Sa Pa (Lào Cai) những năm gần đây, trên con đường đến với bản du lịch Cát Cát là ngập tràn hình ảnh của những bộ cổ phục từ các vùng lãnh thổ khác. Diện trang phục Tây Tạng, Mông Cổ, Thái Lan... đã trở thành trào lưu với một bộ phận giới trẻ khi tới các điểm du lịch của Sa Pa.
Con đường nối đến bản du lịch Cát Cát dài chừng 1 cây số đã có gần 20 cửa hàng cho thuê trang phục. Mức giá cho thuê một bộ trang phục Tây Tạng hay Thái Lan... dao động từ 150.000 đồng đến 400.000 đồng/bộ, tùy theo nhu cầu của du khách.
Kèm theo đó là các dịch vụ trang điểm, làm tóc để giống phụ nữ Mông Cổ, Tây Tạng cũng xuất hiện để đáp ứng nhu cầu của du khách.
Các chủ cửa hàng cho thuê trang phục tại đây khi hỏi đều không xác định được rõ nguồn gốc xuất xứ của những trang phục này.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Sơn Bình - Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao tỉnh Lào Cai cho hay: "Sở cũng đã nhiều lần tuyên truyền, tuy nhiên, việc quản lý cũng rất khó bởi chưa có quy định hay điều luật nào cả, Sở cũng đã có văn bản nhắc nhở đơn vị quản lý du lịch tại Cát Cát".
Tại Hà Giang, sau sự việc khách du lịch trải nghiệm khu du lịch sông Nho Quế mặc trang phục Tây Tạng, Mông Cổ gây hiểu nhầm về định danh du lịch với khách nước ngoài, Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang đã phải vào cuộc kiểm tra, chấn chỉnh.
Ngành VHTTDL tỉnh Hà Giang cũng chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, định hướng tới những hộ kinh doanh dịch vụ cho thuê trang phục đề nghị không cho thuê trang phục cổ trang, trang phục nước khác mà tập trung vào trang phục các dân tộc của tỉnh Hà Giang.
"Trước đây, một số hộ kinh doanh do nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang nên chưa quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, khi được tuyên truyền, họ rất vui vẻ hưởng ứng chủ trương chỉ cho thuê trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc Việt Nam và tỉnh Hà Giang", Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Hà Giang Triệu Thị Tình chia sẻ.
Theo các chuyên gia văn hóa, việc mặc trang phục khi đi du lịch là hoàn toàn tự do, nhưng khi cơ quan chức năng không có những phương pháp quản lý phù hợp, những trang phục nước ngoài sẽ xuất hiện ngập tràn.
Khi chúng trở thành trào lưu sẽ phần nào làm giảm sức tiêu thụ của thổ cẩm địa phương, những giá trị truyền thống đã có từ lâu đời thậm chí làm mất đi định danh du lịch.
Do vậy, chính quyền địa phương cũng như các cơ quan truyền thông cần tích cực tuyên truyền, giúp nâng cao ý thức bảo vệ những nét văn hoá, trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam.