Khi những bộ phim... lạc lối

16-09-2015 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Có thể thấy, bức tranh tổng thể phim Việt ngày càng khởi sắc vì không ít tác phẩm ra đời thời gian qua đậm tính nhân văn, giàu bản sắc văn hóa…

Có thể thấy, bức tranh tổng thể phim Việt ngày càng khởi sắc vì không ít tác phẩm ra đời thời gian qua đậm tính nhân văn, giàu bản sắc văn hóa…đã được công chúng đón nhận. Nhưng gần đây, một số người trẻ đã sản xuất tác phẩm vô bổ và cả vô nhân đạo rồi tung lên mạng khiến dư luận rất bức xúc, cơ quan chức năng phải nhập cuộc xử lý quyết liệt.

Từ nhảm nhí đến vô tâm

Ngược dòng thời gian, trong năm 2014 có “bom tấn” Căn hộ 69 và mới nhất, đầu tháng 8/2015 là phim ngắn Vụ thảm sát số 6. Cả hai bộ phim này đều được dư luận nhận định vô bổ, cổ súy cho lối sống trụy lạc của giới trẻ; có tính chất bạo lực, tàn ác, chà đạp lên nỗi đau thương mất mát của người khác. Thậm chí, nếu nhìn xa hơn, những bộ phim này đã xúc phạm giới làm nghề có tâm, có tầm ở nước ta.

Khi những bộ phim... lạc lối

Căn hộ 69 - bộ phim nhảm nhí, thô thiển... đã bị cơ quan chức năng “tuýt còi” thời gian qua.

Căn hộ 69 (Nguyễn Thành Nam là nhà sản xuất, dự kiến 25 tập) được “lên sóng” Youtube giữa năm 2014 với những lời giới thiệu, hình ảnh úp mở tạo nhiều sự tò mò với cư dân mạng. Nhưng khi mới xem hết phần 1, công chúng ngã ngửa vì Căn hộ 69 “treo đầu dê bán thịt chó”. Phim có những câu thoại dung tục, góc quay gợi dục, diễn viên ăn mặc thiếu vải... Đỉnh điểm phi nghệ thuật ở Căn hộ 69 là cảnh quay một thanh niên “tự sướng” trên ghế sofa và ở cả khu vực bến xe bus vốn là nơi công cộng. Sự nhố nhăng khi diễn viên nữ trong phim nhìn xuống ngực rồi khi thốt lên: “Nóng thế này thì làm sao mà con phát triển được, phải cởi ra (cởi áo ngực - PV)”... Dĩ nhiên, với những hình ảnh, lời thoại thô thiển, nhảm nhí, Căn hộ 69 đã bị công chúng tẩy chay.

Gây ra làn sóng bức xúc trong dư luận thời gian gần đây là phim ngắn Vụ thảm sát số 6. Bộ phim này đã được đưa lên Youtube, sau đó được lan truyền tại nhiều trang web. Xem xong bộ phim này, bao trùm là sự phẫn nộ của khán giả đối với những người đã mượn danh làm nghệ thuật để gợi lại nỗi đau thương, mất mát của đồng loại vừa phải trải qua. Theo đó, Vụ thảm sát số 6 đã tái hiện toàn bộ, chi tiết vụ án rúng động đã xảy ra trên địa bàn tỉnh Bình Phước thời gian qua. Bộ phim có các hình ảnh, bối cảnh với một số điểm tương tự với hiện trường xảy ra vụ án; tên các nhân vật trong phim giống với tên bị can và tên các nạn nhân trong vụ án ở tỉnh Bình Phước. Nhìn tổng thể, phim ngắn này có nội dung phản ánh vụ án thiếu khách quan, không trung thực và theo lối suy diễn chủ quan của người viết kịch bản và đạo diễn. Hình ảnh trong phim đầy tính bạo lực và hoàn toàn không có giá trị tuyên truyền, răn đe, giáo dục. Bởi thế, Vụ thảm án số 6 đã tạo tâm lý bất an, lo sợ trong cộng đồng, gây phẫn nộ và chạm vào nỗi buồn tang tóc của gia đình nạn nhân vụ án ở Bình Phước. Bởi vì thế, lẽ đương nhiên nó đi ngược lại các giá trị, tôn chỉ mục đích của một tác phẩm điện ảnh đích thực.

Giá đắt phải trả

Rõ ràng, Căn hộ 69 và Vụ thảm án số 6 là những bộ phim bị “lỗi”, thậm chí mắc lỗi rất nặng cả về phương thức phát hành lẫn giá trị nội dung, nghệ thuật và tư tưởng. Bởi thế, vào đầu tháng 9/2014, Thanh tra Bộ VH-TT&DL đã xử phạt hành chính mức cao nhất 10 triệu đồng đối với nhà sản xuất Căn hộ 69 theo “Khoản 3 Điều 6 thuộc Nghị định 158/ NĐ- CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo”. Cơ quan chức năng cũng yêu cầu nhà sản xuất Căn hộ 69 ngừng thực hiện các phần tiếp theo và gỡ bỏ toàn bộ tập phim Căn hộ 69 đã được đưa lên mạng thời gian trước đó. Dĩ nhiên, phía vi phạm đã thừa nhận lỗi và thực hiện nghiêm túc quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Kể từ đó, Căn hộ 69 chính thức “biến mất” khỏi các trang mạng.

Đối với Vụ thảm án số 6, ngay sau khi có phản ánh từ dư luận và báo chí, các cơ quan chức năng đã lập tức nhập cuộc xử lý. Giữa tháng 8/2015, Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT&DL) và Hội đồng trung ương thẩm định phim truyện đã tổ chức thẩm định clip Vụ thảm sát số 6. Các thành viên trong cuộc thẩm định Vụ thảm sát số 6 cho rằng đây là một phim truyện ngắn. Vì lẽ, phim được thực hiện với đầy đủ các thành phần: biên kịch, đạo diễn, quay phim, diễn viên... Về nội dung, hội đồng thẩm định đánh giá Vụ thảm sát số 6 mô phỏng vụ án ở Bình Phước một cách thô thiển, phản cảm, các nhân vật trong phim thể hiện những hành vi giết người bạo lực, vô nhân tính, tàn ác, có tính chất kích động bạo lực. Phim ngắn Vụ thảm sát số 6 đã vi phạm Luật Điện ảnh, do đó cấm phổ biến dưới mọi hình thức. Đặc biệt, Cục Điện ảnh đề nghị các cơ quan chức năng xử lý những người làm phim theo quy định của pháp luật trong quá trình sản xuất và phổ biến phim.

Từ những đánh giá và nhận định trên từ các cơ quan chuyên môn với Vụ thảm sát số 6, Thanh tra Bộ VH-TT&DL đã ra quyết định xử phạt hành chính 25 triệu đồng đối với trang mạng http://lifetv.vn vì đã đăng tải phim ngắn này. Mức xử phạt căn cứ theo quy định tại điều 6, Nghị định 158 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Ngoài việc nộp phạt hành chính, đơn vị chủ quản trang mạng trên phải gỡ bỏ phim khỏi hệ thống. Từ đó đến nay, Vụ thảm sát số 6 đã vĩnh viễn “một đi không trở lại”.

Và như vậy, một bộ phận người trẻ muốn làm phim, với bất kỳ mục đích gì thì điều kiện cần và đủ phải có tài năng, đặc biệt phải có ý thức và trách nhiệm công dân với đất nước để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật có giá trị thật sự.

Hoa Quỳnh

Chuyện về nữ bác sĩ vùng Ðồng Tháp Mười Chuyện về nữ bác sĩ vùng Ðồng Tháp MườiẢnh cưới hiếm hoi thuở xưa của các diễn viên gạo cội Ảnh cưới hiếm hoi thuở xưa của các diễn viên gạo cộiKhánh Ly: 'Chẳng ai vỗ ngực khoe khoang mình có 3 ông chồng' Khánh Ly: "Chẳng ai vỗ ngực khoe khoang mình có 3 ông chồng"

 


Ý kiến của bạn
Tags: