nhau ở BVĐK Vị Xuyên, Hà Giang. Là người có gần 50 năm làm việc trong ngành sản khoa, tôi rất mừng trước thành công của các đồng nghiệp. Trước hết phải nói đó là một ca khó, kể cả với bác sĩ chuyên khoa sản ở Hà Nội. Đây là một ca song sinh dính nhau. Người thường sẽ bảo, mổ đẻ thì có gì khó, rạch một đường, lấy thai ra là xong. Đấy là bởi người ta không hình dung được việc lấy thai ra từ một vết mổ 10-12cm là như thế nào. Một đứa bé thì không sao nhưng đây là 2 bé lại dính nhau, thai cũng khá lớn - 4.900g. Thế mà các đồng nghiệp của tôi ở Vị Xuyên đã đưa 2 bé chào đời thành công. Có thể nói là một cuộc mổ đẻ suôn sẻ, không có đờ tử cung, không rách, không chảy máu tử cung, hai trẻ cũng không có chấn thương gì ngoài dị tật bẩm sinh dính liền nhau. Mang thai, sinh nở đã ẩn chứa rất nhiều rủi ro rồi, nữa là thai đôi lại dính nhau, càng dễ tai biến. Vậy mà lấy được 2 bé ra không vấn đề gì, tạm coi là “mẹ tròn con vuông” đi. Thế là rất thành công rồi.

Công việc của các BS rất vất vả , nhiều áp lực...

Hai bé được chăm sóc ban đầu cẩn thận, BS. Nguyễn Ngọc Chung - Phó Giám đốc BV Vị Xuyên đã đề xuất đưa các cháu về BV Việt Đức ở Hà Nội để tiếp tục theo dõi, thăm khám và giải quyết vấn đề sức khỏe tiếp theo của các bé. Nhưng gia đình là người dân tộc Dao có hoàn cảnh rất khó khăn. Việc đưa các cháu về Hà Nội điều trị đâu có đơn giản. Xe chuyển viện thì BVĐK Vị Xuyên có thể lo, nhưng còn bao nhiêu chi phí khác như ăn ở cho người nhà đi cùng ở Thủ đô đắt đỏ thì lấy đâu ra? Thầy thuốc đã phát hiện ra vấn đề nhưng BV cũng nghèo, quỹ hỗ trợ khả năng cũng hạn chế. Vậy là BS. Chung quyết định xuống chợ (sau khi xin phép cơ quan chức năng) để vận động quyên góp cho gia đình hai cháu bé. Điều trị bệnh cứu người đã quý, lại còn lo lắng cho gia đình bệnh nhân cả vấn đề tài chính nữa thì thầy thuốc quả thực là mẹ hiền. Đây có lẽ là trường hợp đầu tiên trong cả nước khi người thầy thuốc xuống chợ vì bệnh nhân của mình. Anh ấy có ngại không, có xấu hổ không? Không những không xấu hổ mà anh ấy còn mặc cả áo blouse trắng của ngành y cao quý, đeo biển tên để đứng giữa chợ quyên tiền. Hình ảnh đó thật có sức cảm hóa - tại một huyện miền núi mà 2 ngày đầu tiên anh ấy đã quyên được hơn 7 triệu, vài ngày sau, số tiền đã lên đến 40 triệu đồng. Gì thì anh ấy cũng là người có địa vị! Xưa nay cứ nghe “đầu đường, cuối chợ” là người ta thường nghĩ ngay tới hạng người không ra gì, không đầu trộm đuôi cướp thì cũng là cùng đinh mạt vận bị người đời coi thường. Ấy thế mà có một BS, Phó Giám đốc bệnh viện đứng giữa chợ quyên tiền không phải cho bản thân mà là cho người bệnh. Thế mới lạ, mới gây xôn xao. Mấy ai dám nghĩ, dám làm như thế!

Tôi chắc rằng, người thầy thuốc này hẳn chẳng nghĩ nhiều tới danh tiếng hay thậm chí anh cũng chẳng nghĩ rằng làm thế để thể hiện câu “lương y như mẹ hiền”. Nếu cứ nghĩ nhiều như thế, cân nhắc này nọ chắc anh đã không có hành động “xuống chợ quyên tiền” nhanh chóng và dứt khoát như vậy. Làm thầy thuốc trước hết cũng là làm người. Là một con người, lòng nhân ái, yêu thương đồng loại, biết chia sẻ chính là một phẩm chất cao quý. Người thầy thuốc này hiểu rằng cần phải nhanh chóng đưa hai em bé dính nhau về BV Việt Đức, nơi có các điều kiện tốt nhất để điều trị. Việc anh làm trước hết là vì cái tâm muốn giúp đỡ người khác, lòng nhân ái của anh là sâu trong bản chất, trong tiềm thức. Tấm lòng ấy mới đáng quý làm sao!

Chuyện “xuống chợ quyên tiền” giúp bệnh nhân của BS. Nguyễn Ngọc Chung khiến tôi nghĩ tới biết bao người thầy thuốc khác. Họ cũng khoác trên người tấm áo trắng cao quý của ngành y, thầm lặng cứu người. Bao đêm trực, bao ca bệnh phải giải quyết. Như bao người khác, họ cũng có gánh nặng của cuộc sống đời thường, lại thêm áp lực công việc, một công việc rất đặc thù bởi liên quan tới sức khỏe, tính mạng của người khác, không được phép sai sót. Đúng là có vài trường hợp thiếu y đức, đúng là có tệ nạn phong bì nhưng đó chỉ là cá biệt. Còn bao nhiêu người thầy thuốc khác như BS. Chung, chẳng nghĩ tới thân phận, không màng sĩ diện của bản thân, dốc lòng vì người bệnh, lo bao đồng cả việc không thuộc chuyên môn thầy thuốc của mình. Tôi biết có những trường hợp vào viện cấp cứu mà người nhà bệnh nhân không có tiền để đóng viện phí, khi đó, chúng tôi vẫn lao vào cấp cứu, làm gì có chuyện phải có tiền mới cứu! Có khi BS còn phải đứng ra bảo lãnh cho bệnh nhân ấy chứ. Nếu sau đó bệnh nhân có tiền trả viện phí thì không sao, còn không thì bác sĩ phải gánh. Đã có những chuyện như thế rồi. Thế nhưng, nếu có một trường hợp tai biến hay sai sót xảy ra thì sự lên án thật nặng nề. Mỗi lần như thế, những người thầy thuốc khác lại cảm thấy áp lực đè lên vai mình thêm trĩu nặng. Làm trong ngành y có bao đòi hỏi, đòi hỏi phải vững chuyên môn, đòi hỏi phải giữ y đức, đòi hỏi phải thái độ tiếp xúc tốt, đòi hỏi phải có sức khỏe để chịu đựng những đêm trực, những áp lực do đông bệnh nhân, quá tải bệnh viện, vân vân và vân vân. Thế nhưng công việc chẳng dễ dàng, càng ngày càng nhiều những trường hợp hành hung thầy thuốc… Mỗi khi nghĩ tới những điều này, tôi lại nhớ đến những điều tốt đẹp để động viên mình, ví như những lời cảm ơn của người bệnh, những lần ra đường tình cờ gặp và được nghe câu: “Con/cháu chào bác sĩ đi, bác ấy đã đỡ cho con đấy”… Nhưng cũng có lúc chạnh lòng. Như lần này cũng vậy. Một hình ảnh, một câu chuyện đáng tuyên dương như thế nhưng cũng chỉ có vài bài báo, vài comment. Lại nghĩ tới những cơn bão comment khi có một trường hợp tai biến sản khoa, sai sót y khoa, tai nạn nghề nghiệp. Nghĩ và mong. Mong sao xã hội có cái nhìn thông cảm hơn, thấu hiểu hơn. Mong sao điều tốt đẹp được tôn vinh, lòng nhân ái được nhân rộng…


Minh Thúy (ghi)
Ý kiến của bạn