Khi sốt rét kết hợp với các bệnh khác

07-09-2016 18:11 | Tin nóng y tế

SKĐS - Hiện nay, tình hình sốt rét ở các địa phương có xu hướng giảm dần đã làm cho cơ sở y tế chủ quan trong phát hiện bệnh.

Hiện nay, tình hình sốt rét ở các địa phương có xu hướng giảm dần đã làm cho cơ sở y tế chủ quan trong phát hiện bệnh. Việc chẩn đoán và điều trị muộn sẽ dẫn đến nguy cơ bệnh tiến triển nặng và ác tính gây tử vong là điều không thể tránh khỏi. Một vấn đề cũng cần được quan tâm là sốt rét có thể kết hợp với các bệnh khác, vì vậy phải lưu ý trong phát hiện và chẩn đoán.

Thực tế trên lâm sàng, sốt rét thường có khả năng kết hợp với một số bệnh khác như bệnh do Salmonella, viêm gan do virut, bệnh do amip...

Bệnh do Salmonella có thể diễn biến nặng khi có sốt rét kết hợp. Chẩn đoán bệnh do Salmonella ở bệnh nhân sốt rét thường rất khó khăn vì triệu chứng sốt ở bệnh do Salmonella cũng dao động mạnh kèm theo rét run; ngược lại sốt rét cũng có thể có triệu chứng nôn mửa, tiêu chảy... Dấu hiệu có giá trị gợi ý bệnh do Salmonella là mạch và nhiệt độ phân ly, đau quặn bụng từng cơn, phân có chất nhầy, mũi, máu...

Sốt rét có thể kết hợp với các bệnh khác cần được lưu ý trong phát hiện, chẩn đoán. (Ảnh minh họa)

Sốt rét cũng có thể kết hợp với viêm gan do virut, đây là sự kết hợp hay gặp và cũng khó chẩn đoán, dễ nhầm lẫn với sốt rét ác tính thể gan mật. Bệnh sốt rét sẽ làm cho bệnh viêm gan do virut nặng lên rõ rệt và không điển hình, đặc biệt là khi bệnh nhân đã xuất hiện triệu chứng vàng da nhưng vẫn cứ sốt cao. Trong trường hợp này còn có thể nhầm lẫn với viêm đường dẫn mật.

Sốt rét kết hợp với bệnh do amip cũng thường gặp. Trong các trường hợp bệnh nhân mắc bệnh áp-xe gan do amip kết hợp cùng với bệnh sốt rét thì việc chẩn đoán rất khó khăn. Ngoài ra, ở châu Phi, vấn đề liên quan giữa bệnh sốt rét và bệnh  u lympho Burkitt cũng đã trở thành mối quan tâm vì hay gặp ở Uganda, Columbia; các nhà khoa học cho rằng bệnh sốt rét làm suy giảm miễn dịch là yếu tố thuận lợi cho virut Epstein-Barr gây bệnh u lympho Burkitt phát triển.

Các nhà khoa học cũng khuyến cáo ở vùng sốt rét lưu hành khi gặp một trường hợp bệnh nhân sốt rét kéo dài, đã dùng hết đợt thuốc sốt rét đặc hiệu có hiệu lực cao nhưng vẫn không cắt được cơn sốt trong vòng 7 ngày đầu, xét nghiệm máu cũng không thấy ký sinh trùng sốt rét ở máu ngoại vi thì không nên vội vàng kết luận chẩn đoán là sốt rét dai dẳng do ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc mà phải tìm các bệnh khác kết hợp để xử trí can thiệp phù hợp.

Ngoài sốt rét kết hợp với các bệnh khác, trong chẩn đoán sốt rét cũng cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh khác để tránh nhầm lẫn. Đối với sốt rét sơ nhiễm, cần phân biệt với bệnh thương hàn, sốt mò, sốt xuất huyết Dengue độ 1; nhiễm virut ở đường hô hấp trên như cúm, bệnh do Adenovirus... Đối với sốt rét tái phát, cần phân biệt với bệnh nhiễm khuẩn huyết, viêm đường tiết niệu, viêm đường dẫn mật, áp-xe gan...

Lưu ý, ở những người đã có tiền sử mắc sốt rét nhiều lần và đã có một phần miễn dịch thì cơn sốt thường nhẹ, có khi không thành cơn hoặc không thành chu kỳ; thậm chí chỉ có triệu chứng mỏi lưng, chán ăn, nhức đầu, ớn lạnh, ngáp trong khoảng 30-60 phút. Có những trường hợp không điều trị đặc hiệu, cơn sốt cũng tự hết còn gọi là sốt rét thể cụt nhưng thực tế chỉ cụt ở bề ngoài, còn diễn biến bên trong các phủ tạng vẫn tiếp tục. Ở trên những người bệnh có cơ thể suy giảm miễn dịch như nghiện ma túy, suy kiệt, đã cắt bỏ lách, mắc bệnh ung thư, bệnh AIDS... cơn sốt rét thường hay tái phát.


BS. NGUYỄN VÕ HINH
Ý kiến của bạn