Khi nghệ thuật “bắt tay” công nghệ

13-09-2019 06:47 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trong thời buổi công nghệ 4.0, ứng dụng công nghệ tiên tiến như âm thanh, ánh sáng nhằm hỗ trợ và thực hiện, sản xuất các chương trình nghệ thuật đã được triển khai, đem lại nhiều dấu ấn.

Có thể nói, công nghệ kỹ thuật số đã và đang đem lại nhiều thuận lợi cho nghệ sĩ trong sáng tạo và công chúng thưởng thức nghệ thuật thời gian qua.

Ứng dụng công nghệ vào nghệ thuật đang được áp dụng trong nhiều hoạt động, lĩnh vực ở nước ta như âm nhạc, sân khấu, điện ảnh... Cách đây không lâu, chương trình Đại lộ di sản tại chùa Tam Chúc (Hà Nam) do Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất nhận được sự đánh giá cao của khán giả. Ngoài các tiết mục trình diễn của các ca sĩ, đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước, sân khấu chương trình được sử dụng bằng công nghệ hình ảnh làm công chúng choáng ngợp. Đặc biệt, phần mở màn bằng đoàn rước từ từ đi lên từ mặt nước, không gian chùa Tam Chúc trở nên lung linh với hình ảnh ánh sáng chiếu rọi vào 6 quả núi và hơn 2 vạn bông hoa đăng. Hoặc chương trình ca nhạc Thanh âm từ thiên nhiên tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia vừa qua, nhà sản xuất đã sử dụng công nghệ màn Gauze, Hologram 3D đẹp mắt mở ra không gian bay bổng mới lạ, giúp cho phần trình diễn của các ca sĩ cùng những màn múa đương đại nổi bật và truyền cảm xúc tới khán giả.

Tại lĩnh vực âm nhạc, hòa với sự phát triển của thế giới, nhiều năm trở lại đây, nhạc EDM (Electronic Dance Music) đã phổ biến ở nước ta. Đây là dòng nhạc có tiết tấu mạnh, được cấu thành và xây dựng bằng những nhạc cụ điện tử và tất cả đều tập trung làm sao để có thể khai thác được các âm thanh, âm sắc đặc biệt nhất của những nhạc cụ này. Nhiều nhà sản xuất âm nhạc ở Việt Nam đã đưa những âm thanh đặc trưng của vùng dân tộc thiểu số để mix với âm nhạc điện tử, sau đó cho ra đời những âm thanh lạ và độc đáo được nhiều người yêu thích. Bên cạnh đó, một số nhạc sĩ cũng kết hợp giữa nhạc dân tộc và nhạc điện tử, trộn lẫn những giai điệu của âm nhạc dân tộc vào những đoạn beat hiện đại để cho ra đời những bản EDM đầy tính sáng tạo.

Khi nghệ thuật “bắt tay” công nghệỨng dụng công nghệ tiên tiến được áp dụng trong nhiều hoạt động nghệ thuật.

Nhắc tới ứng dụng công nghệ vào nghệ thuật, phổ biến và tạo ra nhiều ấn tượng nhất là lĩnh vực sân khấu. Có thể kể đến vở diễn thực cảnh Ký ức hội An, Tinh hoa Bắc Bộ... Trong đó, Ký ức Hội An được hãng thông tấn Reuters đánh giá là chương trình biểu diễn thực cảnh đẹp nhất thế giới. Ra đời từ 2018, Ký ức Hội An sử dụng ngôn ngữ kể chuyện độc đáo qua lời thơ, tiếng nhạc, ánh sáng, nghệ thuật biểu diễn được dàn dựng công phu từ nội dung đến hình thức. Câu chuyện của Ký ức Hội An đưa người xem ngược dòng thời gian trở về với Hội An của thế kỷ 16-17, để từ đó có những cảm nhận sâu sắc về con người, văn hóa và sự phát triển của phố cổ thời bấy giờ. Thành công của chương trình nghệ thuật này đến từ nhiều yếu tố, ngoài sự đóng góp của những chuyên gia về lịch sử, kiến trúc, văn hóa cũng như hàng nghìn nghệ sĩ biểu diễn là hệ thống âm thanh, ánh sáng tối tân, hiện đại nhất hiện nay. Việc tạo ra các hiệu ứng sân khấu ngoạn mục bằng công nghệ ánh sáng đã giúp Ký ức Hội An đẩy mọi giác quan của khán giả lên đỉnh điểm với những màn cao trào đầy cảm xúc.

Tương tự, chương trình thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ cũng đã “ẵm” giải vàng Stevie Awards châu Á - Thái Bình Dương năm 2018, “Chương trình biểu diễn văn hóa thực cảnh hàng đầu 2019”... Tinh hoa Bắc Bộ được đánh giá cao vì đây là vở diễn thực cảnh kết hợp các yếu tố dân gian truyền thống nhưng vẫn giàu tính giải trí, trình diễn theo một phong cách hiện đại, sáng tạo. Đặc biệt, Tinh hoa Bắc Bộ được kiến tạo với một sân khấu trên mặt nước rộng 4.300m2 và được trang bị hơn 600 thiết bị âm thanh và chiếu sáng, hệ thống đạo cụ hỗ trợ quy mô lớn, dàn âm thanh ánh sáng tiên tiến nhất hiện nay với mức đầu tư cho toàn vở diễn lên tới 800 tỷ đồng. Nhờ vào sự sáng tạo và kết hợp công nghệ tiên tiến cùng với hàng trăm diễn viên biểu diễn, Tinh hoa Bắc Bộ mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt và đáng nhớ về văn hóa Việt Nam.

Đặc biệt vừa qua, nhân dịp Tết Trung thu cổ truyền, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã biểu diễn chương trình Phù thủy đại chiến. Đây là lần đầu tiên khán giả ở nước ta được chứng kiến nghệ thuật xiếc kết hợp với nghệ thuật sân khấu hiện đại. Được chia thành 3 phần, 90 phút của chương trình dẫn dắt người xem đến với tài phép thuật của các phù thủy (do những ảo thuật gia thủ vai), kèm thêm đó là các màn đu dây trên không, nhào lộn, thăng bằng, tung hứng... của các nghệ sĩ xiếc. Thay vì chỉ có sân khấu tròn của rạp xiếc như cách làm truyền thống, dịp này ê-kíp dàn dựng sử dụng sân khấu nổi 4D, kết hợp sử dụng 3 loại sân khấu khác nhau nhằm tạo không gian mới lạ và đa dạng trò diễn. Đây cũng là lần đầu tiên trên sân khấu Việt Nam có cảnh diễn kết hợp tương tác của diễn viên đu dây trong bể kính nước.

Từ thực tế trên và việc khán giả thời hiện đại ngày càng khắt khe hơn về thưởng thức nghệ thuật, thì sử dụng công nghệ cho biểu diễn nghệ thuật nhằm đẩy mạnh hiệu quả về thị giác là hướng đi đúng đắn và hiệu quả. Vì thế, áp dụng công nghệ vào sáng tạo nghệ thuật vừa đáp ứng nhu cầu của khán giả, vừa giúp các nghệ sĩ thể hiện được ý tưởng, cách làm mới của mình tới công chúng.


Tùng Sơn
Ý kiến của bạn