Nguyên nhân vì học sinh tốt nghiệp phổ thông bây giờ quá giỏi, chỉ muốn vào đại học để có điều kiện phục vụ tốt hơn hay đây là hiện tượng đáng báo động trong quan niệm sử dụng nhân lực lao động trong xã hội ta hiện nay?
Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp phổ thông thi vào đại học rất cao và tất nhiên chỉ tiêu định mức của các trường đại học có hạn nên số trượt đại học cũng rất nhiều. Thế nhưng số trượt đại học, thậm chí cả số học sinh có lực học yếu, trung bình không thi đại học cũng hờ hững với các trường TCN, TCCN là vì sao?
Hiện tượng không bình thường này bắt đầu từ quan niệm bằng cấp trong xã hội: khi có bằng đại học sẽ "sang" hơn có bằng trung cấp, công nhân kỹ thuật mặc dù 30% công chức hiện nay (toàn người đã có bằng đại học) đều vô tích sự như Quốc hội đã chỉ ra. Quan trọng hơn là chế độ tuyển dụng nặng về bằng cấp hơn về năng lực thật sự và chi trả lương theo bằng cấp mà không theo hiệu quả lao động. Chính nguyên nhân thứ hai này sinh ra nguyên nhân thứ nhất và hậu quả là một bộ phận lớp trẻ không xuất phát từ năng lực, đam mê trong mình để chạy theo những hy vọng ảo.
Học nghề hay học đại học trước hết để mưu sinh và khi không vào được đại học thì chờ năm sau thi hoặc đi lao động nước ngoài chứ các trường TCN, TCCN không phải là phương án tiếp theo. Cạnh đó là hiện tượng bất hợp lý xảy ra thường xuyên như một công nhân móc cống chắc chắn có ích hơn một công chức vô tích sự "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" nhưng lương bổng khác hẳn nhau chứ không tính trường hợp giám đốc nhận lương khủng 2,6 tỷ/năm.
Trong khi thầy lắm hơn thợ, các trường đại học dân lập cũng được Bộ GD-ĐT cấp phép mọc ra như nấm khiến cho không ít thí sinh trượt đại học dù chả biết trường A,B là trường nào cũng bỗng nhiên nhận được... giấy báo nhập học!
Công bằng mà nói, cũng không ít bạn trẻ xin vào học tại các trường TCN, TCCN nhưng khi ra trường thật khó kiếm việc làm vì chất lượng đào tạo kém. Những người thợ cả, thợ bậc cao cần mẫn với nghề, thật sự có đóng góp cho xã hội còn chưa được trọng dụng, tôn vinh cũng khiến một bộ phận lớp trẻ dù tự biết khả năng của mình cũng bằng mọi cách để trở thành thầy hơn thành thợ.
Bất cứ đất nước nào khi có nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là có đội ngũ công nhân kỹ thuật, kỹ thuật viên giỏi nghề, có kỹ năng thành thạo sẽ có lợi thế về cạnh tranh, năng suất lao động vượt trội, tạo giá trị gia tăng trong sự phát triển. Những quan niệm và thực tế đào tạo "thợ" ở ta như trên sẽ đẻ ra sự dị dạng, khuyết tật trong phát triển kinh tế. Và nếu chúng ta không nhanh chóng đổi mới, tạo đột phá nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, kỹ thuật cao thì chúng ta tiếp tục tụt hậu, khó hội nhập với quốc tế.
Lê Quý