Khi phim Việt thiếu kịch bản hay

01-08-2018 17:24 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Dù đã có những bộ phim với nội dung hấp dẫn, hình ảnh đẹp được khán giả đón nhận, nhưng ít ai biết phim Việt lâu nay có một khoảng trống khó lấp đầy: thiếu kịch bản nội chất lượng.

Giới làm nghề thừa nhận, điện ảnh nước nhà do thiếu kịch bản thuần Việt nên đã phải “vay mượn” ý tưởng, làm lại dựa trên phiên bản gốc nước ngoài.

Việt hóa, vay mượn ý tưởng từ nước ngoài

Thực tế cho thấy, nhiều bộ phim Việt tạo nhiều cảm xúc, có “chất” đi kèm sự mới lạ trong cách thể hiện đã chinh phục được người xem. Trong đó, phim điện ảnh (chiếu rạp), phim truyền hình có lượng người xem kỷ lục, doanh thu phòng vé cao của điện ảnh Việt gần đây phải kể tới Cả một đời ân oán, Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, Gia đình là số 1...; Yêu đi đừng sợ, Ngày mai Mai cưới, Tháng năm rực rỡ, Ông ngoại tuổi 30, Yêu em bất chấp, Em chưa 18, Em là bà nội của anh... Thế nhưng, những bộ phim vừa nêu được các đạo diễn trong nước làm lại, “vay mượn” cốt truyện, ý tưởng từ các bộ phim của Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Israel, Indonesia...

Doanh thu đạt 80 tỷ đồng sau 3 tuần công chiếu, tuy nhiên Tháng năm rực rỡ là phim Việt hóa từ phiên bản Hàn Quốc.

Doanh thu đạt 80 tỷ đồng sau 3 tuần công chiếu, tuy nhiên Tháng năm rực rỡ là phim Việt hóa từ phiên bản Hàn Quốc.

Không thể phủ nhận, sự xuất hiện ngày càng nhiều của các phim Việt làm lại từ phiên bản nước ngoài (Việt hóa) đã làm nền điện ảnh trong nước phong phú, kéo khán giả tới rạp hoặc ngồi trước màn hình tivi xem phim của người Việt dàn dựng. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy chúng ta đang thiếu đội ngũ sáng tác kịch bản hay, chất lượng so với nhu cầu thực tế. Nhiều nhà làm phim Việt đôi khi chỉ đóng vai trò khoác áo mới cho tác phẩm sẵn có từ bên ngoài. Chưa kể, nhiều phim Việt hóa mất điểm với người xem như Sắc đẹp ngàn cân (đạo diễn James Ngô) dựa trên phiên bản của Hàn Quốc. Ở phiên bản Việt, phim bị thiếu cảm xúc, copy từ bản gốc từ cảnh quay, cốt truyện nên phim thiếu hơi thở Việt. Tương tự, các phim Việt hóa Anh em nhà bác sĩ, Lối sống sai lầm, Ngôi nhà hạnh phúc cũng bị khán giả đánh giá có chất lượng không tốt, nội dung kém hấp dẫn, diễn xuất của diễn viên kém và thậm chí tệ hơn so với bản gốc.

Cả phim truyền hình, phim chiếu rạp nước ta đã và đang thiếu kịch bản nội hấp dẫn là thực tế không thể phủ nhận. Theo đạo diễn Việt Bảo, kịch bản hay không đủ nhu cầu, đa số kịch bản có mô-típ cứ lặp đi lặp lại khiến khán giả ngán nên để tạo sự khác biệt, giới làm nghề lâu nay đã chọn lựa giải pháp làm lại phim của nước ngoài. Do đó, người trong cuộc cũng như khán giả lâu nay vẫn mỏi mòn trông đợi, hy vọng điện ảnh nước nhà sẽ có nhiều kịch bản hay, sân chơi chuyên nghiệp cho đội ngũ làm nghề để tạo cơ sở, tiền đề để những phim thuần Việt chào đời.

Đãi cát tìm vàng

Trước khoảng trống trên, một số đơn vị sản xuất phim trong nước gần đây đã mở ra sân chơi nhằm khơi dậy sức sáng tạo và tìm ra những nhân tố tài năng trong lĩnh vực biên kịch, đội ngũ sáng tác kịch bản. Trung tâm sản xuất phim truyền hình - Đài truyền hình Việt Nam (VFC) vừa qua đã tổ chức cuộc thi “Tìm kiếm kịch bản truyền hình 2018” với hy vọng sẽ tìm ra được những kịch bản tốt, giá trị và có sức nặng cũng như tìm ra những nhà biên kịch tài năng, đam mê với bộ môn nghệ thuật thứ bảy để vinh danh. Các kịch bản của các tác giả tham gia cuộc thi này sẽ được Hội đồng giám khảo cuộc là những người có chuyên môn cao như PGS.TS. Trần Thanh Hiệp; nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn; NSƯT - đạo diễn Đỗ Thanh Hải; nhà báo - Biên kịch Chu Hồng Vân; biên kịch Đặng Diệu Hương chấm chọn. Những kịch bản phim truyền hình tốt nhất tham dự cuộc thi sẽ được Ban tổ chức trao giải, tác giả có thể tham gia vào quá trình sản xuất phim để có thêm những kinh nghiệm thực tế hữu ích trong các khâu tiền kỳ, hậu kỳ.

Trong khi đó, CGV Việt Nam cũng vừa khởi động “Cuộc thi Nhà biên kịch tài năng mùa 2” từ tháng 7 - 10/2018, dành cho tất cả công dân Việt Nam tuổi từ 18 - 35 có mong muốn trở thành người viết kịch bản chuyên nghiệp. Trải qua 3 giai đoạn của cuộc thi này, thí sinh sẽ được các đạo diễn, nhà biên kịch hàng đầu Việt Nam trực tiếp hướng dẫn phát triển kịch bản. Chặng cuối của cuộc thi, những thí sinh xuất sắc nhất sẽ có cơ hội nhận được phần thưởng giá trị, đồng thời giới thiệu tác phẩm của mình đến các nhà sản xuất uy tín và được Ban tổ chức hỗ trợ một phần kinh phí khi bộ phim chính thức bấm máy. Ngoài ra, top 3 thí sinh xuất sắc nhất cuộc thi sẽ tham gia khóa đào tạo ngắn hạn về điện ảnh tại Hàn Quốc.

Nhiều ý kiến đánh giá, khi điện ảnh trong nước thiếu kịch bản thuần Việt thì những cuộc thi tìm kiếm kịch bản, nhà biên kịch kể trên như một cuộc “đãi cát tìm vàng”. Qua những sân chơi này sẽ kích thích kỹ năng viết và sự sáng tạo của giới chuyên môn lẫn không chuyên, đặc biệt là cơ hội để người trẻ thể hiện mình. “Chúng ta thực sự cần những kịch bản chất lượng và thuần Việt. Và quan trọng hơn, chúng ta cần những góc nhìn mới từ những nhà biên kịch trẻ, những người sẽ tiếp tục kể câu chuyện của phim Việt trong tương lai” - đạo diễn Đinh Tuấn Vũ chia sẻ.


Thùy Trang
Ý kiến của bạn