Khi ngôi nhà được xây từ móng...

02-01-2019 3:29 PM | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - “Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc” - câu nói đầy ám ảnh của cựu HLV Alfred Riedl có lẽ đã đến lúc chính thức được tháo xuống và treo trong bảo tàng ký ức...

Đội tuyển Việt Nam lên ngôi tại AFF Suzuki Cup 2018, sau 10 năm, cả nước mới lại có một đêm không ngủ thực sự. Tuy nhiên, nếu đặt lên bàn cân của chiến thắng ở Mỹ Đình và vinh quang 10 năm trước, cũng ở Mỹ Đình, có một sự khác biệt thực sự lớn. Thế hệ của những Công Vinh, Minh Phương, Quang Hải, Việt Thắng, Tài Em... 10 năm trước được nhìn nhận với vị thế “cửa dưới” so với Thái Lan - đối thủ trong trận chung kết. Ngày nay, với một Quang Hải khác, bên cạnh Ngọc Hải, Đình trọng, Văn Hậu, Hùng Dũng, Văn Đức, Công Phượng, Anh Đức... ĐT Việt Nam chinh phục giải đấu với tư cách của đội “cửa trên”. Nói cách khác, so vị thế của chính ĐT Việt Nam giữa 2 thời kỳ, đó là sự khác biệt. “Cửa trên” hay “cửa dưới” trong một trận đấu bóng đá không đơn thuần chỉ là chuyện kẻ nào cầm nhiều bóng hơn, mạnh mẽ hơn, áp đảo hơn. Thay vào đó, sự phân định được nhìn nhận trong cách lựa chọn chiến thuật, cách nhập cuộc, cách đối đầu với sức ép, cách phản ứng với những khó khăn, cách biến cơ hội thành lợi thế cho mình. Ở đây, với những yếu tố đó, đội hình trong tay HLV Park Hang-seo hiếm khi đem lại cảm giác lo lắng, bất an. Ngược lại, đó là sự đĩnh đạc, bản lĩnh đến kinh ngạc của các cầu thủ còn rất trẻ, là nỗ lực không thể tin được của các đàn anh đã có tuổi. Trên suốt cả hành trình chinh phục, ở đội tuyển Việt Nam là sự hợp lý - có thể không đến độ hoàn hảo nhưng đủ để ở mức xuất sắc. Hãy nhớ lại những lần bước ra sân là mái đầu ngẩng cao đầy kiêu hãnh, là những ánh mắt chất chứa quyết tâm chứ không phải sự e dè, lo âu hay sự thu mình trước sức ép ngàn cân. Với thế hệ cầu thủ này, nhìn về tương lai của bóng đá Việt Nam là một sự lạc quan, tươi sáng và đầy phấn khích. Và với thành công của thế hệ cầu thủ này, tất cả cần được nhắc nhớ một điều, việc xây dựng cần có nền tảng và sự kiên nhẫn theo thời gian. Bóng đá Việt Nam đang có các dấu mốc 10 năm rất đáng chú ý, bởi lùi về năm 1998, chúng ta có vị trí á quân ở Tiger Cup. Nhưng đó không phải là chuyện nhắc đến lúc này.

Điều muốn nói ở đây là lời của cựu HLV Alfred Riedl - “Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc”. Nhận định đó đã ám ảnh bóng đá Việt Nam trong một thời gian rất dài, với tư duy đặt nặng thành tích. Vì thế, dù có bước lên đỉnh cao vào năm 2008 thì sự ổn định lại không được duy trì như người hâm mộ mong đợi. Nhưng giờ đây, thế hệ cầu thủ hiện tại đã và đang đem tới một sự tin tưởng lớn lao vào những nấc thang tiến lên chứ không phải sự ngắt quãng hay bước hụt ngay sau những ngày tháng thăng hoa, mơ mộng. Nói về tương lai, cần nhìn lại quá khứ. Chỉ trước khi ĐT Việt Nam đăng quang AF Cup 2008 đúng 1 năm, Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - JMG ra đời. Kết quả từ một nỗ lực đầy tâm huyết là dàn cầu thủ đóng góp những chiến tích vang dội ở các giải U23 châu Á, ASIAD và bây giờ là AFF Cup. Tất nhiên, HAGL không phải là đơn vị duy nhất cống hiến cầu thủ cho ĐT Quốc gia, nhưng cách làm của họ đã truyền cảm hứng, lôi kéo các tổ chức khác, các CLB khác về một hướng đi xuyên suốt - xây dựng phải từ nguồn lực trẻ và có sự tiếp nối. Gần đây, Học viện HAGL đã có những tiết lộ về thế hệ cầu thủ mới “không thua kém gì Công Phượng, Xuân Trường” và hẳn nhiên, đó là tin vui cho bóng đá nước nhà trong nhiều năm tới. Vui hơn nữa, khi sau HAGL là những trung tâm đào tạo khác được mọc lên như Viettel - có hợp tác với CLB Borussia Dortmund, PVF hay Nutifood HAGL Arsenal JMG... mà các giải đấu trẻ gần đây hẳn là những lời hứa đầy giá trị cho tương lai. Xa hơn nữa, có thể thấy, từ khắp nơi trên mọi miền đất nước, những lớp dạy bóng đá cho trẻ em đã và đang mọc lên rất nhiều, là nền tảng ban đầu cho những bước đi tiếp theo của những em thực sự có tài năng. Nhưng đào tạo thế nào cũng là một chuyện đáng bàn. Liệu có đơn thuần chỉ là chuyên môn bóng đá? Hãy đọc những dòng trên trang Wikipedia về Học viện HAGL để thấy rằng, họ cho ra đời những cầu thủ không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn là những người có văn hóa, văn minh và tinh thần cống hiến cho CLB, cho đất nước qua cách ứng xử, trong từng hành động nhỏ nhất. “Mỗi ngày, học viên phải đi ngủ lúc 21h30 và dậy lúc 5h45. Tất cả học viên được xe ôtô đưa đón vào thành phố học văn hóa lúc 6h30. “Sau 11h, xe đưa về Học viện, các học viên được ăn bữa nhẹ rồi tập luyện đến 12h45. Đối với việc học văn hóa, tất cả các học viên  phải tự kiểm tra sách vở, trang phục trước khi lên xe đến trường; sau khi tan trường, về đến học viện là phải thay ngay trang phục và giao cho tạp vụ để giặt ủi. Trong giờ học tiếng Anh vào buổi tối, học viên phải tự chuẩn bị sách vở, đến phòng học đúng giờ và trước khi ra về phải sắp xếp bàn ghế ngăn nắp như ban đầu.

“Khi ra sân tập, áo phải bỏ vào quần, phải kiểm tra độ căng bóng tập, dụng cụ tập luyện; tất cả đều phải tập luyện bằng chân trần để tăng cảm giác bóng; sau mỗi buổi tập phải trả dụng cụ tập về đúng nơi quy định, về đến phòng phải thay trang phục ngay. Học viên chỉ được vào phòng giải trí trong giờ giải trí. Chủ nhật, học viên được xe đưa ra ngoài để mua sắm, cắt tóc và thư giãn. Các học viên được đào tạo tại đây trong 7 năm, không phải đóng bất kỳ khoản chi phí nào. Trúng tuyển, học viên được Học viện lo toàn bộ chi phí ăn, học văn hóa, tiếng Anh và tiếng Pháp”...

Được như vậy ở các học viện, các trung tâm thì có lẽ, câu nói đầy ám ảnh của HLV Riedl đã đến lúc chính thức được tháo xuống để treo trong bảo tàng ký ức, như một ý nghĩa khẳng định chúng ta hiểu giá trị và trân trọng câu nói đó.


Tam Nguyên
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH