Hà Nội

Khi thầy thuốc “chữa cháy” cho thầy lang!

16-04-2014 10:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Hành nghề không có giấy phép, thuốc bốc cho bệnh nhân được gắn nhãn “gia truyền”, phương thức chữa bệnh thì kỳ quái...

Hành nghề không có giấy phép, thuốc bốc cho bệnh nhân được gắn nhãn “gia truyền”, phương thức chữa bệnh thì kỳ quái... song không ít người bệnh vẫn mê muội tìm đến những “thầy lang vườn” và hậu quả họ phải trả giá bằng cả mạng sống. Điều đáng nói là tình trạng này dù được cảnh báo nhiều, song có chiều hướng gia tăng khiến công tác khám chữa bệnh tại một số bệnh viện để giải quyết hậu quả này ngày càng nặng nề.

Một bệnh nhân nhập Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai do uống thuốc của thầy lang. Ảnh: T. Minh

Một bệnh nhân nhập Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai do uống thuốc của thầy lang. Ảnh: T. Minh

Bấm là chết, uống là... tiêu!

Thông tin từ Bệnh viện (BV) Việt - Đức, vừa qua, các nhân viên y tế tại đây vừa cấp cứu cho một bệnh nhân rơi vào tình trạng ngừng thở, hôn mê, liệt tứ chi sau khi được xoa bóp tại nhà thầy lang để chữa chứng thoái hóa đốt sống cổ. Bệnh nhân là anh L.V.L. (26 tuổi, ở Sóc Sơn, Hà Nội) có tiền sử bị thoái hóa đốt sống cổ. Trước đó, bệnh nhân đến nhà một thầy lang ở huyện Đông Anh, sau khi được thầy lang xoa bóp, bấm huyệt đã bị liệt tại chỗ. Nạn nhân được đưa đến BV Bắc Thăng Long và rơi vào trạng thái ngừng tim, hôn mê. Sau khi được cấp cứu, cho thở máy, bệnh nhân được chuyển tiếp lên BV Việt - Đức. Sau hơn 2 ngày điều trị và thở máy, tiên lượng khó qua khỏi nên gia đình đã xin cho bệnh nhân về nhà. Cùng thời gian trên, ông Vi Ngọc Xuyến, Trưởng Công an xã Châu Đình, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An cho biết, trên địa bàn vừa có 1 người tử vong sau khi được thầy lang tiêm thuốc. Danh tính thầy lang được xác định là Vi Ngọc Thơ (60 tuổi, trú tại xóm Quệ, xã Châu Đình, huyện Quỳ Hợp) không có nghề nghiệp nhưng vẫn cố tình dùng kim tiêm, tiêm thuốc cho người bệnh dẫn đến tử vong? Nạn nhân là ông Lương Quang Trung (54 tuổi, ở xóm Cúng, xã Châu Đình, Quỳ Hợp, Nghệ An). Theo đó, ông Lương Quang Trung bị bệnh hen và ốm nên đã mời thầy lang Vi Ngọc Thơ đến nhà chữa trị. Tại đây, thầy lang Thơ đã cho ông Trung uống một số loại lá rừng, sau đó tiêm thuốc và truyền thêm 3 chai thuốc bổ như gluco, nước hoa quả... Tuy nhiên, ngay sau khi tiêm thuốc, ông Trung bất ngờ gục xuống. Ngay lập tức, thầy lang Thơ và người nhà đã đưa ông Trung đi Bệnh viện huyện Quỳ Hợp cấp cứu, tuy nhiên, ông Trung đã tử vong trên đường đến bệnh viện. Cũng theo ông Xuyến: “Ông Thơ chỉ là một thầy lang vườn, không có giấy phép, trong xóm bản có vài người đau ốm cũng đến chỗ ông lấy thuốc và đã có một số người khỏi bệnh nên truyền miệng cho nhau. Hiện vỏ thuốc tiêm, thuốc lá đã được công an thu giữ để tiếp tục điều tra về cái chết của ông Lương Quang Trung”.

Hai lang băm miệt vườn ở Vĩnh Long bị cơ quan công an bắt giữ.

Hai lang băm miệt vườn ở Vĩnh Long bị cơ quan công an bắt giữ.

Đừng để “thầy lang” phang... thầy thuốc

Có thể thấy tình trạng bệnh nhân vì thiếu thông tin, kiến thức tìm đến thầy lang vườn chữa bệnh đã gây nhiều hệ lụy. Mà giải quyết những hậu quả từ việc khám chữa bệnh từ các thầy lang vườn không ai khác lại là các bệnh viện. Theo BS. Hoàng Mạnh Hải, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, chỉ tính riêng trung tuần tháng 4, Bệnh viện Bạch Mai đã cấp cứu một số bệnh nhân trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc” chỉ vì uống thuốc của thầy lang “vườn” theo truyền khẩu. Trong đó, một bệnh nhân đã tử vong, các ca còn lại đang trong tình trạng nguy kịch, một người phải thở máy, lọc máu liên tục do sốc nhiễm khuẩn, suy thận, tràn dịch màng phổi... Từ những ca bệnh này, BS. Hải khẳng định: Hiện nay có không ít bệnh nhân tự ý mua thuốc điều trị hoặc theo truyền khẩu tìm đến những thầy lang vườn chữa bệnh. Đó là một thói quen cần phải loại bỏ khỏi đời sống y tế để tránh tình trạng nhẹ nhất là tiền mất tật mang. Nặng hơn, bệnh nhân phải trả giá bằng cả mạng sống.

Cũng từ những ca bệnh, BS. Hải cho biết: Rất đáng lo ngại khi nhiều thầy lang bên cạnh việc cho bệnh nhân uống thuốc Đông y còn cho sử dụng thuốc giảm đau paracetamol liều cao trong thời gian dài với mục đích “hỗ trợ”. Tuy nhiên, “chỉ định” này làm cho bệnh nhân thay vì giảm đau, nhanh khỏi bệnh lại bị nhiễm độc nặng, hoại tử tế bào gan, thận... và cuối cùng gây tử vong. Cho nên, dù chữa bệnh theo hình thức nào, loại bệnh gì, bệnh nhân cũng nên tìm đến những địa chỉ y tế đáng tin cậy.

Vi Hoàng Minh

 


Ý kiến của bạn