Trong một cuộc họp với các phóng viên từ nhóm BRICS ngày 18/10, ông từ chối đưa ra bất kỳ dự đoán nào về thời gian chấm dứt chiến sự, đồng thời khuyên rằng việc dự đoán như vậy là rất khó và có thể "phản tác dụng".
Ông Putin hiểu rõ chiến dịch quân sự kéo dài này đang gây ra những hệ quả tiêu cực đối với tình hình thế giới. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định Moscow mong muốn hòa bình được thiết lập càng sớm càng tốt. Ông nhấn mạnh, xung đột tại Ukraine không chỉ là vấn đề khu vực, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều khía cạnh toàn cầu khác.
Tổng thống Nga tiếp tục khẳng định, Moscow sẵn sàng đàm phán để tìm giải pháp cho cuộc xung đột, nhưng đối phương cần thể hiện thiện chí và tham gia vào đối thoại một cách nghiêm túc. "Nếu bên kia thật sự chân thành, chúng tôi cũng muốn hòa bình diễn ra càng sớm càng tốt", ông Putin nhấn mạnh.
Tuy nhiên, người đứng đầu Điện Kremlin cũng cảnh báo, Nga sẵn sàng kéo dài chiến dịch quân sự nếu cần thiết cho đến khi đạt được chiến thắng.
Ngoài ra, Tổng thống Putin đã đề xuất Arab Saudi như một địa điểm tiềm năng để tổ chức hội nghị thượng đỉnh, nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine.
Khi một nhà báo Arab Saudi hỏi về khả năng Nga tham dự hội nghị này nếu nó diễn ra tại Riyadh vào cuối năm, ông Putin đã bày tỏ sự ủng hộ. Ông ca ngợi, Arab Saudi là một quốc gia thân thiện và đánh giá cao nỗ lực của quốc gia này trong việc thúc đẩy hòa bình.
Ông Putin cũng nhắc lại, bất kỳ thỏa thuận nào nhằm chấm dứt xung đột phải dựa trên dự thảo mà hai bên đã thảo luận trong các cuộc đàm phán tại Istanbul, vào mùa xuân năm 2022.
Theo ông, phái đoàn Ukraine khi đó đã đồng ý với dự thảo đưa Ukraine thành một quốc gia trung lập và giới hạn quy mô quân đội. Tuy nhiên, Kiev bất ngờ rút khỏi đàm phán với lý do mất niềm tin vào Nga, đồng thời các lãnh đạo phương Tây cũng khuyên Ukraine không nên chấp nhận các điều khoản mà Moscow đưa ra.
Tháng 9, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho rằng, những điều kiện được đưa ra tại Istanbul không mang lại lợi ích cho Ukraine.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky tiếp tục khẳng định, hòa bình chỉ có thể đạt được nếu các điều kiện của Kiev được đáp ứng, bao gồm việc khôi phục toàn bộ lãnh thổ theo biên giới năm 1991.
Moscow đã lên tiếng bác bỏ yêu cầu này, cho rằng Ukraine cần phải chấp nhận "thực tế lãnh thổ" mới do cuộc xung đột tạo ra.