Khi Qatar trả đũa

11-07-2017 15:39 | Quốc tế
google news

SKĐS - Hãng tin MENA ngày 10/7 đưa tin Qatar đã đe dọa rút khỏi Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) với việc đưa ra điều kiện ngược lại đối với các nước vùng Vịnh do Saudi Arabia đứng đầu. Giới phân tích cho rằng động thái này cho thấy Qatar không hề run sợ trước sức ép của các nước vùng Vịnh.

Hôm 10/7, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani đã gửi thư tới Tổng thư ký của GCC Abdul Latif Bin Rashid Al Zayani, trong đó nêu ra các điều kiện của Qatar. Ông Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani nêu rõ nếu không được đáp ứng nước này sẽ rút khỏi GCC. Ngoại trưởng Qatar đưa ra thời hạn ba ngày cho các quốc gia vùng Vịnh để dỡ bỏ phong tỏa đối với Qatar và bồi thường những thiệt hại về mặt chính trị và kinh tế mà Doha phải gánh chịu. Trong bức thư, Ngoại trưởng Qatar nêu rõ hết thời hạn này, Qatar sẽ chính thức tuyên bố rút khỏi GCC. Các nước vùng Vịnh hiện chưa có phản hồi chính thức về yêu cầu trên.

Giới phân tích nhận định: động thái trên của Qatar thể hiện sự dứt khoát và không nhân nhượng trong việc đối đầu với các nước láng giềng. Bình luận về động thái của Qatar, hãng tin RT dẫn lời các nhà phân tích cho rằng sự cứng cỏi của Qatar là “tiếng gầm của chú chuột bé nhỏ”, không run sợ trước sức ép của loài mèo. Theo RT, phản ứng của Qatar cho thấy ArabSaudi đã đánh giá thấp đối thủ của mình. Việc Qatar đưa ra yếu sách của mình trong 3 ngày cho thấy sức mạnh đoàn kết của Qatar trước sự can thiệp từ bên ngoài. Với hàng tựa lớn “Việc các nước Arab cấm vận Qatar chỉ làm tăng thêm lòng yêu nước tại quốc gia giàu có này”, hãng tin Anh Reuters phân tíchviệc ArabSaudi đánh giá thấp nước láng giềng Qatar có thể mang lại những hệ quả không mong muốn. Theo Reuters, thông điệp mà Qatar đưa ra với yêu cầu trên “chủ quyền dân tộc không phải là thứ không dễ dàng nhượng bộ”.

Trong một động thái mới nhất, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã tới Kuwait nhằm tháo gỡ khủng hoảng vùng Vịnh. Theo Los Angeles Times, Ngoại trưởng Mỹ sốt ruột là có lý do của mình. “Qatar là nơi đặt căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông với hơn 11.000 lính Mỹ đồn trú”, Los Angeles Times bình luận. “Điều này có thể ảnh hưởng tới các chiến dịch chống khủng bố của Mỹ từ Qatar”. Hơn 1 tháng qua, đã có nhiều nỗ lực con thoi được triển khai tuy nhiên mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ.Tờ France24 đặt câu hỏi: “liệu Ngoại trưởng Mỹ có thể hóa giải được khủng hoảng?”, cho rằng nếu không có một cách tiếp cận mới và hiệu quả hơn, thì chuyến đi của ông Rex Tillerson cũng sẽ không đạt kết quả như mong muốn.

Cơ hội cho cho các nước khác?

Hiện các nước vùng Vịnh vẫn chưa có phản ứng chính thức về yêu sách của Qatar và cũng chưa có báo nào đưa tin cụ thể những yêu sách mà Qatar đưa ra trong thời hạn 3 ngày. Tuy nhiên, trong một động thái gây sức ép, hôm 10/7, Saudi Arabia đã công bố nội dung của một hiệp ước bí mật mà Doha và các nước vùng Vịnh đạt được cách đây 4 năm, do Quốc vương Saudi Arabia lúc bấy giờ Abdullah bin Abdulaziz, Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani và Quốc vương Kuwait Sheikh Sabah Al-Ahmad Al-Jaber Al-Sabah ký kết tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, nhất trí không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của các quốc gia vùng Vịnh khác, bao gồm việc cấm hỗ trợ tài chính và chính trị cho các nhóm hoạt động chống chính phủ.Theo hiệp ước trên, các nước vùng Vịnh tiếp tục cáo buộc Qatar vi phạm hiệp ước bí mật đã được thông qua.

Trong khi cuộc khủng hoảng vẫn chưa ngã ngũ thì đây lại là cơ hội để một số nước khác vươn lên “nắm bắt cơ hội”. Thổ Nhĩ Kỳ là một ví dụ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan giữa tuần này đã tuyên bố sẵn sàng thực hiện các chuyến "ngoại giao con thoi" giữa các nước vùng Vịnh. “Nói là làm”, Thổ Nhĩ Kỳ 1 tháng qua đã cung cấp 100 chuyến hàng thực phẩm thiết yếu bằng máy bay sang Qatar, điều thêm quân đội tới hỗ trợ nước này, cũng như phản đối các yêu sách mà các nước Ảrập đưa ra chống lại Doha. Tất nhiên, Ankara thực hiện động thái trên là có chủ đích khi muốn tận dụng các cơ hội này làm trung gian hòa giải giữa các nước vùng Vịnh, qua đó củng cố ảnh hưởng tại khu vực. Chưa rõ những nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đạt được kết quả thế nào, song có thể thấy rõ khủng hoảng vùng Vịnh đang diễn biến khó lường và khó dự đoán.

Hiện, thời hạn 3 ngày chưa rõ sẽ kết thúc ra sao với các phản ứng của các bên, nhưng ngân hàng Trung ương Qatar khẳng định khoản dự trữ 340 tỷ USD có thể giúp nước này đối phó với sự cô lập của các nước láng giềng Arab. Trả lời phỏng vấn trên kênh CNBC, Thống đốc ngân hàng Sheikh Abdullah Bin Saoud al-Thani cho biết Qatar có khoảng 350 tỷ USD và vàng dự trữ nên có thể đương đầu với "bất kỳ cú sốc nào".

Dư luận trông đợi cuộc khủng hoảng vùng Vịnh sẽ hạ nhiệt, nhưng xem ra với việc các bên không nhượng bộ, bế tắc vẫn sẽ hoàn bế tắc tại vùng Vịnh hiện nay.


N.Quang
Ý kiến của bạn
Tags: