Hà Nội

Khi phụ nữ Dao làm “kế hoạch”

24-10-2014 02:04 | Thời sự
google news

Nhiều năm trở lại đây, mỗi khi nói đến công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), các cán bộ làm công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản từ tỉnh Hà Giang...

Nhiều năm trở lại đây, mỗi khi nói đến công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), các cán bộ làm công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản từ tỉnh Hà Giang cho đến huyện Yên Minh, Hà Giang đều nhắc đến xã Ngam La. Là xã vùng cao, xa xôi được xếp vào danh sách xã thuộc Chương trình 135 của quốc gia, 100% dân số của xã đều là dân tộc, trình độ văn hóa còn hạn chế, nhưng liên tục 5 năm trở lại đây Ngam La lại là một xã điển hình về phong trào thực hiện KHHGĐ với 92% các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Trong đó, cộng đồng người Dao ở xã không còn tình trạng sinh con thứ ba.

Để tới được Ngam La, phải vượt qua 100km đường dốc quanh co từ trung tâm tỉnh lỵ Hà Giang lên tới huyện vùng cao biên giới Yên Minh. Rồi lại phải mất gần hai giờ đồng hồ để vượt 24km đường đất lởm chởm, đèo dốc quanh co hiểm trở, mới vào được đến xã Ngam La. Gặp chị Tẩn Thị Liệu, dân tộc Dao ở tận bản Ngam La, cách trung tâm xã hơn 9km đường rừng, được biết chị là người phụ nữ đầu tiên của xã lựa chọn phương pháp đình sản, chị bộc bạch: “Mình đình sản được 7 năm rồi, thế là yên tâm”.

Phụ nữ dân tộc Dao xã Ngam La chủ động đến các cơ sở y tế để được tư vấn KHHGĐ và khám sức khỏe sinh sản tại Bệnh viện ĐKKV huyện Yên Minh.

Cùng với chị Liệu, chị Tráng Thị Tanh, nguyên là Chủ tịch Hội phụ nữ xã nói: “Mình là cán bộ, nhà sinh đủ con rồi thì cũng phải gương mẫu thực hiện KHHGĐ cho các chị em trong bản noi theo chứ. Thế là mình quyết tâm cùng cán bộ dân số xã xuống bệnh viện. Đình sản rồi, cái đầu không phải lo nghĩ đến việc sinh nhiều con, thế là yên tâm làm công việc của Hội và làm nương rẫy, nghĩ cách thoát đói nghèo cùng chồng. Giờ thì tất cả chị em nữ ở các bản người Dao của xã Ngam La này đều chỉ muốn sinh hai con thôi”.

Chị Ly Thị Cả (thôn Tiến Hòa), một trong những phụ nữ người Dao xưa nay vốn ngại ngần, xấu hổ mỗi khi nhắc đến sức khỏe sinh sản, vậy mà giờ đây, trong buổi họp thôn, chị dám đứng lên chia sẻ kinh nghiệm về KHHGĐ, chỉ dừng lại ở hai con của mình như vậy. Rồi bản thân chị cũng tình nguyện đi vận động chị em người Dao thôn mình ra bệnh viện huyện để sử dụng biện pháp tránh thai đình sản nữ. Chị bảo: “Đình sản nữ nhanh lắm, chỉ đau ít thôi. Gia đình nào đình sản về cũng được xã, huyện cho vay vốn yên tâm làm ăn để thoát nghèo. Nhà này nhìn nhà kia, cặp vợ chồng này nhìn cặp vợ chồng khác. Thế là cặp vợ chồng nào đã sinh đủ hai con đều đua nhau đăng ký đi thực hiện KHHGĐ hết rồi. Vậy mới yên tâm làm cái ruộng nương cho tốt để thoát nghèo mà vươn lên làm giàu”.

Anh Tẩn A Pấu - Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Dân số xã Ngam La cho biết: “Nhân khẩu có 3.724 người với hai dân tộc Mông và Dao cùng sinh sống. Trong đó, dân tộc Dao chiếm đến 72% dân số. Toàn xã có 630 hộ gia đình thì có tới 603 cặp vợ chồng đang áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại, trong đó có tới 412 phụ nữ người Dao lựa chọn biện pháp KHHGĐ bằng đình sản nữ”. Để chính sách dân số của Đảng và Nhà nước đi được vào lòng dân, ở lại trong dân, được dân tình nguyện tham gia ủng hộ, Ban Dân số xã đã xác định cần phải lôi kéo được chính quyền thôn, già làng, trưởng bản, trưởng các dòng tộc cùng vào cuộc. Cùng với đó, Ban Dân số xã cũng lựa chọn các tuyên truyền viên dân số tại các thôn bản là người địa phương, có trình độ kiến thức, có khả năng thuyết phục và gương mẫu trong thực hiện KHHGĐ, tham mưu cho UBND xã, chính quyền thôn, các già làng, trưởng bản đưa chính sách dân số thành những hương ước, quy định chung của từng thôn bản để huy động tối đa sự ủng hộ của những người có uy tín tại cộng đồng.

Đến xã Ngam La, hầu hết tại các thôn bản có người Dao sinh sống đều có cuộc sống ổn định, trên 70% số hộ đã sắm được xe máy để chở ngô, chở lúa thay sức cõng của người. 80% số hộ có tivi, đài phát thanh để nghe các thông tin giải trí và học cách phát triển kinh tế. 100% con em người Dao được đến lớp học chữ. Bộ mặt Ngam La đang thay đổi từng ngày là có điểm xuất phát từ sự thay đổi tư tưởng và hành động trong tiếp cận các dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ.

Bài, ảnh: Kim Huệ

 


Ý kiến của bạn