Thời gian qua, Bộ VH-TT&DL chủ trương đưa các chương trình biểu diễn chất lượng cao vào Nhà hát Lớn Hà Nội – “thánh đường nghệ thuật” ở Việt Nam. Đáng mừng, các chương trình, vở diễn đặc sắc tại Nhà hát Lớn vừa qua đã thu hút đông đảo người xem, được công chúng đón nhận, đánh giá cao...
Nhiều ý nghĩa
Thực tế cho thấy, hầu hết các địa phương ở nước ta đều có các sân khấu, nhà văn hóa... phục vụ cho việc biểu diễn nghệ thuật. Tuy nhiên, Nhà hát Lớn Hà Nội từ lâu được giới nghệ sĩ ví như “thánh đường nghệ thuật” của Việt Nam vì đây là một di tích văn hóa lịch sử, có sự tồn tại và phát triển tới nay đã hơn thế kỷ. Được biểu diễn ở Nhà hát Lớn dường như là một niềm vinh dự, tự hào với bất kỳ nghệ sĩ nào. Và không phải người dân nào cũng có cơ hội được ngồi tại hàng ghế khán giả tại “thánh đường nghệ thuật” bởi giá vé tại đây thường cao hơn so với các địa điểm khác.
Biệt đội Báo đen – Vở diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội vừa qua được khán giả đánh giá cao.
Theo Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương, việc tổ chức chuỗi chương trình nghệ thuật chất lượng cao tại Nhà hát Lớn sẽ tạo trách nhiệm, khát vọng cho các nghệ sĩ nhằm xây dựng nhiều hơn những tác phẩm phục vụ người dân trong thời kỳ đổi mới. Không chỉ giúp khán giả có cơ hội thưởng thức nghệ thuật trong không gian văn hóa sang trọng bậc nhất Thủ đô, các chương trình tại Nhà hát Lớn được kỳ vọng sẽ góp phần quảng bá tinh hoa văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Đây cũng là một trong những hoạt động đưa Nhà hát Lớn trở thành địa chỉ sinh hoạt văn hóa tiêu biểu của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Bên cạnh đó, chủ trương mở cửa Nhà hát Lớn sẽ giúp các đơn vị nghệ thuật vơi nỗi lo chi phí thuê địa điểm biểu diễn. Thông thường, giá thuê nhà hát khá cao từ 35 - 50 triệu đồng/1 đêm nên không phải đơn vị nào cũng có đủ tự tin để mang tác phẩm lên Nhà hát Lớn biểu diễn vì sợ “lỗ”.
NSƯT Thanh Ngoan - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết, biểu diễn ở một địa điểm sang trọng, “đủ chuẩn” nhất hiện nay như Nhà hát Lớn Hà Nội luôn là niềm mong mỏi của bất cứ đơn vị nghệ thuật hay nghệ sĩ nào, đặc biệt là sân khấu truyền thống như tuồng, chèo, cải lương có cơ hội hiện diện trong “thánh đường nghệ thuật” phục vụ khán giả. Nghệ sĩ piano Vũ Ngọc Linh cũng tâm sự, dù đã biểu diễn ở nhiều nơi, các nhà hát trong và ngoài nước, nhưng biểu diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội vẫn thấy sự xúc động, hồi hộp. Ở sân khấu nhà hát, giữa hàng trăm con người như có một ngọn lửa đang cháy trong tim.
Đem về những hiệu ứng tích cực
Hiện tại, tất cả các kinh phí trang trải cho chương trình, vở diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội đều do Bộ VH-TT&DL trực tiếp đứng ra vận động các đơn vị, doanh nghiệp tài trợ. Ngay hoạt động quảng bá, bán vé cho các chương trình, nghệ sĩ, các đơn vị có vở diễn hoàn toàn không phải bận tâm vì đều được giao cho Nhà hát Lớn Hà Nội lo. Có lẽ vì không nặng gánh về địa điểm biểu diễn và chỉ chuyên tâm vào chuyên môn, vì thế, các vở diễn, chương trình của các đơn vị nghệ thuật tại Nhà hát Lớn Hà Nội vừa qua luôn đầy ắp khán giả, được công chúng đánh giá cao.
Mới đây, vở cải lương Vua thánh triều Lê (Nhà hát Cải lương Việt Nam) diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã không còn 1 ghế trống. Thậm chí, vở diễn khép, nhạc sĩ người Pháp có tên Philippe Biclot chia sẻ, dù chưa thể hiểu hết nội dung của vở Vua thánh triều Lê do cách trở về ngôn ngữ nhưng ông vô cùng ấn tượng với âm nhạc trong tác phẩm này. “Nó rất hay, trữ tình. Các nhạc công chơi rất tuyệt vời, âm nhạc đã giúp cho diễn viên hát hay hơn. Tôi thích nhất là âm vực và cách luyến láy của nam diễn viên đóng vai chính vua Lê Thánh Tông”, Philippe Biclot nhận xét.
Tạo hiệu ứng không kém chính là vở kịch nói Biệt đội Báo đen của các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng. Tác phẩm sân khấu này cũng đã nhận được sự ủng hộ, quan tâm của đông đảo công chúng khi Nhà hát Lớn được phủ kín. Hầu hết người xem đều hài lòng, mãn nhãn với những gì được chứng kiến trên sân khấu. Một bạn trẻ khi xem xong vở Biệt đội Báo đen cho biết, bạn vừa mua được giá vé phải chăng, đồng thời còn được thưởng thức một tác phẩm sân khấu hấp dẫn và xúc động. “Cứ nghĩ Biệt đội Báo đen sẽ mang màu sắc hình sự, ly kì thì ấn tượng hoàn toàn ngược lại, đây là một vở kịch tâm lý sâu sắc”, một khán giả trẻ chia sẻ.
Được biết, ngoài những vở diễn, chương trình đặc sắc nằm trong chuỗi sự kiện mở cửa Nhà hát Lớn đã được trình diễn thời gian qua, từ nay đến hết năm 2016, tại Nhà hát Lớn còn biểu diễn các tác phẩm chất lượng: Xúy Vân, Hương sắc Việt Nam, Ballet cổ điển Kẹp hạt dẻ, Hamlet, Nếp nhăn và Nụ cười, Ai là thủ phạm... Với những hiệu ứng tích cực từ việc thu hút khán giả, quảng bá những tác phẩm nghệ thuật sân khấu truyền thống đặc sắc tới công chúng; giới làm nghề đánh giá định hướng của Bộ VH-TT&DL đang khơi dậy hy vọng cho hoạt động nghệ thuật sân khấu đỉnh cao ở Nhà hát Lớn, là một trong những định hướng tạo được sự hứng khởi đối với nghệ sĩ, diễn viên và các nhà hát.