Khi niềm tin bị đánh cắp...

27-07-2018 22:58 | Thời sự
google news

SKĐS - Những hành vi gian lận có tính “hệ thống” ở Hà Giang, Sơn La và rất có thể là ở các địa phương khác đang khiến dư luận cả nước bất bình gay gắt.

Việc chính những người làm công tác chấm thi vào điểm sửa đến hàng trăm bài thi trong kỳ thi tuyển sinh vào đại học đã gần vượt quá ngưỡng chịu đựng. Niềm tin vào ngành giáo dục đang bị lung lay hơn lúc nào hết. Thêm một lần nữa làm dậy sóng những bất bình và bức xúc về thực trạng giáo dục nước nhà.

Thực tế, xã hội đã và đang tồn tại bất cập trong nhiều lĩnh vực chứ không riêng gì giáo dục. Tuy nhiên, trong đa số người dân, dù phải đối mặt với nhiều bất cập, có lẽ vẫn luôn tồn tại một niềm tin rằng, giáo dục là niềm hy vọng lớn nhất để xây dựng một xã hội văn minh hơn, tiến bộ hơn.

Chúng ta kỳ vọng giáo dục là nền tảng cho tương lai, là chiếc chìa khóa của hy vọng, mở ra một khả năng tươi sáng hơn cho thế hệ trẻ. Nhờ giáo dục, chúng ta có thể tạo ra những lớp người biết cống hiến, có trách nhiệm với xã hội, biết xấu hổ trước những việc làm sai trái và luôn kiên định vì lẽ phải. Hiện nay, rất nhiều gia đình tìm mọi cách đầu tư cho con cái có được môi trường học tập tốt hơn, tiến bộ hơn với mong muốn về một tương lai ổn định hơn. Đó là kỳ vọng thế hệ trẻ sẽ đóng vai trò vừa là tác nhân, vừa là đối tượng hưởng lợi từ những thay đổi nhằm hướng tới một xã hội giàu có về vật chất, có đời sống tinh thần tốt hơn, văn minh hơn... Xã hội ấy chỉ có thể đạt tới khi chúng ta đảm bảo được một nền giáo dục trong sạch, công bằng với triết lý giáo dục vì các giá trị của con người.

Xem xét các văn bản chỉ đạo và các động thái cải cách giáo dục thời gian qua có thể thấy ý tưởng của Bộ GD&ĐT muốn chọn “thi cử là khâu đột phá” cho cải cách. Rất nhiều người lo ngại chuyện “học gì thi nấy” cho nên rất đồng ý với phương án chọn thay đổi thi cử là giải pháp để tác động trở lại quá trình giáo dục với vô vàn yếu tố phức tạp.

Hiện tượng gian lận trong thi cử tại Hà Giang cho thấy, rất đông học sinh và gia đình đã tư duy “học để làm quan”. Đã gian lận lại muốn vào học các trường được bao cấp ăn ở, học phí hay các trường có khả năng cao có được việc làm có thu nhập tốt. Điều này đã phản ánh sự yếu kém trong triết lý giáo dục, không muốn học nhưng muốn hưởng.

Từ “hiện tượng Hà Giang”, không ít người đang lo lắng về văn hóa “chạy” đang len lỏi và tìm đất sống khá vững ở lĩnh vực giáo dục. Không biết từ khi nào người ta đã triệt để cái gọi là vận dụng quy luật kinh tế thị trường vào hoạt động giáo dục nước nhà vốn nhiều ưu việt một cách xô bồ và thực dụng đến thế? Người ta biến mọi khâu, mọi sản phẩm giáo dục thành thứ hàng hoá, quy tất tật thành tiền hoặc thứ ngang tiền. Chạy việc, chạy trường, chạy lớp, chạy thầy, chạy điểm... Chạy tín chỉ, bằng cấp, chạy học hàm học vị, chạy giải thưởng, danh hiệu thi đua... Chạy mở trường, mở khoa, chạy ghế này chức nọ... Từ thầy giáo, cô giáo, phụ huynh cho đến học sinh, sinh viên, có mấy ai không bị luật “chạy” chi phối? Có mấy ai quay lưng, nói “không” với thứ luật cộng sinh này? Một môi trường giáo dục kết thân với thứ “văn hoá chạy” sẽ khiến nền giáo dục nhiễu loạn, bất trắc, khó mà đến cái đích nhân văn, nhân bản cần đến và càng khó để kỳ vọng ở một tương lai tươi sáng hơn cho thế hệ trẻ.

Từ “hiện tượng Hà Giang” buộc những người làm giáo dục phải nhìn lại và nhận ra những lỗ hổng chết người cần phải bịt, phải trám trong thi cử nói riêng và giáo dục nói chung. Hầu hết trong số họ đều khẳng định cách thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đang vận hành có nhiều ưu điểm, chưa dễ gì thay thế trong bối cảnh hiện tại. Để hạn chế đến mức thấp nhất luật “chạy” và hội chứng “phi lý Hà Giang” có nguy cơ phá vỡ thành trì của giáo dục thì đừng đặt niềm tin tuyệt đối vào quy trình quy chế hiện hành; phải thay thế đối tượng coi thi, chấm thi, không phải từ địa phương và tổ chức chấm thi theo cụm; đồng thời bổ sung một vài chi tiết kỹ thuật nhằm bảo mật, ngăn ngừa gian lận... Lúc này cũng là cơ hội tốt nhất để ngành giáo dục thực sự ra tay trị căn bệnh gian lận trong thi cử và nạn chạy chọt, mua bán, gian dối đang có nguy cơ bùng phát trong mọi hoạt động giáo dục. Phải coi đây là nạn ăn cắp có tổ chức, một dạng tham ô tham nhũng nhưng mức độ nguy hại có khi còn hơn cả tham ô tham nhũng thông thường.

Niềm tin vào giáo dục của xã hội đang bị xói mòn và lung lay. Xin đừng làm nó lung lay thêm nữa...


MẠNH THẮNG
Ý kiến của bạn