Một số vụ cháy xảy ra tại trường học trong năm nay
Mới đây, vụ cháy xảy ra tại Trường Tiểu học Đồng Mai 1 (TP Hà Nội) khi hàng trăm học sinh đang trong giờ học, song nhờ phát hiện kịp thời nên đã nhanh chóng được dập tắt
Theo thông tin ban đầu, vào khoảng hơn 10 giờ ngày 9/10, đám khói bốc ra nghi ngút tại phòng thư viện trên tầng 3, Trường Tiểu học Đồng Mai 1 (phường Đồng Mai, quận Hà Đông, TP Hà Nội). Phát hiện sự việc, giáo viên cùng nhân viên của trường đã nhanh chóng sơ tán, hướng dẫn học sinh chạy xuống sân trường, đồng thời báo tin cho lực lượng chức năng. Sau đó, các thầy cô trong trường đã sử dụng bình chữa cháy mini và nước để nhanh chóng dập tắt đám cháy.
Lãnh đạo phường Đồng Mai cho biết rất may học sinh học ở tầng 2 và được các thầy cô giáo, nhân viên trong trường hướng dẫn xuống sân trường nên không xảy ra thương vong. Bước đầu xác định nguyên nhân đám cháy có thể do chập điện.
Cách đây mấy tháng, một vụ cháy nữa đã xảy ra tại Trường Tiểu học Yên Hoà, quận Cầu Giấy (Hà Nội) khiến 1.900 học sinh nhà trường phải di tản. Cơ quan chức năng nhận định, nguyên nhân của vụ cháy có thể do chập điện. Sau giờ ăn trưa, học sinh và giáo viên trường ngửi thấy mùi khói bốc ra từ khu vực tầng hầm để xe của cán bộ, giáo viên. Nhanh chóng, thầy cô giáo được lệnh sơ tán học sinh ra khỏi tòa nhà.
Hay một vụ cháy nữa xảy ra tại Trường THCS Phổ Thạnh thuộc Tổ dân phố Thạch By 1, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) làm hỏng toàn bộ một phòng lưu trữ hồ sơ và phòng làm việc của hiệu phó nhà trường.
Khuyến cáo với nhà trường
Thiếu tá Nguyễn Đức Hùng - cán bộ Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, tùy lứa tuổi học sinh, công tác tuyên truyền phòng cháy chữa cháy (PCCC) và kỹ năng thoát hiểm khi có tình huống hỏa hoạn xảy ra sẽ khác nhau. "Dù ở bậc học nào cũng cần nhận biết được nguồn lửa, nguồn nhiệt và các nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra".
Mỗi độ tuổi, bậc học khác nhau cần trang bị những kiến thức phù hợp cả về nội dung, phương pháp, hình thức. Ví như chỉ dẫn cách sử dụng bình cứu hỏa mini để dập tắt đám cháy nhỏ nhưng không thể bắt trẻ mầm non hay tiểu học thực hành thao tác này được mà chỉ nên hướng dẫn giáo viên, nhân viên trong trường.
Ở lứa tuổi của trẻ mầm non do chưa có kỹ năng tự bảo vệ mình nên chúng ta cần tập trung giúp các em nhận biết được nguồn lửa, nguồn nhiệt, các vật dụng có thể gây cháy và biện pháp phòng tránh. Đồng thời, ta cần giúp trẻ nhận biết được tín hiệu báo động cháy và hành động phù hợp để ứng phó thông qua hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ. Những hình ảnh trực quan, sinh động sẽ giúp trẻ nhớ lâu.
Với cấp tiểu học, chúng ta phải chỉ ra cho học sinh biết cách thoát hiểm nếu phát sinh tình huống hỏa hoạn. Đặc biệt, khi phát hiện có cháy trong lớp học, các em phải giữ bình tĩnh, không hoảng loạn rồi tìm khăn vải/khăn quàng hoặc khẩu trang nhúng nước bịt mũi miệng để tránh khói, khí độc. Sau đó di chuyển thấp người men theo tường rồi thoát ra ngoài, tuyệt đối không được nán lại lấy đồ dùng cá nhân. Phải hô hoán sớm hoặc vừa thoát nạn, vừa thông báo cháy nếu điều kiện phù hợp…
Từ bậc THCS trở lên, học sinh có thể được hướng dẫn thực hành các thao tác sử dụng bình cứu hỏa xách tay với mô hình hoặc đám cháy giả định, có kiểm soát. Việc này nên được tổ chức thường xuyên tùy theo đặc điểm tình hình ở mỗi đơn vị. Kiến thức về PCCC trang bị cho các em có thể thông qua hoạt động trải nghiệm, sinh hoạt hè, câu lạc bộ, hoạt động giáo dục quốc phòng an ninh hay hoạt động ngoại khóa khác.
Khuyến cáo các nhà trường trong việc chủ động phòng ngừa các nguy cơ cháy nổ, Thiếu tá Nguyễn Đức Hùng cho biết, tại mỗi nhà trường đều có các vị trí, khu vực dễ phát sinh nguy cơ cháy nổ như bếp ăn, phòng thí nghiệm hóa học… Do vậy, mỗi phòng chức năng phải được trang bị thiết bị chữa cháy theo quy định và đặt ở vị trí dễ nhận biết để có thể sử dụng ngay lập tức khi cần. Phòng thí nghiệm phải có quy định rõ ràng về những loại hóa chất, thí nghiệm nào có nguy cơ cháy nổ. Hóa chất thí nghiệm cần kê lên kệ, giá và đánh dấu tên rõ ràng, nhất là chất dễ cháy.
Đặc biệt, ở phòng Tin học lắp đặt nhiều máy tính, các trường cần tính toán kỹ lưỡng về hệ thống điện. Dây dẫn phải có độ chịu tải cao và đảm bảo tiêu chí an toàn khi sử dụng nhiều thiết bị điện trong phòng cùng một lúc như máy tính, điều hòa nhiệt độ, đèn chiếu sáng, quạt… nhằm tránh nguy cơ quá tải điện dẫn tới chập cháy.
Bên cạnh đó, ở khu vực bếp ăn, các trường phải kiểm tra thường xuyên hệ thống điện, thông khí và kịp thời sửa chữa nếu xảy ra hỏng hóc. Mỗi nhân viên nhà bếp phải được trang bị đầy đủ, thành thục các kỹ năng về an toàn phòng cháy, chữa cháy.