Khi tác phẩm sân khấu “made in Việt Nam” xuất ngoại

03-10-2016 08:42 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Đó chính là sự thành công, tạo dấu ấn đậm nét trước bạn bè quốc tế. Điều này được chứng minh khi vở kịch nói Lâu đài cát và tiết mục Ngũ biến (Nhà hát Kịch Việt Nam thực hiện) vừa giành các giải thưởng danh giá, đồng thời được khán giả nước sở tại đón nhận khi đến với Liên hoan Sân khấu Trung Quốc - ASEAN lần 4 năm 2016 tại Trung Quốc.

Sân khấu ở Việt Nam lâu nay thường khá vắng khán giả. Điều này đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc không ít loại hình giải trí nghe nhìn với đủ thể loại liên tục được mở ra, đồng nghĩa khán giả có thêm lựa chọn món ăn tinh thần phù hợp nhất. Tuy nhiên, bất chấp khó khăn, các đơn vị nghệ thuật sân khấu vẫn cố gắng đem đến cho công chúng nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Và Lâu đài cát, Ngũ biến của Nhà hát Kịch Việt Nam là minh chứng rõ nét cho các tác phẩm sân khấu “made in Việt Nam” tạo được ấn tượng ở đấu trường quốc tế với Liên hoan Sân khấu Trung Quốc - ASEAN lần 4 tại Trung Quốc vừa qua.

Theo đại diện Nhà hát Kịch Việt Nam, có 29 chương trình của 25 đoàn nghệ thuật thuộc các nước ASEAN và Trung Quốc tham gia sự kiện nghệ thuật sân khấu nói trên. Nhà hát Kịch Việt Nam đem vở kịch nói Lâu đài cát và tiết mục Ngũ biến tới sân chơi nghệ thuật sân khấu tầm cỡ châu lục ở Trung Quốc, cả hai đã được Ban giám khảo trao giải thưởng “Vở diễn xuất sắc” - hạng mục quan trọng nhất của liên hoan. Bên cạnh đó, NSND Lệ Ngọc, NSƯT Danh Nhân, nghệ sĩ Thu Hương còn được trao giải cá nhân “Nghệ sĩ biểu diễn xuất sắc”, nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương được vinh danh “Tác giả xuất sắc” với vở Lâu đài cát. Vậy yếu tố nào để hai tác phẩm sân khấu trên của Nhà hát Kịch Việt Nam “thắng lớn” tại Liên hoan Sân khấu Trung Quốc - ASEAN lần 4.

san khauMột cảnh trong vở kịch nói Lâu đài cát.

Lâu đài cát (tác giả Nguyễn Đăng Chương, đạo diễn: NSƯT Anh Tú) do NSƯT Quốc Khánh, NSƯT Lệ Ngọc, nghệ sĩ Danh Nhân, Phương Nga, Lâm Tùng...thuộc Nhà hát Kịch Việt Nam biểu diễn. Thời điểm mới ra mắt, Lâu đài cát bất ngờ tạo dấu ấn khi các đêm diễn đều chật kín khán giả. Lâu đài cát là vở bi hài kịch về gia đình hiện đại, một vở diễn được đánh giá là đã chạm đến trái tim khán giả. Lấy hình ảnh của tòa Lâu đài cát, vở diễn hướng đến cuộc sống của những con người trong gia đình ông Quân, bà An - một gia đình tứ đại đồng đường, có truyền thống văn hóa, coi trọng đạo lý với những thành viên có quyền cao, chức trọng. Tuy nhiên, đó chỉ là vẻ hình thức bề ngoài mà đằng sau là đầy rẫy những lọc lừa, dối trá của sự đạo đức giả luôn được thốt lên bởi những lời “có cánh” rỗng tuếch, nhạt phèo.

Câu chuyện của Lâu đài cát chính là vấn đề của nhiều gia đình trong đời sống hiện nay. Dưới sự tác động của đầy rẫy những thói hư tật xấu thời kinh tế thị trường, việc gây dựng và gìn giữ nền nếp gia phong cũng khó và mong manh như xây một lâu đài bằng cát. Với cách xử lý khéo léo, Lâu đài cát lựa chọn cách giải quyết “thấu tình đạt lý” từ góc nhìn của những người trẻ qua phát ngôn của nhân vật Thiên: “Thế hệ bố đã sai, con chấp nhận” để mở ra lòng tha thứ, khoan dung và độ lượng. Sự hiện thân của những đen tối bị ảnh hưởng bởi cơ chế thị trường đã khiến con người phải đeo mặt nạ để sống bình yên, che đậy những khuyết điểm và sự tha hóa của bản thân mình. Cái mặt nạ ấy được vẽ bằng chất liệu của ngôn từ: truyền thống gia đình, nhân cách đạo lý... và ngày càng dày lên, dẫn đến hệ lụy và bi kịch khôn lường...

Thông điệp Lâu đài cát gửi đến khán giả chính là mỗi gia đình phải là tế bào lành mạnh thì xã hội mới lành mạnh. PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thái - nhà lý luận phê bình sân khấu đánh giá Lâu đài cát là kịch bản cao tay ấn nhất của tác giả Nguyễn Đăng Chương về tính kịch trong tổ chức xung đột. Trong khi đó, các nhà phê bình lý luận sân khấu Trung Quốc và ASEAN tại liên hoan vừa qua nhận định đây là vở chính kịch với đề tài hiện đại khiến khán giả không cầm được nước mắt với những cảnh diễn sâu lắng, xúc động... mà nghệ sĩ, diễn viên trong Lâu đài cát đem đến.

Nếu Lâu đài cát làm cho khán giả những giây phút xúc động, sâu lắng bằng việc khai thác đề tài về gia đình, xã hội đương thời thì tiết mục Ngũ biến do NSND Lệ Ngọc cùng NSƯT Lâm Tùng, Lâm Cương, Quang Đạo, Minh Trí thực hiện lại làm mê hoặc khán giả Trung Quốc và các nước ASEAN bởi yếu tố văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của người Việt. Ngũ biến (ý tưởng và đạo diễn NSND Anh Tú) là tiết mục mở màn cho liên hoan, đây không phải là sự trình diễn hay tường thuật hoặc mô tả màn hầu đồng mà ở đây người nghệ sĩ hóa thân vào 5 giá đồng của tín ngưỡng văn hóa lâu đời liên quan đến tục thờ Mẫu trong tâm linh của người Việt. Tiết mục cuốn hút khán giả bởi âm nhạc độc đáo kết hợp với sự khéo léo của người nghệ sĩ qua những động tác múa, các bộ trang phục dân gian đa sắc màu của văn hóa truyền thống của Việt Nam.


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn