Năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi tuyển sinh lớp 10 thực hiện theo Chương trình GDPT 2018, nhưng giờ đã đến cuối kỳ 1 của năm học, Bộ GD&ĐT vẫn chưa "chốt" phương án thi khiến không chỉ học sinh, phụ huynh mà cả giáo viên cũng đều lo lắng.
Thầy Đinh Đức Hiền - Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT FPT Bắc Giang cho biết, đến thời điểm này Bộ GD&ĐT vẫn chưa ban hành quy chế tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2025-2026, do đó các Sở GD&ĐT cũng chưa thể có kế hoạch cụ thể cho địa phương, điều này gây hoang mang cho các trường, phụ huynh, học sinh và cả giáo viên. Kế hoạch tuyển sinh mới liên quan trực tiếp đến định hướng ôn tập vào lớp 10 của học sinh ra sao, do đó rất cần Bộ GD&ĐT nhanh chóng ban hành để các Sở GD&ĐT cũng như các trường sớm xây dựng kế hoạch ôn tập cụ thể cho học sinh.
"Đáng ra việc ban hành quy chế tuyển sinh cần sớm hơn, bởi lẽ với chương trình GDPT 2018 việc học tập, phân loại, đánh giá học sinh đã rất mới, việc công bố phương án tuyển sinh lại chậm trễ, càng khiến học sinh cũng như các nhà trường trong trạng thái hoang mang, tự mình phải đưa ra nhiều phương án dự phòng khác nhau trong phương pháp dạy và học, ôn tập cho học sinh".
Theo thông tin mới nhất từ Bộ GD&ĐT, quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT sẽ được ban hành trước ngày 31/12/2024, sau khi đã tổng hợp, phân tích kỹ các ý kiến góp ý về phương án thi nhằm bảo đảm phù hợp nhất cho học sinh.
Theo dự kiến của Bộ GD&ĐT, từ năm học 2025-2026, có 3 phương thức tuyển sinh vào lớp 10 gồm: Thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Việc lựa chọn phương thức tuyển sinh thuộc thẩm quyền của địa phương. Theo đó, sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh/thành phố trực thuộc TW phê duyệt và lựa chọn phương thức.
Đối với việc tổ chức thi tuyển, để bảo đảm thống nhất và tổ chức kỳ thi nhẹ nhàng, không gây tốn kém, Bộ GD&ĐT quy định chung việc thực hiện 3 môn thi, gồm Toán, Ngữ văn và 1 môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp do sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học có trường THPT lựa chọn và công bố trước ngày 31/3 hằng năm.
Môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình GDPT cấp THCS. Việc lựa chọn môn thi thứ ba có sự thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản. Bài thi tổ hợp các môn học được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS.
Về thời gian thi, dự thảo Quy chế quy định Ngữ văn là 120 phút; Toán là 90 phút hoặc 120 phút; môn thi thứ ba là 60 phút hoặc 90 phút; bài thi tổ hợp là 90 phút hoặc 120 phút. Nội dung thi tuyển sinh lớp 10 THPT nằm trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, chủ yếu là chương trình lớp 9.
Gần 8.900 cơ sở giáo dục trung học có ý kiến về nội dung dự kiến sửa đổi
Bộ GD&ĐT cho biết, trước khi công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT lấy ý kiến rộng rãi xã hội đã gửi lấy ý kiến của 63 Sở GD&ĐT và các trường THPT trong cả nước về một số nội dung của Quy chế. Các Sở GD&ĐT đã gửi ý kiến góp ý các nội dung về tuyển sinh THCS và THPT.
Cùng với đó, Bộ cũng đã lấy ý kiến của 8.898 cơ sở giáo dục trung học tại 63 tỉnh/thành phố, trong đó có 8.267 ý kiến đồng ý với các nội dung dự thảo chiếm 92,9%; có 631 ý kiến có đề nghị bổ sung. Có 60/63 Sở GD&ĐT đồng ý phương án 3 môn thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và cho rằng điều này phù hợp thực tế và giảm áp lực.