Phổi là bộ máy hô hấp quan trọng trong cơ thể con người. Phổi phải làm việc miệt mài, không ngừng nghỉ từ khi chúng ta sinh ra đến khi trút hơi thở cuối cùng. Vậy, khi phổi bị tổn thương sẽ ảnh hưởng tới đường hô hấp cũng như các vấn đề nguy hiểm khác mà chúng ta phải đối mặt.
Phổi quan trọng như thế nào?
Phổi ở người bình thường gồm có hai lá phổi. Lá phổi bên phải (có 3 thuỳ) và lá phổi bên trái (có hai thuỳ). Phổi nằm ở bên trong lồng ngực, được bao bọc bởi các xương sườn chung quanh. Phổi gồm có các bộ phận chính là hệ thống các ống dẫn khí (gồm khí quản, phế quản và tiểu phế quản) và các phế nang (phế nang là các túi chứa khí, nơi chứa không khí và diễn ra quá trình trao đổi khí ở phổi. Miệng phế nang mở thông với các tiểu phế quản tận. Ở hai phổi người có khoảng 300 triệu phế nang, tổng diện tích các phế nang khoảng 70 m2 và phế nang là đơn vị chức năng của phổi).
Chức năng chính của phổi làm nhiệm vụ trao đổi khí (để duy trì sự sống) do các mao mạch ở phế nang tạo thành mạng lưới dày đặc. Phổi đưa oxy từ không khí vào tĩnh mạch phổi, và dioxit cacbon từ động mạch phổi ra ngoài. Cùng đi với mạch máu là các dây thần kinh điều khiển cơ trơn phế quản làm cho phế quản giãn ra hoặc co lại. Toàn bộ mặt trong phế quản và phế nang có niêm mạc bao phủ với lớp nhung mao rất mịn luôn rung chuyển để đưa các vật lạ ra ngoài. Phổi cũng tham gia vào quá trình chuyển hóa và tổng hợp nhiều chất quan trọng, lọc một số độc tố trong máu và cũng là một nơi để lưu trữ máu.
Khi phổi bị trục trặc...
Do phổi là cơ quan tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài nên dễ bị nhiễm virus, vi khuẩn… gây ra nhiều bệnh từ nhẹ đến nặng ở phổi như ho khan, ho có đờm, khó thở với bệnh lý như viêm phổi, viêm phế quản, viêm phế quản mãn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, lao phổi, ung thư phổi…
Hiện nay, số người bị các bệnh liên quan đến phổi chiếm tỷ lệ cao. Đối tượng thường mắc các căn bệnh ở phổi ở hầu khắp mọi độ tuổi, giới tính nhất là trẻ nhỏ, người già có sức đề kháng kém. Nguyên nhân dẫn tới bệnh phổi phần lớn là do hút thuốc lá, nhiễm trùng, di truyền, làm việc hoặc sống trong môi trường ô nhiễm, độc hại như công nhân hầm lò, giáo viên…
Khi gặp các vấn đề về phổi, tuỳ thuộc vào mức độ tổn thương của phổi và các bộ phận hô hấp liên quan mà người bệnh có các triệu chứng khác nhau. Các triệu chứng bệnh phổi thường gặp như: Ho (ho có đờm đặc màu trắng, xám vàng hoặc xanh lục, ho ra máu), thở khò khè, sốt, mệt mỏi, khó thở, thường xuyên bị nhiễm trùng, kém ăn, đau vai…
Khi phổi bị tổn thương sẽ dẫn tới một số vấn đề như:
Hen suyễn: Là hiện tượng đường thở bị viêm, nhiễm trùng, đôi khi có những cơn co thắt gây khò khè và khó thở cho người bệnh do phổi gây ra.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD): Một bệnh lý ở phổi gồm có hai bệnh lý chính là viêm phế quản mãn tính và khí phế thũng. Bệnh COPD này khiến cho bạn có cảm giác khó thở và khó chịu. Với bệnh lý khí phế thũng còn làm máu có nhiều carbondioxide hơn là ôxy.
Viêm phế quản: Là tình trạng viêm của lớp niêm mạch trong ống phế quản. Nguyên nhân chủ yếu của căn bệnh này là do nhiễm trùng đường hô hấp như lạnh, virus, vi khuẩn.
Xơ nang phổi: Đây là kết quả chất nhầy tích lũy trong nhiễm trùng phổi được lặp đi lặp lại.
Bên cạnh đó, bệnh phổi còn ảnh hưởng tới các phế nang gây viêm phổi, bệnh lao, ung thư phổi, ho dị ứng, hội chứng suy hô hấp cấp tính… Hoặc tác động xấu tới mạch máu gây tắc mạch phổi, tăng huyết áp động mạch phổi. Ngoài ra, có thể ảnh hưởng đến màng phổi gây tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi, ung trung biểu mô...
Những dấu hiệu cảnh báo khi có vấn đề ở phổi
Ho:
Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng ho như do thời tiết, do dị ứng… Nhưng nếu ho nhiều, dai dẳng dẫn đến đau đầu, khàn giọng hay khó thở, ho liên tục kèm theo dịch nhày, máu hoặc sốt… thì cần phải cảnh giác. Bởi đây có thể là triệu chứng của bệnh tại phổi như viêm phổi, nhiễm trùng phổi, ung thư phổi… Khi ho có đờm nhiều (đường hô hấp sản xuất chất nhày quá mức) kết hợp với thở khò khè, hoặc khó thở có thể là dấu hiệu của COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính). Nếu bạn bị ho có đờm kéo dài hơn 3 tháng thì bạn cần đi khám vì đây có thể là một dấu hiệu của bệnh viêm phế quản mạn tính.
Thở khò khè:
Tình trạng thở khò khè là do luồng không khí di chuyển trong quá trình hô hấp bị cản trở. Điều này xảy ra do một vật nào đó chặn đường hô hấp. Đây là dấu hiệu có thể cảnh báo bạn đang phải đối mặt với tình trạng hen suyễn, khí phế thũng hoặc tràn khí màng phổi…
Đau ngực:
Phổi là bộ phận bên trong lồng ngực, nếu tình trạng đau tức ngực diễn ra đó có thể là dấu hiệu bệnh phổi. Viêm kích thích niêm mạc bên trong lồng ngực có thể gây đau ngực (viêm màng phổi). Khi phổi có một khoang bị vỡ, khiến khí tràn vào khoang ngực quanh phổi, gây ra cơn đau. Nếu gặp phải một cơn đau nhói mạnh trong lồng ngực khi thở, ho hoặc hắt hơi... Đây là những dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng phổi do vi khuẩn hoặc virus. Trong trường hợp hiếm đây có thể là những dấu h iệu của việc xuất hiện một cục máu đông trong động mạch phổi, ngăn chặn lưu lượng máu đến phổi và làm tắc phổi. Cơn đau ngực do phổi có thể rất dữ dội, nhất là khi cúi xuống hay nâng nhấc vật gì đó hoặc thậm chí ngay cả khi ho hay cười cũng gây đau. Ngoài ra, những dấu hiệu đau dai dẳng ở lồng ngực cũng có thể báo hiệu bệnh lý nghiêm trọng hơn là ung thư phổi cần được chú ý.
Làm việc trong môi trường ô nhiễm dễ dẫn đến bệnh về phổi.
Màu sắc của đờm:
Những thay đổi trong màu sắc của đờm có thể tiết lộ rất nhiều điều báo biệu về sức khoẻ, từ nhiễm vi khuẩn cho đến tình trạng viêm phổi, trong đó đờm có máu có thể là dấu hiệu của bệnh lao. Vì vậy, người bệnh cần lưu ý về màu sắc của đờm này.
Da xanh xao:
Tế bào máu đỏ vốn mang ô xy tới các mô trong cơ thể, khiến da dẻ người khoẻ mạnh trở nên hồng hào. Tuy nhiên khi lượng ô xy đưa vào cơ thể bị thiếu hụt, những bộ phận như môi, ngón tay, chân nhanh chóng bị biến sắc, mất đi sự hồng hào. Những người bị phổi ở giai đoạn nghiêm trọng da sẽ trở nên xanh xao.
Kiệt sức:
Tự nhiên chúng ta cảm thấy mệt mỏi với công việc mà hàng ngày chúng ta vẫn làm. Không được chủ quan các bạn nhé, bởi rất có thể bạn đang có vấn đề tại phổi. Nguyên nhân là do các tế bào cần oxy để tạo ra năng lượng giúp cơ thể hoạt động hiệu quả. Khi phổi không cung cấp đủ oxy cho cơ thể, bạn phải làm việc gắng sức, gây mệt mỏi, uể oải.
Cách nào để chẩn đoán và điều trị?
Để chẩn đoán chính xác các bệnh lý liên quan tới bệnh phổi, các bác sĩ thường sử dụng các phương pháp kiểm tra thể trạng, căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng: Chụp chiếu bằng Xquang vùng ngực, chụp cắt lớp vi tính (CT-Scanner), chụp cộng hưởng từ (MRI)…
Phương pháp điều trị bệnh phổi gồm nội khoa và ngoại khoa. Nội khoa như sử dụng thuốc kháng sinh, chống viêm... Bên cạnh đó, phương pháp điều trị bằng Đông y như thuốc nam, thuốc bắc; tập luyện hít thở cũng được áp dụng điều trị các bệnh lý liên quan tới phổi. Ngoại khoa như phẫu thuật u phổi…