Khi người trẻ hát nhạc đỏ

01-05-2015 07:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Dòng nhạc cách mạng (còn được gọi nhạc đỏ) với những sáng tác trong thời kỳ đất nước còn chiến tranh, tưởng rằng chỉ “sống khỏe” theo giai đoạn lịch sử

Dòng nhạc cách mạng (còn được gọi nhạc đỏ) với những sáng tác trong thời kỳ đất nước còn chiến tranh, tưởng rằng chỉ “sống khỏe” theo giai đoạn lịch sử, sau đó rơi vào quên lãng. Nhưng thực tế đã cho thấy điều ngược lại, vì đến hôm nay, dòng nhạc cách mạng có vương chút bụi thời gian nhưng vẫn đang tỏa đi muôn nơi, xuất hiện trong nhiều hoạt động đời sống xã hội và sống trong lòng các thế hệ...

Các ca khúc nhạc cách mạng ra đời có mục đích cổ vũ tinh thần chiến đấu của chiến sĩ, phục vụ kháng chiến, khuyến khích tình yêu lý tưởng cộng sản, lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Trong kho tàng nhạc cách mạng Việt Nam đầy ắp những ca khúc trữ tình thể hiện tình yêu quê hương, đất nước hoặc cổ vũ lao động, tinh thần lạc quan...

Ca khúc Nhạc rừng của nhạc sĩ Hoàng Việt được làm mới phần hòa âm từ ca sĩ - nhạc sĩ trẻ Lê Cát Trọng Lý cùng giọng ca ngọt ngào của ca sĩ Hiền Thục.

Trong chiến tranh, các nghệ sĩ, chiến sĩ, nhân dân thuộc mọi thành phần xã hội thường hát nhạc cách mạng cũng là điều dễ hiểu, bởi thời kỳ đó dòng nhạc này phổ biến và được xem như “liều thuốc tinh thần” hay “vũ khí đấu tranh”. Nhưng, thời đại mới như hôm nay, việc các ca khúc cách mạng được giới trẻ - thế hệ đang chịu sự bủa vây của nhiều loại hình nghệ thuật mới lạ và độc đáo (lẫn độc hại)... đón nhận thì đã chứng minh: dòng nhạc cách mạng luôn có một chỗ đứng vững chắc trong lòng người yêu nhạc.

Làng nhạc Việt hiện nay đa dạng về thể loại như K-pop, hiphop, country, rock, ballad. Dù vậy không ít ca sĩ trẻ đã và đang bền bỉ, âm thầm theo đuổi, bỏ ngoài tai những lời xì xào bàn tán “nhạc cách mạng đã lỗi thời” để hát những ca khúc cách mạng. Nam ca sĩ trẻ Đức Tuấn là một điển hình. Kỷ niệm 15 năm nghiệp ca hát, tháng 4/2015, anh ra mắt album Những bài ca không quên với nhiều ca khúc vượt thời gian Lời người ra đi, Bà mẹ Gio Linh, Tình ca, Câu hò bên bến Hiền Lương, Lá đỏ, Tự nguyện, Bài ca không quên... Bên cạnh đó, ca sĩ trẻ sở hữu chất giọng mượt mà, ấm áp cũng từng gây chú ý với công chúng khi tìm đến dòng nhạc cách mạng, đó là Cẩm Ly với Qua sông, Cô gái mở đường, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Anh Ba Hưng, Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long... Hoặc Đan Trường - nam ca sĩ điển trai có chất giọng ngọt ngào đậm chất Nam Bộ từng đốn tim khán giả, để lại nhiều ấn tượng với Lá đỏ, Tình đồng chí, Anh Ba Khía...

Quan sát đời sống âm nhạc Việt nhiều năm trở lại đây, không thể phủ nhận dòng nhạc truyền thống cách mạng đã có sắc thái mới (nhưng giá trị và ý nghĩa bất di bất dịch) lan tỏa rộng khắp, có sự góp sức từ những giọng ca thể loại nhạc pop hàng đầu ở nước ta. Mỹ Tâm - nữ ca sĩ được gắn mác với bài hát nằm lòng khán giả trẻ Họa mi tóc nâu, đã rất sâu sắc, lắng đọng với Biển hát chiều nay. Hoặc người yêu nhạc từng được thưởng thức Lên ngàn qua phần thể hiện đắm đuối của nữ ca sĩ Hồ Quỳnh Hương; hay Trần Thu Hà dạt dào với Bài ca hy vọng. Những ca sĩ trẻ vốn được biết đến với sự năng động, dồi dào sức sáng tạo trong âm nhạc đã thể hiện các ca khúc nhạc truyền thống cách mạng, theo thời gian đã tạo nên sự hứng khởi nhất định cho công chúng yêu nhạc.

Đáng chú ý, dòng nhạc cách mạng còn hấp dẫn cả các... em nhỏ tại một số cuộc thi âm nhạc gần đây. Khán giả cuộc thi Giọng hát Việt Nhí 2014 hẳn còn nhớ cô bé Thiện Nhân (sau này là quán quân) say sưa hát và hát rất tình cảm, ngọt ngào, tràn đầy cảm xúc Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Đất nước lời ru. Cũng ở cuộc thi này, bé trai Mai Chí Công cũng đầy “bản lĩnh” khi thể hiện ca khúc cách mạng là “đỉnh cao nhất của nhạc kháng chiến nói riêng, của tân nhạc Việt Nam nói chung” -  nhạc phẩm Trường ca sông Lô (Văn Cao). Khá bất ngờ, dù tuổi nhỏ nhưng Mai Chí Công vẫn thể hiện được chất mạnh khỏe, tươi sáng của bản trường ca này.

Cũng rất đáng mừng khi dòng nhạc truyền thống cách mạng đang ngày một thịnh hành vì nhiều chương trình âm nhạc cách mạng được mở ra. Đài truyền hình Việt Nam là đơn vị tiêu biểu nhất, trong năm 2014 (cũng như thực tại) đơn vị này đã thực hiện 2 chương trình: Giai điệu tự hào và Những bài hát còn xanh với việc giới thiệu những ca khúc truyền thống cách mạng quen thuộc của nhiều thế hệ. Điều đặc biệt ở hai chương trình này, các ca khúc truyền thống cách mạng được làm sống lại qua phần thể hiện của ca sĩ trẻ hôm nay. Mỗi ca khúc, tiếng hát của ca sĩ trong các chương trình vang lên đều khiến khán thính giả chăm chú theo dõi, lắng nghe vì những âm hưởng da diết, tình cảm, hào hùng... Không ít ca khúc tại Giai điệu tự hào đã khiến khán giả rơi lệ vì nhạc phẩm truyền thống cách mạng chạm vào trái tim mọi người vì phần hòa âm mới, cách bài trí sân khấu... tái hiện bối cảnh, không gian lịch sử một thời đầy chân thực.

Dòng nhạc cách mạng còn sống mãi với thời gian bởi không ít người trẻ thể hiện rõ niềm đam mê với loại nhạc này. Nam ca sĩ trẻ Đăng Khôi bộc bạch, các ca khúc cách mạng chính là sự truyền thừa tinh thần bất khuất, những câu chuyện lịch sử, những tinh hoa của dân tộc Việt Nam. Đó chính là món quà thời gian mà cha ông để lại cho các thế hệ sau. Nữ ca sĩ Trang Pháp, người thể hiện ca khúc Quê hương tình yêu và đất nước trong một chương trình ca nhạc gần đây cũng muốn truyền tải tới khán giả những thông điệp về tình yêu quê hương, đất nước trong bối cảnh xã hội phát triển nhanh và sự quan tâm về lịch sử của giới trẻ ngày càng ít dần. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng khi ra mắt album nhạc cách mạng Chiếc vòng cầu hôn cũng mong muốn sẽ làm các khán giả trẻ cảm nhận, trân trọng và biết ơn sự hy sinh xương máu của những người đã ngã xuống để bảo vệ cho độc lập, tự do của dân tộc...

Những tâm tư, tình cảm của các ca sĩ trẻ (và nhiều ca sĩ khác) đối với nhạc cách mạng, đã khẳng định dòng nhạc cách mạng luôn tươi mới, dễ đi vào lòng người. Ở các sáng tác của dòng nhạc cách mạng có điều đặc biệt là giai điệu lẫn ca từ luôn đẹp đúng nghĩa chứ không nhạt nhòa, thậm chí nhố nhăng như một số sáng tác hiện nay. Xin trích câu hát trong nhạc phẩm Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long (sáng tác Huỳnh Thơ) để chứng minh rằng những giai điệu, ca từ của nhạc cách mạng luôn có sức tạo hình, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, giáo dục tinh thần yêu quê hương, đất nước đối với các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay: “...Sóng Cửu Long đã trào lên dâng khắp nơi nơi, nối tiếp nhau làng quê nổi dậy, đồn giặc tan thắm lại màu xanh trên cánh đồng rộn vang tiếng chim ca... Đời tự do có gì đẹp hơn, sông núi này thề giữ đến cùng...!”.

 Lê Tường Vi

 

 


Ý kiến của bạn