Thuật ngữ yoga có nghĩa là sự thống nhất và hòa nhập, sự cởi bỏ và giải thoát. Là một phương pháp tu luyện, nghĩa là tìm cách cải tạo toàn bộ con người, trong đó cải tạo phần tâm tư, tình cảm, tư tưởng, nhãn quan là chính. Ở đây cần phân biệt giữa các khái niệm tập luyện, rèn luyện và tu luyện.
Yoga có lợi cho sức khỏe như thế nào?
Qua hơn nửa thế kỷ nghiên cứu trên mọi phương diện, các nhà khoa học nhận thấy phương pháp tập luyện yoga có những tác dụng hữu ích cho sức khỏe như sau:
Với hệ hô hấp: làm hưng phấn trung khu hô hấp, tăng thông khí phổi, giảm lượng khí cặn, cải thiện tuần hoàn phổi, tăng cường quá trình trao đổi khí ở phế nang, tăng sự hấp thu ôxy từ 10 - 70% tùy theo từng thế tập (asana), làm giảm lượng ôxy tiêu thụ, chỉ số thông khí/phút giảm 12 - 18%.
Với hệ tuần hoàn: yoga có khả năng điều chỉnh nhịp tim và huyết áp, tăng cường lưu lượng tuần hoàn vành, cải thiện sức co bóp cơ tim, nâng cao sức chịu đựng của cơ tim trong điều kiện thiếu ôxy, tập luyện đều đặn sẽ làm nhịp tim giảm khoảng 10%, huyết áp giảm từ 15 - 25%, phòng ngừa tích cực bệnh tăng huyết áp.
Tăng cường năng lực của hệ thống miễn dịch, ức chế sự phát triển của các tế bào ác tính, kéo dài và cải thiện cuộc sống cho các bệnh nhân bị bệnh ung thư.
Nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống nội tiết. Làm giảm đường máu và điều chỉnh rối loạn lipid máu.
Với hệ tiêu hóa: yoga góp phần xoa bóp các nội tạng, cải thiện công năng tiêu hóa, kích thích cảm giác ngon miệng, điều chỉnh công năng co bóp, tiết dịch và hấp thu của dạ dày ruột, cải thiện năng lực hoạt động của hệ tiêu hóa.
Với hệ xương khớp: Tăng cường tính linh hoạt, khả năng co giãn của dây chằng, giúp cho các khớp hoạt động dẻo dai, đặc biệt là các khớp cột sống.
Với hệ thống thần kinh: yoga có tác dụng duy trì cân bằng giữa hưng phấn và ức chế, nâng cao khả năng kiểm soát của vỏ não, tăng cường lưu lượng tuần hoàn não, cải thiện trí nhớ và sức chú ý, phát triển phản xạ có điều kiện, khơi dậy những tiềm năng trí tuệ vốn có, kiểm soát được phương hướng, làm giảm căng thẳng, phòng chống tác hại của stress và ngăn ngừa chứng mất trí nhớ.
Ngoài ra, cải thiện chức năng giải độc của cơ thể; tiêu mỡ làm đẹp, cải tạo vóc dáng và khả năng dẻo dai của cơ thể, chống lão hóa; tăng cường khả năng thích nghi của cơ thể trước mọi biến đổi của môi trường tự nhiên và xã hội, giúp con người trở nên kiên nhẫn, suy nghĩ sâu sắc, dễ khép mình vào kỷ luật và giàu tính tự tin.
Ảnh minh họa( Nguồn: internet) |
Yoga có những đặc trưng gì?
Trước hết, khác với thể dục hiện đại, yoga thiếu mặt vận động, không có chạy, nhảy, bơi lội, đấu đá... mà chủ yếu vạch ra con đường tập luyện phần nội, mặt tĩnh của con người. Nhưng thực ra, trong tĩnh có động, tĩnh có tốt thì động mới có hiệu quả cao. Yoga không làm cho người ta phát triển về cơ bắp, vai to, ngực nở... mà cái chính là làm khỏe về tinh thần và trí tuệ, nhưng cũng không vì thế mà cơ bắp kém dẻo dai.
Thứ hai, yoga lấy tập thở là chủ yếu và quan trọng. Người ta thường nghĩ là các thế tập (asana) là đặc trưng của yoga, nhưng đó là một sai lầm đáng tiếc. Nhiều người thường hay phô trương rằng mình tập được các động tác khó này, các thế đặc biệt nọ, nhưng thực ra, cũng như khí công dưỡng sinh, phép luyện thở hay luyện khí, còn gọi là prana-yama, là quan trọng hơn cả. Làm chủ hơi thở đi đôi với tập trung ý nghĩ là chủ yếu, tư thế là cần thiết nhưng không phải là trọng tâm.
Thứ ba, yoga là một phương pháp toàn diện, huy động toàn bộ con người, cả về sinh lý và tâm lý, làm cho con người ổn định cả hai mặt.
Cuối cùng, yoga không đồng nghĩa với sự tiếp thu và thể hiện sức mạnh siêu nhân. Người ta thường quen nhìn nhận yoga như một thuật lạ xa xưa, kết hợp một lô tín điều tôn giáo với một quy tắc thực hành kỳ bí lạ lùng.Thực chất, điều đó đã làm mất đi tính thực tiễn và khoa học của yoga.
Chú ý khi tập yoga
Trước hết, cũng như tập luyện khí công dưỡng sinh, yoga đòi hỏi người tập phải kiên trì và nhẫn nại. Yoga không có hiệu quả, thậm chí là phản tác dụng với những ai “ăn xổi ở thì”, phàm tục và lười biếng. Tập luyện yoga đòi hỏi người tập phải tự nguyện lựa chọn và có ý chí quyết tâm đi tới cùng.
Thứ hai, phải tập luyện đúng phương pháp và kỹ thuật, đi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, mỗi động tác phải phân chia ra nhiều bước với thời gian thích hợp, tốt nhất là phải có thầy chính danh hướng dẫn một cách chu đáo và tỉ mỉ. Nếu không thực hiện chuẩn xác, yoga có thể đem lại những tai biến không đáng có về xương khớp, tiềm thức, hệ thần kinh, hệ tuần hoàn...Ví như tập luyện sai sẽ dẫn đến trầm cảm, ám ảnh hoặc rơi vào trạng thái phấn khích quá đà dẫn đến mất ngủ, tâm trạng bồn chồn, thay đổi tính nết...
Cuối cùng, khi tập luyện yoga phải thực hiện tốt 4 không: không vội vã (từ từ, thận trọng và tiệm tiến), không kỷ lục (không nên bị thúc ép hoặc gắng gượng), không quá sức (biết dừng lại ở khả năng vốn có của mình mà cố gắng) và không phân tán (tập trung cao độ và biết cách thư giãn).
ThS. Hoàng Khánh Toàn