“Trái tim có nhịp đập của nó”, nhưng khi trái tim (lúc bình thường) không theo đúng nhịp (nhanh, chậm, loạn nhịp…), hãy coi chừng! Đó có thể là biểu hiện của những chứng bệnh tim không thể coi thường.
Thế nào là nhịp tim bình thường
Tim của người trưởng thành lúc nghỉ ngơi đập từ 60 - 80 lần trong 1 phút. Nếu dưới 55 - 60 lần/phút thì được coi là nhịp tim chậm. Trẻ em có nhịp tim sinh lý nhanh hơn người lớn (từ 110 - 130 nhịp/phút), vì thế, nhịp chậm ở trẻ em là khi tim đập dưới 100 lần/phút.
Khi nhịp tim chậm coi chừng mắc bệnh nguy hiểm. |
Tại sao nhịp tim bị chậm?
Nhịp tim chậm được coi là bình thường ở những người luyện tập thể lực tốt và ở mọi người khi trong giấc ngủ. Nhiều vận động viên thể thao có nhịp tim lúc nghỉ chỉ từ 45 - 60 lần/phút. Nhịp chậm có thể xuất hiện thứ phát sau một số bệnh lý như suy chức năng tuyến giáp, rối loạn dạ dày-ruột, hội chứng hoàng đảm hoặc sau khi sử dụng một loại thuốc nào đó. Bệnh nhân tim mạch (chẳng hạn tăng huyết áp), đang được điều trị bằng các thuốc gây chậm nhịp tim như chẹn bêta giao cảm, chẹn kênh calci có thể có nhịp chậm. Nhịp chậm đôi khi là hậu quả nhất thời của nhồi máu cơ tim. Nhịp chậm thường gặp ở người cao tuổi, có hoặc không chứng xơ vữa động mạch và ở trẻ em mắc một số bệnh tim bẩm sinh.
Triệu chứng
Nhịp tim chậm thường không gây triệu chứng trừ khi dưới 40 - 45 lần/phút. Triệu chứng xuất hiện do cung lượng tim bị giảm, đó là mệt mỏi, khó thở, chóng mặt và thậm chí ngất.
Chẩn đoán
Nhịp tim chậm hơn bình thường có thể xác định đơn giản bằng bắt mạch. Ghi điện tâm đồ giúp phân biệt nhịp chậm là do nghẽn tim (block) hay do nguyên nhân khác.
Điều trị
Nhịp tim chậm không gây triệu chứng thì không cần điều trị. Khi triệu chứng xuất hiện, có thể sử dụng các thuốc làm tăng nhịp tim. Nếu ngất hoặc các triệu chứng nặng vẫn tồn tại sau dùng thuốc, người bệnh cần được cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn. Trong một số trường hợp, phải ngừng sử dụng các thuốc có tác dụng làm chậm nhịp tim.
Biến chứng
Nhịp tim quá chậm (dưới 30 lần/phút) là một cấp cứu vì nó gây thiếu ôxy não trầm trọng dẫn tới ngất. Nhịp chậm có thể dẫn tới tử vong nếu các biện pháp làm tăng nhịp tim không được thực hiện kịp thời.
Dự phòng
Việc dùng thuốc điều trị bệnh tim mạch và tăng huyết áp cần phải được tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của thầy thuốc. Một số trường hợp nhịp chậm nguy hiểm là do chứng nghẽn tim hoặc do cơ tim bị thương tổn khi nhồi máu, vì thế, các biện pháp làm chậm tiến trình xơ vữa động mạch như ngưng hút thuốc lá, kiểm soát huyết áp, tình trạng mỡ máu và luyện tập thể lực thường xuyên tỏ ra có vai trò trong phòng ngừa nhịp tim chậm.
ThS. Phan Đình Phong