Gần đây, công chúng rất bức xúc khi một số nghệ sĩ trẻ đã vô tư dàn dựng tiểu phẩm, tiết mục biểu diễn trên sân khấu, chương trình truyền hình nhưng không xin phép hoặc chưa được sự đồng ý của tác giả.
Có thể nói, tình trạng “đạo” hoặc “ăn cắp” tác phẩm trong đời sống văn hóa nghệ thuật đã, đang diễn ra tràn lan ở nước ta khiến nhiều người vừa bức xúc vừa lo lắng. Bức xúc bởi “cha đẻ” của tác phẩm, công trình nghệ thuật bị người khác chôm chỉa, biến tấu và sử dụng y chang tác phẩm gốc mà không hề được xin phép, đặc biệt không được trả tiền tác quyền theo quy định của pháp luật. Lo lắng là bởi, từ nạn “ăn cắp” tác phẩm cho thấy một số nghệ sĩ đang thiếu tính sáng tạo, có sự ỷ lại và coi thường pháp luật cũng như khán giả.
Trong lĩnh vực sân khấu, tình trạng “ăn cắp” tác phẩm của một số nghệ sĩ trẻ ở nước ta đã không còn là chuyện hiếm. Sự việc đang được dư luận và giới làm nghề quan tâm gần đây là diễn viên Gia Bảo cho biết, vở cải lương kinh điển Đời cô Lựu do anh dàn dựng theo bản dựng của NSND Huỳnh Nga sẽ đến với khán giả tại TP.HCM vào cuối tháng 1/2018. Tuy nhiên, đại diện gia đình NSND Huỳnh Nga chia sẻ, suốt thời gian chuẩn bị cũng như tiến hành dựng vở Đời cô Lựu, Gia Bảo không hề đến gia đình để xin phép, trong khi đó NSND Huỳnh Nga vẫn còn tại thế. Ngoài ra, Gia Bảo ghi tên đạo diễn Huỳnh Nga lên poster quảng bá vở cải lương mà không hỏi ý kiến của NSND Huỳnh Nga sẽ làm khán giả hiểu lầm là vở này do chính nghệ sĩ gạo cội trong làng sân khấu Việt đạo diễn, chẳng khác gì “câu” người xem. Trong khi đó, khoảng thời gian gần đây NSND Huỳnh Nga đang nhập viện để điều trị bệnh tăng huyết áp và tim mạch. “Điều này khiến gia đình bị tổn thương. Ông nhà tôi vẫn còn sống, sao không nói với gia đình một tiếng” - vợ NSND Huỳnh Nga chia sẻ trong sự buồn rầu lẫn bức xúc.
Tiết mục cải lương Sóng gió cuộc đời bê nguyên nội dung phim Lô tô đưa vào chương trình Thử tài siêu nhí khiến nhiều khán giả bức xúc.
Trước đó, năm 2017, chương trình Thử tài siêu nhí phát sóng trên truyền hình có tiết mục cải lương Sóng gió cuộc đời do nghệ sĩ Bình Tinh dàn dựng, kịch bản chuyển thể từ phim Lô tô (đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh) cũng làm dư luận dậy sóng. Bởi lẽ Sóng gió cuộc đời phiên bản cải lương đã sử dụng hình ảnh, tên gọi nhân vật cũng như nội dung câu chuyện trong bộ phim điện ảnh Lô tô, thế nhưng người dàn dựng cũng như đơn vị sản xuất chương trình chưa xin phép chủ sở hữu phim Lô tô. Bên cạnh đó, tại chương trình Cười xuyên Việt 2017, thí sinh Minh Dự cũng từng “mượn” kịch bản Lô tô để dàn dựng tiết mục Lô tô cùng bolero mà cũng không hề có nửa lời xin phép chủ sở hữu tác phẩm. Theo nhà sản xuất phim Lô tô, ông Trịnh Mạnh Tín, việc kịch bản phim Lô tô bị vay mượn, dàn dựng, biến tấu thành phiên bản cải lương để biểu diễn trên sân khấu truyền hình mà không xin phép chủ sở hữu tác phẩm là hành động vi phạm bản quyền rất đáng lên án.
Cũng trong năm qua, tại gameshow Sao nối ngôi với chủ đề “Hoán đổi”, diễn viên Gia Bảo đem đến cho khán giả phần trình diễn Mình ơi, Lý son sắt gây cảm động, chạm đến trái tim người xem nhờ câu chuyện về tình cảm vợ chồng. Tuy nhiên, ngay sau đó, nhiều người tá hỏa và cảm thấy thất vọng bởi tiết mục của Gia Bảo giống y hệt trích đoạn trong vở diễn Tía ơi, má dìa do NSƯT Thành Lộc thực hiện. NSƯT Thành Lộc và tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc - những người đã đem lại thành công cho Tía ơi, má dìa đã không giấu nổi sự thất vọng khi bình luận “chôm chỉa nguyên xi lời thoại và cả phần âm nhạc để thi gameshow” và vở diễn bị sử dụng 100% mà không hề xin phép.
Những sự việc kể trên phần nào phản ánh tình trạng “vay mượn” hoặc “chôm” tác phẩm sân khấu đang diễn ra tràn lan. Điều đáng nói, nghệ sĩ lấy tác phẩm của người khác có đặc điểm chung là “tiền trảm hậu tấu”, không xin phép chủ sở hữu tác phẩm. Khi “cháy nhà ra mặt chuột” thì nghệ sĩ có hành vi sai trái mới tỏ thái độ ăn năn và gửi lời xin lỗi đến tác giả, công chúng. Thậm chí có người còn bào chữa cho hành vi sai trái của mình khi nói do không biết, do sơ suất, do không biết luật... Điều này càng cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp, ý thức kém cỏi và một số người không xứng đáng với danh nghĩa nghệ sĩ.
Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng trên, nhiều người cho rằng các tác giả chưa quyết liệt trong việc bảo vệ “đứa con tinh thần” của mình. Thường thì khi phát hiện tác phẩm bị “đạo”, vay mượn hoặc “ăn cắp” trắng trợn, các tác giả thường bỏ qua hoặc “giơ cao đánh khẽ” cho người sai phạm, sau đó mọi việc rơi vào quên lãng. Ngoài ra, nhiều tác giả sân khấu còn chưa đăng ký bản quyền nên khi tác phẩm bị xâm hại, chủ sở hữu cũng không đủ cơ sở pháp lý để đưa người vi phạm ra tòa để được pháp luật xử lý. Thế nên, giới làm nghề cần quan tâm hơn vấn đề pháp lý cho đứa con tinh thần của mình, còn người vay mượn hoặc sử dụng toàn bộ tác phẩm của người khác phải có ý thức, tôn trọng chủ sở hữu tác phẩm và các quy định của pháp luật.