Khi nhắc đến jazz, mọi người thường hình dung ra hình ảnh những nghệ sĩ bụi bặm lãng tử, đầy ngẫu hứng, phiêu linh. Nhưng khi được xem, được nghe những buổi hòa nhạc có sự kết hợp giữa jazz và dàn nhạc giao hưởng, mọi người mới ngỡ ngàng trước sự kết hợp giữa dòng nhạc hàn lâm đậm chất bác học với dòng nhạc jazz mang đậm chất ngẫu hứng và nhịp chơi.
Trong 2 đêm diễn 26 - 27/2, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, sự kết hợp này đã tạo được dấu ấn hết sức bất ngờ, tạo nên thứ âm nhạc vô cùng độc đáo, phóng khoáng, say mê, đầy xúc cảm ấn tượng khiến cho nhạc jazz càng trở nên gần gũi hơn với mọi người. Sự kết hợp ấy giống như một "cô nàng quý tộc" (giao hưởng thính phòng) kiêu sa, sang trọng, mà cũng kiêu ngạo, khó gần, phải lòng một "anh chàng thường dân" (jazz) lãng tử, luôn tưng tửng, khùng khùng, bất cần đến dễ ghét. Và họ trở thành một cặp đôi hoàn hảo. Họ yêu nhau bằng cả trái tim, rất nồng nàn và da diết. Đó là một tình yêu đẹp lãng mạn mà ai cũng khát khao được trải qua một lần trong đời.
Nhạc jazz kết hợp cùng Dàn nhạc giao hưởng.
Các nghệ sĩ dù là những con người đến từ hai đất nước với ngôn ngữ và tập tục khác nhau, nhưng khi cùng biểu diễn trên sân khấu, cùng hòa mình vào âm nhạc, dường như không còn gì khác biệt, ngăn cản giữa họ nữa, họ trở nên gắn kết, hiểu nhau hơn, hòa trộn cảm xúc vào nhau, biểu diễn hết sức ăn ý và say mê.
Điều đó những khán giả yêu âm nhạc Việt Nam đã được chứng kiến và thẩm thấu qua phần biểu diễn của Nhóm Trống cơm thuộc Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam (VNSO), các nghệ sĩ jazz saxophone nổi tiếng của Việt Nam: Quyền Văn Minh, Quyền Thiện Đắc, Nguyễn Bảo Long, nghệ sĩ sáo trúc Đồng Quang Vinh và các nghệ sĩ của VNSO, chỉ huy chương trình là Nhạc trưởng người Nhật Bản: Tetsuji Honna. Buổi hòa nhạc có sự góp mặt của vị khách mời đặc biệt: nghệ sĩ piano nhạc jazz hàng đầu Nhật Bản đồng thời cũng là người thành lập Nhóm New York Trio từng giành nhiều giải thưởng quốc tế - ông Yamashita Yosuke. Nghệ sĩ Yosuke năm nay đã 72 tuổi và đay cũng là buổi biểu diễn cuối cùng của ông tại Việt Nam. Trong một ngày mưa gió của Hà Nội, khán giả trong khán phòng Nhà hát Lớn vẫn chật cứng người. Như vậy có thể thấy nhạc jazz đã trở nên gần gũi, thân thiện hơn với khán giả Việt Nam rất nhiều. Đó là một tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển của nền nhạc jazz Việt Nam.
Tác phẩm hàn lâm và phức tạp nhất của buổi biểu diễn là bản giao hưởng Rhapsody in Blue của nhà soạn nhạc người Mỹ – George Gershwin với thời lượng gần 30 phút. Đây là một trong số ít tác phẩm nhạc cổ điển trong kho tàng âm nhạc thế giới hòa trộn thành công với phong cách nhạc jazz. Nghệ sĩ Yosuke đã thực sự tỏa sáng trong tác phẩm này với màn solo thể hiện đẳng cấp nghệ sĩ tầm cỡ quốc tế với các kỹ thuật phức tạp. Cả khán phòng gần như ngộp thở, trầm trồ trước tài năng của các nghệ sĩ Nhật Bản và Việt Nam cũng như các nghệ sĩ trong dàn nhạc.
Một bản nhạc rất nổi tiếng tại Mỹ những năm 1940 là Take the a train. Những ai là tín đồ nhạc jazz thì đều không xa lạ gì với bản nhạc mang màu sắc của jazz swing này. Sự kết hợp hết sức ăn ý của nghệ sĩ nhạc jazz Nhật Bản và các nghệ sĩ jazz Việt Nam cùng phần đệm của dàn nhạc với phong cách bùng nổ đã khiến cho khán giả vô cùng thích thú và thán phục.
Kết thúc chương trình là bản swing với tiết tấu nhanh và vui tươi. Cả khán phòng như vỡ òa khi tất cả nghệ sĩ, nhạc công cùng nhau đứng dậy và chơi hết mình.
Họ - những nghệ sĩ đã thực sự làm sống động tinh thần jazz!