Khi người Mông vượt qua hủ tục

08-07-2009 20:10 | Thời sự
google news

Được chăm sóc sức khỏe sinh sản, được tiếp cận các dịch vụ KHHGĐ là mong mỏi của nhiều phụ nữ. Đối với đồng bào người dân tộc,

Được chăm sóc sức khỏe sinh sản, được tiếp cận các dịch vụ KHHGĐ là mong mỏi của nhiều phụ nữ. Đối với đồng bào người dân tộc, việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ khi có thai tưởng chừng như đơn giản nhưng lại vấp phải hủ tục và thói quen. Được sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, thời gian qua, Bộ Y tế đã có nhiều chương trình truyền thông vận động đồng bào dân tộc ít người bỏ hủ tục để được chăm sóc sức khỏe tại cơ sở y tế.

"Mình tin cán bộ y tế rồi"

13 năm trước đây, khi chị Khà Y Khua sinh đứa con đầu lòng thì người Mông còn chưa quen với việc sinh đẻ tại các cơ sở y tế, thậm chí còn coi đó là việc rất không bình thường. Sống ở những vùng sâu, vùng xa, người Mông được biết đến với tập quán văn hóa lâu đời như việc sinh đẻ tại nhà do người nhà đỡ đẻ. Mặc dù tập quán này vẫn còn tồn tại ở một vài bản hẻo lánh nhất ở xã Hang Kia và một số địa phương vùng sâu, vùng xa khác, nhưng những thay đổi đang bắt đầu diễn ra ở Hòa Bình. Ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Bệnh viện huyện Mai Châu, Hòa Bình cho biết: "Trước những năm 1990, phụ nữ Mông hầu như không sinh đẻ tại trạm y tế". Chị Khà Y Khua cũng kể: "Mẹ tôi sinh tôi tại nhà vì khi đó trong xã chưa có trạm y tế. Bây giờ chúng tôi rất tin tưởng các cán bộ y tế, nhưng trước đây họ phải xử lý nhiều trường hợp biến chứng". Lần đầu tiên tôi được nghe về sức khỏe bà mẹ là qua đài truyền thanh phát thông tin về các dịch vụ được cung cấp tại trạm y tế như tiêm chủng và khám trước sinh" - chị Khà Y Khua nhớ lại. Sau đó, khi có thai, chị đã quyết định đến khám tại trạm y tế. "Rất may là tôi không có vấn đề gì, nhưng tôi được dặn là nếu thấy có triệu chứng như đau bụng hay ra máu thì phải tới trạm y tế để chữa trị. Hôm đó tôi thấy đau bụng và tới trạm y tế thì mới biết là mình bắt đầu chuyển dạ".

 Chị Khà Y Khua đã đến bệnh viện sinh con nhờ được truyền thông về sức khỏe sinh sản.

Nhờ các chiến dịch nâng cao nhận thức về sức khỏe bà mẹ thường xuyên được triển khai, số phụ nữ được tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản đã tăng dần lên qua các năm. Thêm vào đó, những nỗ lực chung giữa Bộ Y tế và các cơ quan Liên hợp quốc như Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) với mục tiêu đảm bảo tất cả các ca sinh đẻ đều có sự hỗ trợ bởi nhân viên y tế có kỹ năng đã đem lại kết quả, góp phần giảm đáng kể tỷ suất chết ở bà mẹ và trẻ sơ sinh. Chẳng hạn như ở Hang Kia, theo các cán bộ y tế cho biết, từ năm 2003 đến nay chưa xảy ra trường hợp tử vong bà mẹ nào.

Truyền thông cộng đồng tạo ra chuyển biến

 Phần lớn người dân tộc Mông không biết đọc, biết viết chữ phổ thông. Do rào cản ngôn ngữ nên quan hệ xã hội của họ với bên ngoài rất hạn chế. Vì thế, việc tiếp cận họ, đặc biệt là về các vấn đề nhạy cảm như sức khỏe sinh sản rất khó khăn. Y sĩ Vàng A Mua, Trạm trưởng trạm y tế xã Hang Kia nhận xét: "So với người dân ở những xã khác, hiểu biết của người Mông về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản hạn chế hơn. Song so với trước đây thì đã có tiến bộ. Y sĩ Mua còn cho biết: "Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành khác để chuyển tải thông tin và các thông điệp đến với đội ngũ lãnh đạo xã nhằm tăng cường kiến thức, thay đổi hành vi và tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản. Chúng tôi hiện đang xây dựng một mạng lưới những người tham gia thực hiện các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi trong cộng đồng. Hàng tháng, các cán bộ y tế đến thăm từng hộ gia đình để phân phát tài liệu thông tin, giáo dục, truyền thông và tổ chức họp với dân bản để tuyên truyền về các vấn đề sức khỏe sinh sản". Các hoạt động truyền thông được tổ chức tại xã đã góp phần giúp chị Khua nâng cao kiến thức. Chị cho biết: "Tôi đã hiểu ra rằng, đến khám tại trạm y tế là rất quan trọng trong 3 tháng đầu để biết chắc chắn mình đã có thai và ngay sau đó để theo dõi sự phát triển của em bé và vị trí của thai nhi. Thêm vào đó, trong những lần khám trước sinh, các nhân viên y tế còn cho tôi những lời khuyên để tăng cường sức khỏe của mình khi mang thai". Cách đây  3 năm, khi chị Khua có thai lần thứ hai, chị đã hoàn toàn không còn nghi ngại nào nữa. Chị muốn có sự chăm sóc tốt nhất cho đứa con của chị và cho bản thân. Chị cho biết, lần đó được một nữ hộ sinh đỡ đẻ và cảm thấy thoải mái hơn vì có một cán bộ nữ cung cấp các dịch vụ tại trạm y tế. Chị Khua còn vừa cười vừa giải thích rằng: "Nhìn chung phụ nữ Mông muốn người đỡ đẻ cho mình cũng là phụ nữ. Nếu cán bộ y tế là nam giới, họ sẽ cảm thấy ngại ngùng hơn".

Nguyễn Thanh (UNFPA)


Ý kiến của bạn