Dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng đối với thai phụ bị tiểu đường. Một chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý có thể kiểm soát tốt đường huyết mà không cần dùng thuốc, hoặc giảm liều thuốc đang sử dụng và giảm các biến chứng do tiểu đường gây nên.
Nguyên tắc dinh dưỡng
Những thực phẩm nên ăn:
Nên ăn nhiều loại thực phẩm (15-25 loại) để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Nên ăn nhiều bữa trong ngày để không làm tăng đường huyết quá nhiều sau ăn và hạ đường huyết quá nhanh lúc xa bữa ăn. Nên ăn 3 bữa chính và 2-3 bữa phụ.
Sử dụng thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp và trung bình.
Nên ăn thịt nạc, cá nạc, đậu phụ, sữa chua, sữa, phô mai ( ít béo, không đường).
Cần giảm ăn:
Giảm ăn các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao làm tăng cao đường huyết sau ăn như bánh, kẹo, kem, chè, trái cây sấy...
Giảm ăn các thực phẩm giàu chất béo gây tăng mỡ máu: da, lòng đỏ trứng, phủ tạng (tim, thận, gan...), thức ăn chiên xào...
Giảm ăn mặn và thực phẩm chế biến sẵn nhiều muối để phòng ngừa tăng huyết áp như mỳ gói, chả lụa, mắm, khô, tương, chao...
Giảm uống rượu, bia, nước ngọt...
Thai phụ bị tiểu đường thai kỳ cần tập luyện để giảm đường huyết.
Vận động hợp lý
Hội Tiểu đường Hoa Kỳ khuyến cáo phụ nữ mang thai nếu không có chống chỉ định về sản khoa và nội khoa thì nên bắt đầu hoặc tiếp tục tập luyện ở mức độ vừa phải vì nó có tác dụng làm tăng nhạy cảm với insulin của các tế bào, giảm đề kháng insulin dẫn đến giảm đường máu ở mẹ.
Thai phụ bị tiểu đường thai kỳ cũng có thể tham gia các lớp tập thể dục, nhưng chỉ nên tập với cường độ thấp hơn so với mức tập luyện trước đây, giảm bớt các bài tạp có sự va chạm (quần vợt, bóng chuyền, bóng rổ...). Trong khi tập nếu thấy mệt mỏi nên ngừng tập và nghỉ ngơi. Vì tập luyện làm giảm đường máu, do vậy nếu thai phụ đang điều trị bằng insulin cần được tư vấn các triệu chứng hạ đường máu và cách xử trí.
Các triệu chứng hạ đường huyết: Cáu gắt, tư duy rời rạc, có cảm giác như kiến bò ở môi, vã mồ hôi, tim đập nhanh, run yếu khuỵu chân. Có cảm giác đói, cồn cào.
Xử trí hạ đường huyết: Nên cho thai phụ uống 3 thìa cà phê đường hoặc 3 thìa cà phê mật ong, hoặc ăn vài cái kẹo ngọt, bánh ngọt, uống một hộp sữa...
Lưu ý chỉ số đường huyết của một số thực phẩm
Chỉ số đường huyết (GI) là chỉ số thể hiện tốc độ giải phóng đường vào trong máu. Thực phẩm có chỉ số GI cao sẽ làm cho đường huyết trong máu tăng nhanh hơn thục phẩm có chỉ số GI thấp. Chỉ só GI của thực phẩm được phân loại như sau:
Rất thấp: dưới 40
Thấp: 40-45
Trung bình: 56-69
Cao: trên hoặc = 70
Chỉ số đường huyết (%) trong một số thực phẩm: bánh mỳ trắng (100), gạo trắng (83), khoai lang (54), khoai lang bỏ lò (135), khoai sọ (58), dưa hấu (72), cam (66), chuối (53), Xoài (55), nho (43), táo (53), cà rốt (49), rau muống (10), lạc (19), đậu tương (18), hạt đậu (49).
(Theo Hướng dẫn quốc gia Dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú)