Chúng ta đều biết, các sự kiện thu hút chú ý của công chúng đều nhờ vào sự góp mặt của những ngôi sao đình đám. Nhưng showbiz chưa bao giờ chối bỏ được mặt trái của nó, bên cạnh sự hào nhoáng, văn hóa sự kiện của sao Việt đang có chiều hướng đi xuống, đặc biệt là trong những ngày gần đây, khi mà chính người trong giới cũng phải bày tỏ sự bức xúc về vấn đề này.
Khi sao “đi trễ, về sớm”
Trong một sự kiện thời trang mà khách mời là đông đảo những ngôi sao hạng A của showbiz Việt, Ngô Thanh Vân cũng đã có mặt và gây chú ý với giới truyền thông. Nhưng ngay lập tức cô đã bày tỏ sự bức xúc khi phải phí thời gian ngồi chờ các “ngôi sao hạng A”. Bên cạnh đó, qua dòng trạng thái, Ngô Thanh Vân cũng nói đến “bệnh ngôi sao” ở các nghệ sĩ trẻ.
Đi sâu tìm hiểu, chúng ta sẽ biết trong tất cả các sự kiện có sự góp mặt của người nổi tiếng, luôn có một khung giờ để các nghệ sĩ đến, tạo dáng chụp hình và giao lưu báo chí, còn gọi là sự kiện thảm đỏ. Một sự kiện nếu có càng nhiều người nổi tiếng thì đương nhiên khung giờ này sẽ phải nới rộng ra, thậm chí các “ngôi sao” cũng phải chờ đến lượt mình để xuất hiện trên thảm đỏ và luôn có bàn tiệc để tiếp đãi những nhân vật đến sớm.
Tuy nhiên, một thực trạng đang tồn tại, các ngôi sao dù nhận lời tham gia sự kiện nhưng luôn tự cho phép mình... đến trễ. Đây được xem là căn bệnh muôn thuở khó sửa của showbiz Việt. Các ngôi sao càng hot thì càng thích... “giờ cao su”. Càng đến cuối lại càng nổi, càng gây chú ý.
Không chỉ đến trễ, các sao Việt còn chọn cách về sớm và không bao giờ dự đến hết sự kiện dù họ luôn được xếp ở vị trí đẹp nhất. Ngay cả chuyện ăn uống cũng trở thành một nét văn hóa, dù bạn đi nhà hàng bình dân hay những bữa tiệc sang trọng, người có ý thức sẽ không bỏ dở phần ăn của mình. Nhưng sao thì không!
Thói quen đi trễ, về sớm còn thể hiện ở khá nhiều lễ trao giải, khán giả không khỏi ngỡ ngàng vì số lượng nghệ sĩ ra về khá nhiều trong khi chương trình diễn ra chưa được một nửa. Nét xấu này giờ đây không còn lạ lẫm.
Văn hóa dự sự kiện của sao Việt đã đến lúc cần thay đổi.
Cần hướng tới sự chuyên nghiệp
“Đi trễ, về sớm” có phải là quy chuẩn để trở thành ngôi sao hạng A? Để tìm câu trả lời thấu đáo nhất, chúng ta cũng nên tham khảo văn hóa đi dự sự kiện của các sao quốc tế. Trên thế giới, có thể thấy các nghệ sĩ ở bất kỳ thứ hạng nào đều giữ nguyên tắc làm việc chính xác thời gian, thậm chí là chấp hành đúng lịch trình từng giây từng phút. Bởi họ ý thức được tầm quan trọng khi mình là một phần của cả một tập thể lớn, biết đặt việc chung lên trên và đặc biệt là lên kế hoạch làm việc chu đáo, quý trọng thời gian làm việc để tạo uy tín cho mình. Đó là cách họ thành công. Trên thực tế, điều này không hiếm thấy với cách hợp tác của nhà sản xuất và các ngôi sao, thậm chí là hạng A tại nước ngoài. Trường hợp của siêu mẫu Miranda Kerr là một ví dụ. Năm 2013, cô từng bị mời khỏi buổi trình diễn của Louis Vuitton trong khuôn khổ Paris Fashion Week vì đến muộn. Thiên thần Victoria’s Secret tỏ ra lúng túng và buộc phải quay trở lại xe, rời khỏi sự kiện.
Có thể lấy một ví dụ gần gũi hơn, đó là khi các sao thế giới đến Việt Nam ở những năm gần đây, đặc biệt là các nhóm nhạc nổi tiếng của K-pop. Họ tuy là những ngôi sao được nhiều người săn đón, chờ đợi, nhưng lịch trình làm việc luôn được đảm bảo chính xác một cách chặt chẽ. Thậm chí khi máy bay vừa đáp xuống là phải đến ngay sân khấu diễn tập, tiếp tục mở họp báo, chuẩn bị cho đêm biểu diễn mà không có chút thời gian nghỉ ngơi. Tất cả diễn ra chuyên nghiệp mà không có sự sai sót nào nhờ tuân thủ đúng nguyên tắc làm việc. Và có lẽ chính vì cách làm việc đó, khán giả và những người làm nghề mới nhìn nhận họ ở vị trí ngôi sao hạng A chứ không nằm ở thái độ “bệnh ngôi sao” như các nghệ sĩ trẻ khác đang suy nghĩ.
Nhìn chung, dù là nghệ sĩ hay khán giả thì đa số mọi người đều tỏ ra bức xúc khi phải chờ đợi và đều khẳng định, nổi tiếng hay chưa thì đúng giờ là thói quen cần thiết thể hiện sự tôn trọng bản thân và đối tác. Hoa hậu Ngô Phương Lan từng thẳng thắn bày tỏ, “giờ cao su” hoàn toàn không phải là văn hóa, mà là lý do bào chữa cho việc thiếu tôn trọng và lễ phép tối thiểu. Ngô Phương Lan còn tâm sự, bản thân cô cảm thấy rất xấu hổ khi những người Việt dù tài giỏi nhưng bị người quốc gia khác đánh giá thấp chỉ vì không tuân thủ giờ giấc.
Xem ra, đã đến lúc các nghệ sĩ nên có trách nhiệm với công việc bằng cách đáp ứng đúng lịch trình làm việc mà mình đã đồng ý để không chỉ không ảnh hưởng đến những người khác mà còn mang lại hình ảnh đẹp, sự uy tín cho bản thân. Đừng để độ nổi tiếng thì hạng A mà ý thức thì... hạng B.