“Khi sự sống được sẻ chia” - nhiều lá đơn đăng ký hiến tạng ngay trong đêm muộn

17-11-2016 18:09 | Y học 360
google news

SKĐS - Ngay sau chương trình “Khi sự sống được sẻ chia” do Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người - Bộ Y tế tổ chức tối ngày 16/11, dù đã hơn 22h đêm nhưng rất nhiều người đã ra phía sảnh ngoài sân khấu để đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết não.

Những bước tiến vượt bậc trong ngành ghép tạng Việt Nam

Đánh giá về thành quả đạt được của ngành ghép tạng, Gs.TS Lê Quang Cường -Thứ Trưởng Bộ Y tế cho biết: hơn 20 năm phát triển, ngành ghép tạng ở Việt Nam đã có những bước tiến dài về mặt công nghệ, kỹ thuật, đạt trình độ tương đương với các nước trong khu vực và thế giới. Mạng lưới cơ sở y tế có đủ năng lực ghép tạng cũng đã phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, có 17 cơ sở y tế có đầy đủ về kỹ thuật để thực hiện ghép tạng.

Theo đó, kể từ khi ca ghép thận đầu tiên thành công tại Quân y viện 103 vào năm 1992. Tính đến ngày 15/6/2016, Việt Nam đã thực hiện được 1.281 ca ghép thận, 54 ca ghép gan, 16 ca ghép tim, 08 ca ghép tủy, 01 ca ghép khối Thận - Tụy và 01 ca ghép khối Tim - Phổi. Đáng chú ý, Việt Nam đã thực hiện được các ca ghép đa tạng và vận chuyển tạng đi xa hàng nghìn km để thực hiện cấy ghép như đã thực hiện trong những năm vừa qua.

GS. Trịnh Hồng Sơn – Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, ghép tạng tại Việt Nam tuy có những bước tiến vượt bậc nhưng cũng đang gặp phải khó khăn lớn nhất là vấn đề khan hiếm nguồn tạng. Theo thống kê sơ bộ, hiện nay, có hơn 6.000 người bị suy thận mãn đang cần được ghép, trên 1.500 người có chỉ định ghép gan (chỉ tính riêng tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội), khoảng 300.000 người bị mù do các bệnh lý giác mạc và trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc; hàng trăm người đang chờ được ghép tim, phổi...

GS. Trịnh Hồng Sơn cho biết, nhiều bệnh nhân đã phải chết trong thời gian chờ ghép tạng. Trong khi đó, nguồn mô, tạng từ hàng chục ngàn ca chết não, chết ngừng tim vì tai nạn giao thông và các trường hợp tử vong khác đã không được sử dụng để cứu chữa người bệnh. Đây là một sự lãng phí vô cùng lớn.

Gs.TS Lê Quang Cường -Thứ Trưởng Bộ Y tế cho biết: hơn 20 năm phát triển, ngành ghép tạng ở Việt Nam đã có những bước tiến lớn

Những giải pháp để ngành ghép tạng Việt Nam tiến xa hơn nữa

Tại buổi giao lưu, GS. Bùi Đức Phú đề cập tới vấn đề: Đã 10 năm, từ ngày 29/6/2006, Bộ Y tế xây dựng trình Quốc hội ban hành Luật hiến ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác, tới nay cũng cần xem xét điều chỉnh lại cho phù hợp.

Theo GS. Bùi Đức Phú, hiện tại, Luật ở nước ta quy định, nếu một người đang sống đăng ký hiến tạng sau khi chẳng may chết não nhưng tới khi họ chết não rồi thì tất cả mọi người thân trong gia đình đều phải đồng ý thì tạng đó mới được phép hiến cho người khác và nếu chỉ một thành viên trong gia đình không đồng ý thì tạng đó không được phép hiến. Và như vậy sẽ mất đi cơ hội hồi sinh cho rất nhiều người đang bị suy tạng.

Còn ở nhiều nước trên thế giới, điều này được quy đinh khác: một người ở nước ngoài khi đang sống mà đăng ký hiến tạng sẽ có một tấm thẻ và nếu chẳng may chết não, hệ thống y tế sẽ tự động lấy tạng và không cần trưng cầu ý kiến của mọi người trong gia đình.

“Vì vậy, cần điều chỉnh Luật làm thế nào để hướng tới người chủ thể quyết định cho tạng đã đăng ký khi đang sống khi chẳng may mình bị chết não sẽ thực hiện được tâm nguyện của mình. Cho tạng phải được cho” -  GS. Bùi Đức Phú nói.

Từ phải qua trái: GS.TS. Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia; GS.TS Bùi Đức Phú - Nguyên Giám đốc BV Trung ương Huế; GS.TS Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương


Bên cạnh đó, GS.TS. Bùi Đức Phú cũng chỉ ra: hiện nay, dù chi phí ghép tạng ở Việt Nam thấp rất nhiều lần so với chi phí ghép tạng trên thế giới nhưng mỗi 1 ca ghép so với sức chi trả của người dân còn rất lớn. Ví dụ như một ca ghép thận lên tới khoảng 300 triệu nhưng BHYT chưa chi trả cho các dịch vụ ghép tạng.

Ngoài ra, mạng lưới ghép tạng ở Việt Nam có 17 cơ sở nhưng vẫn còn là tự phát. Cần chuẩn hóa mạng lưới này, không chỉ thực hiện kỹ thuật ghép mà cần phải chăm sóc cho bệnh nhân sau ghép. Và cần lập nên một hệ thống dữ liệu trên máy tính của người cho tạng và cần ghép tạng trên toàn quốc.

Theo GS.TS. Nguyễn Anh Trí – Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương –chia sẻ: như kinh nghiệm của tổ chức, vận động hiến máu nhân đạo suốt 20 năm qua, nước ta từ chỗ mỗi năm chỉ mua vài trăm lít máu và hầu như 100% lượng máu này lấy từ những người chuyên đi bán máu nhưng nhờ truyền thông mạnh mẽ, hoạt động hiến máu nhân đạo giờ đây đã đi vào tâm thức của mỗi người dân. Tới năm 2015, 97% lượng máu lấy từ những người hiến máu tình nguyện.

GS. Nguyễn Anh Trí – Giám đốc Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cùng chàng trai trẻ Trần Nguyễn An Khương - người đạp xe xuyên Việt vận động hiến tạng

GS.TS Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh: muốn phong trào hiến tạng lớn rộng, cần đẩy mạnh truyền thông. Cần phải truyền thông để toàn xã hội hiểu: hiến tạng là một hành động vô cùng nhân đạo. “Phải vận động từng cán bộ thuộc các cơ quan nhà nước hiến, ghép mô tạng vì bản chất của nó là một cuộc cách mạng. Điều đầu tiên nên vận động  trước hết đối với cán bộ Y tế” -  Gs.Trí chia sẻ.

“Cần có kinh phí để đẩy mạnh truyền thông hiến tạng. Cũng như hoạt động hiến máu tình nguyện người hiến sẽ không cần kinh phí bởi đó là lòng nhân đạo. Mong rằng, Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia sẽ đầu tư phát triển thành một Trung tâm lớn về tuyên truyền hiến tạng, để hiến tạng đi vào từng tâm trí người dân” – GS. Trí nói.

Riêng về câu chuyện làm thẻ hiến tạng sau khi chết não, GS. Nguyễn Anh Trí đã kể: Cách đây 1 năm, ngày ông làm thẻ đăng ký hiến tạng sau khi chết não, ông đã có ý nghĩ: Nếu chẳng may mất đi, ông có thể hiến lại nội tạng của mình nhưng dù gì cũng cần chôn cất và giữ lại da trên cơ thể. Nhưng, bây giờ, qua truyền thông, ông đã thay đổi ý nghĩ, ông sẽ đăng ký lại: sẽ hiến cả phần da của mình. “Vì nếu có vấn đề gì, sẽ thiêu nên cũng thành tro bụi mà thôi, cớ sao ta lại không cho đi để khỏi uổng” – GS. Trí chia sẻ.

Cô Lê Thị Thảo và con gái Bùi Thị Hòa - mỗi người đã tình nguyện hiến một quả thận cho những người không quen biết

Trong chương trình “Khi sự sống được sẻ chia”, những câu chuyện người thật, việc thật về những người hiến tạng sống cũng được chia sẻ gây sự xúc động cho nhiều người.

Đó là cô Lê Thị Thảo (Đào Xuyên – Trung Chính – Lương Tài – Bắc Ninh) đã tình nguyện hiến một quả thận của mình cho người không quen biết vào tháng 5/1015. Sau đó, con gái cô – em Bùi Thị Hòa – một cô sinh viên mới tốt nghiệp Trường Đại học Tài Chính cũng noi theo nghĩa cử cao đẹp của mẹ mình và hiến sống một quả thận cho người không quen biết hồi đầu năm 2016 này; Chàng trai nhỏ bé Trần Nguyễn An Khương – người đã đạp xe xuyên Việt vận động hiến tạng cũng có tâm nguyện muốn hiến sống một phần cơ thể mình....

Và ngay sau chương trình, dù đã hơn 22h đêm nhưng rất nhiều khán giả đã ra phía sảnh ngoài sân khấu để đăng ký hiến mô, tạng khi chết não.


Thanh Loan
Ý kiến của bạn