Hà Nội

Khi “thần y “ biến tướng

19-09-2016 08:10 | Xã hội
google news

SKĐS - Cam kết “trị dứt điểm”: bệnh ngoài da như chàm, eczema, tổ đỉa, viêm xoang, viêm họng, gút, mỡ máu cao, sỏi thận...

Cam kết “trị dứt điểm”: bệnh ngoài da như chàm, eczema, tổ đỉa, viêm xoang, viêm họng, gút, mỡ máu cao, sỏi thận... cùng nhiều bệnh không chết người nhưng khó nói khác như sâu răng, hôi miệng... là những lời quảng cáo có cánh đang tràn lan trên các trang mạng xã hội hiện nay. Trước đây, nhiều người lạm dụng những từ ngữ thái quá như “thần y”, hay “thánh”, nay bị nhiều người dị ứng thì biến tướng thành những thuật ngữ dễ nghe hơn, nhưng sự thật không phải như vậy.

Bản thân người viết bài này cũng không là ngoại lệ: Bị bệnh tổ đỉa, điều trị Tây y đã khá lâu không có kết quả nên khi thấy quảng cáo thuốc gia truyền “trị dứt điểm” tổ đỉa của thầy M. cùng lời cam kết: “Hoàn trả lại tiền nếu không khỏi bệnh” trên facebook đã tìm đến địa phòng khám của thầy ở TP.HCM để xin khám, chữa bệnh. Địa chỉ ghi rõ phòng khám nằm trên một con đường lớn của quận 7, nhưng khi đến nơi thì đó lại là cửa hàng bán VLXD, phải dò hỏi mãi mới biết được phòng khám nằm sâu trong con hẻm ngoắt ngéo bên cạnh.

Nơi đây thực ra là một phòng trọ được họ thuê để đặt làm nơi khám chữa bệnh (không có biển hiệu) với vài ba nhân viên trẻ chẳng có dáng dấp gì là thầy thuốc. Khi nghe tôi ngỏ ý xin được thầy trực tiếp khám, một nam nhân viên cho biết thầy đi vắng và thay thầy “khám bệnh” và rồi khuyên tôi mua thuốc. Thuốc dạng bột được đựng trong lọ nhỏ không đề rõ thành phần, nơi sản xuất, giấy phép lưu hành (tóm lại là không rõ nguồn gốc) nhưng giá rất đắt (theo tư vấn của nhân viên nhà thuốc phải dùng đến hơn 10 triệu mới có thể khỏi bệnh).

Thử gọi điện liên hệ với những bệnh nhân đã đăng ký mua thuốc (trên facebook) thì đa số đều tắt máy hoặc có liên lạc được thì cũng nhận được những lời phàn nàn rằng kết quả điều trị cũng không mấy khả quan... Nổi bật nhất trên facebook là liều thuốc chống đột quỵ liên tục được quảng cáo là: “Chỉ một liều duy nhất, phòng chống được đột quỵ tai biến mạch máu não cả đời”. Chỉ cần suy luận một cách đơn giản: Nếu bài thuốc này thực sự có thể phòng chống được đột quỵ thì chắc hẳn họ đã đăng ký bản quyền để mọi người dân khắp thế giới sử dụng. Thế nhưng, vì nghe quảng cáo như “thần dược” lại thấy giá cả quá rẻ (129.000đ/liều) so với mong muốn lại sử dụng đơn giản, dễ dàng nên hàng ngàn người đã đăng ký mua dù chưa biết thực hư ra sao.

Theo các chuyên gia y dược thì khả năng chữa bệnh của các loại thuốc hay thảo dược phải được thông qua quá trình đánh giá y khoa hết sức bài bản, ngặt nghèo. Tất cả các thuốc, thảo dược hay phương pháp chữa bệnh chưa được đánh giá y khoa đều là không có cơ sở khoa học, nếu sử dụng có thể bị tác dụng phụ không mong muốn, thậm chí gây tai biến y khoa. Nguy hiểm hơn nữa, chỉ vì quá tin vào những lời nghe quảng cáo trên mạng sẽ có những bệnh nhân bỏ thuốc Tây y đang điều trị để chạy theo những bài thuốc gia truyền này dẫn đến mất cơ hội chữa trị và sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.


Ý kiến của bạn