Khi "nút thắt" trong cuộc thương chiến Mỹ Trung được nới lỏng

19-12-2019 14:15 | Quốc tế

SKĐS - Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, chấm dứt tạm thời cuộc thương chiến kéo dài một năm rưỡi qua đồng thời hóa giải những “nóng lạnh thất thường” giữa Mỹ và Trung Quốc trong các cuộc trả đũa thuế quan.

Có gì trong Thỏa thuận thương mại  giai đoạn 1  giữa Mỹ và Trung Quốc?

Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ đối mặt với cuộc luận tội  của phe Hạ viện, việc đạt được thỏa thuận với Trung Quốc được coi như một chiến thắng, một thành tích của Người đứng đầu nước Mỹ khi Tổng thống bắt đầu cuộc chạy đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ tiếp theo.

Thực tế cho thấy, chỉ có  Mỹ công bố những chi tiết quan trọng về thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh vẫn giữ im lặng về vấn đề này. Dự kiến hai bên sẽ  ký kết thỏa thuận giai đoạn một sẽ được thực hiện vào đầu tháng 1/2020 và cam kết tiếp tục đàm phán để đạt được thỏa thuận giai đoạn hai quy mô lớn hơn.

Cụ thể, Trung Quốc sẽ tăng đáng kể việc mua nông sản của Mỹ, lên 50 tỷ USD trong năm 2020, gấp đôi mức nhập khẩu trong năm 2017, đồng thời mở cửa các ngành dịch vụ tài chính và ban hành các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ mới. Đổi lại, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ hủy bỏ việc  áp thuế 15% lên 160 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ và giảm một nửa mức thuế đã áp từ 15% xuống còn 7,5% đối với lượng hàng hóa trị giá 120 tỷ USD nhập khẩu của Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện Mỹ vẫn giữ mức thuế 25% với 250 tỷ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận  thương mại  giai đoạn 1

Bình luận về vấn đề này, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải Ker Gibbs nói, "thỏa thuận đã thể hiện cam kết và ý định của cả hai bên. Thỏa thuận giai đoạn một, kể cả bị giới hạn về phạm vi, sẽ giúp xây dựng niềm tin và động lực khi các nhóm đàm phán chuyển sang các vấn đề quan trọng hơn". Những người ít lạc quan hơn thì cho rằng, sẽ mất vài tháng trước khi chúng ta biết liệu các cam kết của Trung Quốc có khả thi hoặc thực chất hay không?

Giới kinh doanh có lý do để lo lắng, bởi một thỏa thuận thương mại phải có ít nhất hàng nghìn trang giấy, trong khi thỏa thuận giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc nằm vỏn vẹn trong 86 trang.  Cách đó mấy tháng, dự thảo thỏa thuận mà Trung Quốc đã thẳng thừng “quay mặt” cũng có số lượng lên tới 150 trang. Như vậy, dư luận hoàn toàn có căn cứ để nghi ngờ “sức mạnh” của thỏa thuận lần  này, khi đôi bên đều đang rất thận trọng. Người ta còn để ý rằng, Bộ Thương mại Trung Quốc khi nêu 6 ưu tiên của Bắc Kinh trong việc xử lý các tranh chấp thương mại Trung Quốc và Mỹ không có một đề cập nào về thỏa thuận.

Những toan tính đằng sau thỏa thuận thương mại Mỹ Trung

Thực tế cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung chỉ là “tảng băng nổi” trong mối quan hệ giữa hai đầu tàu kinh tế trên thế giới. Bất cứ cuộc chiến nào đều để lại “những vết thương” cho các bên tham gia. Cả Mỹ và Trung Quốc đều không muốn vì cuộc chiến này ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước, thậm chí ảnh hưởng rộng ra ngoài biên giới quốc gia. Theo Reuters, cuộc chiến thương mại kéo dài 16 tháng với Trung Quốc đã đẩy doanh nghiệp và nông dân Mỹ vào khủng hoảng, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như làm suy giảm các nền kinh tế trên toàn cầu.

Mỹ muốn nhân cơ hội này, thúc đẩy nền kinh tế Mỹ, làm “món quà” để khẳng định với cử tri Mỹ về khả năng vận hành nền kinh tế Mỹ.  Đây không chỉ là thế mạnh của bản thân Tổng thống D.Trump mà còn là “con bài chủ lực” của ông trong cuộc vận động tái tranh cử.  Một cựu quan chức Trung Quốc cho rằng những tuyên bố về thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mới đây của Mỹ chỉ cho thấy một Tổng thống Mỹ “thiếu kiên nhẫn, dường như ông  muốn làm điều gì đó để thể hiện sức mạnh của mình hơn”.

Trong khi đó, Bắc Kinh bộc lộ ý định của mình rằng họ muốn “câu giờ” để chờ xem liệu ông D.Trump có tái đắc cử nhiệm kỳ 2 hay không, sau đó mới  tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán về thỏa thuận thương mại giai đoạn 2. Khả năng có thêm đột phá  trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ là rất ít.

Nếu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, rất có khả năng một cuộc tấn công mới về thương mại sẽ được kích hoạt.  Điều này sẽ ảnh hưởng tới không chỉ Mỹ và Trung Quốc, mà sẽ kéo lùi tốc độ phát triển của nền kinh tế thế giới…


Trần Hải
Ý kiến của bạn