Hà Nội

Khi sân khấu “bắt tay” truyện cổ tích

18-12-2017 09:29 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trong lúc thiếu kịch bản hay, chất lượng..., một số nghệ sĩ sân khấu nước ta đã tìm đến truyện cổ tích, dân gian để chuyển thể, dàn dựng thành các vở diễn phục vụ khán giả.

Đáng mừng, các tác phẩm sân khấu dựa theo truyện cổ tích ra đời gần đây ở Việt Nam đem đến nhiều giá trị nghệ thuật, đậm tính nhân văn, cho thấy sự sáng tạo của người làm nghề và vì thế khán giả đón nhận.

Như bộ môn điện ảnh, nghệ thuật sân khấu Việt thời gian qua vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn và thử thách trong bối cảnh các loại hình nghệ thuật, chương trình giải trí thời đại mới du nhập, mở rộng và phát triển mạnh mẽ ở trong nước. Bên cạnh yếu tố thiếu kinh phí, thị phần khán giả giảm sút do các chương trình ca nhạc, gameshow truyền hình lấn át, cơ sở vật chất nghèo nàn, phương tiện kỹ thuật lạc hậu... thì sân khấu Việt còn đau đầu với việc thiếu vắng kịch bản chất lượng. Không ít vở diễn của một số nhà hát thời gian qua vắng khán giả vì thiếu hấp dẫn, chưa thể hiện được tính sáng tạo.

Khi sân khấu “bắt tay” truyện cổ tíchVở kịch Dã Tràng (Nhà hát Kịch Hà Nội) dựa theo truyện cổ tích cùng tên vừa đến với Liên hoan Sân khấu quốc tế Tuyền Châu (Trung Quốc).

Trước thực tế này, một số nhà hát và nghệ sĩ đã tìm về kho tàng truyện cổ tích, dân gian và biến những câu chuyện xưa trở nên gần gũi, lan tỏa và có màu sắc mới tới khán giả đương thời. Đáng kể là gần đây, Nhà hát Kịch Hà Nội đã đem vở kịch Dã Tràng (NSND Tuấn Hải đạo diễn) dàn dựng dựa theo câu chuyện cổ tích cùng tên đến với Liên hoan Sân khấu quốc tế Tuyền Châu (Trung Quốc) 2017. Trước đó, Dã Tràng đã được biểu diễn phục vụ khán giả Thủ đô và nhận được nhiều lời khen ngợi. Theo NSND Tuấn Hải, chọn lựa vở diễn Dã Tràng đến Liên hoan Sân khấu quốc tế Tuyền Châu, các nghệ sĩ Việt muốn mang đến cho khán giả quốc tế một trong những câu chuyện cổ tích dân gian hay nhất Việt Nam - một bức tranh sinh động nhiều màu sắc và đậm đà bản sắc dân tộc.

Vở Dã Tràng bắt đầu từ khi Rắn Hổ tặng vợ chồng Dã Tràng viên ngọc thần để trả ơn cứu mạng. Với viên ngọc có thể nghe được tiếng nói của muôn loài, Dã Tràng biết được nhiều bí mật, tự giải thoát mình khỏi chốn lao tù, giúp đất nước qua cơn chiến tranh binh lửa, được nhà vua trọng thưởng. Khi du ngoạn ở thủy cung, Dã Tràng đã bị Long Vương dùng âm mưu đánh cắp ngọc thần. Dã Tràng quyết tâm lấp biển để tìm lại ngọc quý... Dã Tràng lấp mãi nhưng biển không bao giờ cạn. Chàng biến thành con cua nhỏ (dã tràng) để hàng ngày se cát trên bờ. “Đó là câu chuyện thú vị về các con vật nhưng lại chứa đựng những ẩn dụ về cuộc sống của con người. Vở kịch mang đến cho người xem những suy ngẫm về đạo lý, sự cám dỗ, lòng tham... trong cuộc sống” - NSND Tuấn Hải chia sẻ.

Trong khi đó, cuối tháng 11 và đầu tháng 12/2017, vở nhạc kịch Chuyện tình nàng Giáng Hương do nhà biên kịch Trần Nguyễn Thiên Hương viết kịch bản, đồng thời là tổng đạo diễn đã được biểu diễn tại Nhà hát TP.HCM. Chuyện tình nàng Giáng Hương là vở nhạc kịch được chuyển thể từ truyện cổ tích Từ Thức gặp tiên - một trong những giai thoại về tình yêu đẹp nhất trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam. Chuyện tình nàng Giáng Hương có thời lượng 85 phút, trong đó 21 ca khúc với nhiều thể loại như âm hưởng dân ca Việt Nam, pop ballad, semi classic, rock... đã vang lên tạo sự mới lạ, vừa giữ được sắc màu truyền thống nhưng cũng bắt kịp xu thế nhạc kịch hiện đại của thế giới. Quan trọng hơn cả, Chuyện tình nàng Giáng Hương không chỉ là tình yêu của Từ Thức - Giáng Hương mà còn thấm đẫm tình yêu thương gia đình, tình chị em, chạm đến những giá trị nhân văn của cuộc sống.

Ngược dòng thời gian, vở nhạc kịch Tấm Cám (dàn dựng Nguyễn Khắc Duy) dựa trên câu chuyện cổ tích kinh điển cùng tên từng “gây sốt” tại TP.HCM. Nhạc kịch Tấm Cám khai thác các tình tiết và nhân vật cổ tích quen thuộc theo một cách mới nhưng vẫn giữ lại hầu hết những tình tiết quen thuộc của câu chuyện cũ. Trong nhạc kịch Tấm Cám, các nhân vật Tấm, Cám và Thái tử đều phải chiến đấu, trải qua thử thách để giành lấy hạnh phúc của mình. Câu chuyện trong nhạc kịch Tấm Cám chú trọng đề cập đến tình chị em và tình cảm gia đình, thay vì chỉ truyền tải thông điệp ác giả ác báo như cổ tích gốc. Đồng thời, một số tình tiết ghê rợn của bản gốc được xử lý một cách nhân văn, nhẹ nhàng; từ đó, câu chuyện về chị em Tấm Cám chuyển tải những thông điệp theo ý nghĩa, quan điểm mới của xã hội ngày nay, đầy nhân văn, nhân bản.

Một điểm nữa mà nhạc kịch Tấm Cám được khán giả đón nhận, đánh giá cao là sự pha trộn âm nhạc dân tộc, những làn điệu dân ca và cả các ca khúc đậm màu sắc triết lý Phật giáo. Và điều đáng nói nhất của nhạc kịch Tấm Cám, trên sân khấu hình tượng chủ đạo là hoa sen - một biểu tượng của Việt Nam với mục đích tôn vinh nét đẹp thuần khiết “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, đậm đà nét văn hóa và có tính dân tộc.


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn