Hà Nội

Khi những bức ảnh về chiến tranh Việt Nam “lên tiếng”

13-06-2015 09:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS -Những khoảnh khắc của chiến tranh Việt Nam đã được lưu lại dưới con mắt của hàng chục phóng viên chiến trường.

 

Phát biểu tại buổi khai trương triển lãm ảnh “Việt Nam- Cận cảnh cuộc chiến’, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Hãng thông tấn AP Gary Pruitt cho biết, các phóng viên AP bằng rất nhiều bài báo, bức ảnh, họ cho thế giới hiểu hơn về chiến tranh Việt Nam. Họ đã đưa tin một cách chân thực nhất về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Trong suốt lịch sử gần 170 năm, AP luôn giữ một sứ mạng thông tin cho thế giới. Hoạt động đưa tin của AP trong những năm chiến tranh đã đóng vai trò quan trọng trong việc đưa sự thật của cuộc chiến tới nhân dân Mỹ.

Những tác phẩm ảnh của nhiều phóng viên chiến trường của Hãng thông tấn AP đang được trưng bày tại Nhà Triển lãm 45 Tràng Tiền, Hà Nội sẽ nói lên tiếng nói từ quá khứ, về một cuộc chiến tranh khốc liệt ở Việt Nam. Đây được được coi là di sản ảnh vĩ đại nhất của thế kỷ 20 có mặt tại Hà Nội. Sau 40 năm, những bức ảnh của chiến tranh Việt Nam đã giúp tái hiện lại con người phía sau cuộc chiến.

Mỗi bức ảnh tự bản thân nó đã “kể”câu chuyện của riêng mình, mang lại những cảm xúc lắng đọng cho người xem về sự tàn khốc của chiến tranh. về những con người sống ở thời kỳ đó, một thời kỳ mà không người Việt Nam nào lãng quên.

Vài thập kỷ sau chiến tranh, nhân vật chính trong tác phẩm nổi tiếng thế giới “Em bé Napalm” vẫn còn ám ảnh bởi khoảnh khắc đó. Bức ảnh được phóng viên ảnh Nick Út- một người Mỹ gốc Việt chụp ngày 8/6/1972. Bức hình giúp nhà báo của AP giành giải thưởng Pulitzer danh giá trong lĩnh vực báo chí, năm 1973. Trong ảnh một số trẻ em vừa chạy vừa gào khóc kêu cứu sau một cuộc tấn công bằng bom Napalm của quân đội Mỹ. Em bé Kim Phúc (ở giữa) đã cởi quần áo bị cháy trong khi chạy trốn.

“Em bé Napalm” đã trở thành bức hình ám ảnh nhất về cuộc chiến tranh ở Việt Nam gây tiếng vang toàn thế giới. Tác giả tấm ảnh- phóng viên Nick Út tâm sự, sau khi bức ảnh được công bố, trở về Mỹ, tôi đã nhận được hàng nghìn tin nhắn. Khi đi ra ngoài đường, có rất nhiều người đã đến bắt tay, ôm chầm lấy tôi khóc và cảm ơn, họ bảo rằng bức ảnh đó đã đem lại hòa bình cho thế giới. Những người Mỹ đã được trở về và không phải đi lính.

Hay bức ảnh của phóng viên Sal Veder kể về câu chuyện của Trung tá Robert L.Stirm được trở về đoàn tụ với gia đình sau 5 năm rưỡi bị bắt làm tù binh chiến tranh. Bức ảnh này cũng giành giải Pulitzer cho thể loại ảnh phóng sự năm 1975. Nó mô tả niềm vui, hạnh phúc tột cùng khi các tù binh chiến tranh được thả. Nhưng đằng sau nỗi vui mừng đoàn tụ là một sự chia ly mãi mãi, một vết thương không bao giờ lành do chiến tranh để lại. Đó là do người vợ đã đệ đơn ly hôn với trung tá Robert.

Dưới làn đạn bắn tỉa, một phụ nữ Việt Nam bế đứa trẻ đến nơi trú ẩn trong khi Thủy quân lục chiến Mỹ đang tấn công làng Mỹ Sơn, gần Đà Nẵng để tìm quân giải phóng. Đây là tác phẩm của nhà báo Eddie Adams.

Ông Mai Đình Lập, ở Ô Chợ Dừa, Hà Nội - một cựu chiến binh Việt Nam chăm chú theo dõi các tác phẩm, cho biết: “Xem những tác phẩm này khiến tôi nhớ về những ngày chiến tranh ở Việt Nam. Tôi cho rằng ý tưởng mở một cuộc triển lãm ảnh về chiến tranh rất hay, nhắc nhở chúng ta về thời kỳ đau thương và hào hùng của dân tộc.”

Sự tàn khốc của cuộc chiến bao trùm lên không chỉ không gian, thời gian, hoàn cảnh mà hơn hết là con người, ở cả 2 chiến tuyến. Gây ra sự ám ảnh khá lớn trong các bức ảnh được trưng bày phải kể đến bức ảnh của tác giả Malcolin Browne chụp tại Sài Gòn ngày 11/6/1963. Đây là hình ảnh vụ tự thiêu đầu tiên trong hàng loạt vụ tự thiêu sau này của các nhà sư ở miền Nam. Nhà sư Thích Quảng Đức tự tiêu trên một con phố Sài Gòn để phản đối sự đàn áp Phật giáo của Chính quyền Việt Nam Công hòa. Bức ảnh đã tạo nên một làn sóng phẫn nộ trên toàn thế giới và chính bức hình này đã tới tận Phòng Bầu dục của Tổng thống Mỹ Kenedy lúc đó đã đích thân xem bức hình và đặt lên bàn làm việc của mình.

Các cuộc biểu tình phản đối lan rộng khắp miền Nam, bức hình ghi lại các nhà sư, phụ nữ kéo hàng rào dây thép gai được dựng lên trước cửa chùa Giác Minh để ngăn chặn biểu tình.

Máy bay trực thăng Mỹ bay phía trên bắn súng máy vào các hàng cây yểm trợ cho lính bộ binh Nam Việt Nam khi họ tấn công quân giải phóng miền Nam Việt Nam cách Tây Ninh 28 km về phía Bắc, gần biên giới Campuchia tháng 3-1965.

58 bức ảnh là 58 câu chuyện về nhiều khía cạnh của cuộc chiến tranh ở Việt Nam thông qua các nhà báo của hãng thông tấn Mỹ. Nó được xem là những tư liệu quý, vô cùng chân thực và sống động, một bộ mặt lôt tả sự tàn khốc, đau thương của chiến tranh ở Việt Nam.

Hải Yến

 

 


Ý kiến của bạn