Câu hỏi nhiều người thường băn khoăn khi nào polyp đại trực tràng thành ác tính? Trên thực tế polyp đại trực tràng thường không gây ra biểu hiện mà thường được phát hiện khi người bệnh đi kiểm tra nội soi định kỳ hoặc để chẩn đoán bệnh lý khác.
Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp được phát hiện do có các triệu chứng rõ rệt khiến người bệnh lo lắng. Các biểu hiện xuất hiện có thể bao gồm: Người bệnh đại tiện ra máu, có máu trong phân hoặc phân đen. Người bệnh thấy thay đổi thói quen đại tiện, có thể là táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài hơn một tuần.
Một số người, chảy máu từ polyp xảy ra từ từ mà không thể nhìn thấy máu trong phân, nếu kéo dài sẽ dẫn đến thiếu máu.
Đối tượng nguy cơ mắc bệnh polyp đại trực tràng
Hiện nay, vẫn chưa thống nhất được nguyên nhân gây bệnh cụ thể của polyp đại trực tràng. Nhưng các nhà nghiên cứu đều thống nhất có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển polyp đại trực tràng, bao gồm: Người trên 50 tuổi, thừa cân, người có tiền sử gia đình có polyp hoặc ung thư đại trực tràng hoặc người có polyp trong quá khứ.
Ngoài ra, người có tiền sử mắc bệnh Crohn, viêm loét đại tràng, người mắc bệnh đái tháo đường type 2 không kiểm soát hoặc những đối tượng mắc chứng rối loạn di truyền, chẳng hạn như hội chứng Lynch hoặc hội chứng Gardner… sẽ có nguy cơ cao mắc polyp đại trực tràng.
Chẩn đoán polyp đại trực tràng
Để chẩn đoán polyp đại trực tràng ngoài việc khám lâm sàng các bác sĩ sẽ chỉ định nội soi đại trực tràng. Tuy nhiên, trường hợp các polyp lớn thì có thể cần phẫu thuật để loại bỏ. Polyp sau khi cắt sẽ đưa đi làm xét nghiệm giải phẫu bệnh để biết lành tính hay ác tính.
Vậy câu hỏi đặt ra của nhiều người bệnh là khi nào polyp đại trực tràng thành ác tính?
Để trả lời câu hỏi này, trong phân loại polyp có hai dạng thường gặp nhất là polyp tăng sản và polyp tuyến. Đối với polyp tăng sản thường có kích thước nhỏ, hay gặp ở đoạn cuối đại tràng (trực tràng và đại tràng sigmoid) rất ít khi trở thành ác tính.
Đối với polyp tuyến cũng hay gặp và 2/3 polyp đại tràng là polyp tuyến. Mặc dù loại này rất có phổ biến nhưng đa số không phát triển thành ác tính. Loại polyp tuyến thường được phân loại theo kich thước, hình dáng bên ngoài và đặc điểm mô học khi sinh thiết. Và theo nhận định polyp tuyến càng lớn thì khả năng ung thư hóa càng cao.
Có một số đặc điểm hình ảnh trên nội soi có thể gợi ý phần nào polyp đại trực tràng lành tính hay ác tính. Ví dụ như nếu polyp có chân rộng, không có cuống thì khả năng ác tính cao hơn những polyp có chân nhỏ. Nếu có nhiều polyp thì khả năng hoá ác tính càng cao và riêng những người bệnh đa polyp đại tràng di truyền thì khả năng trở thành ung thư là 100%.
Do đó, bệnh polyp đại trực tràng cần được phát hiện và cắt bỏ trước khi trở thành ác tính. Tuy nhiên, kết quả giải phẫu bệnh khi sinh thiết các polyp đó sẽ trả lời chính xác nhất là lành tính hay ác tính. Bởi thế các polyp lớn cần phải được sinh thiết hoặc cắt bỏ hoàn toàn và gửi đi làm giải phẫu bệnh học. Như vậy, mặc dù polyp đại trực tràng là lành tính nhưng vẫn được coi là yếu tố nguy cơ gây ra ung thư đại trực tràng. Do vậy việc cắt polyp đại trực tràng có vai trò quan trọng trong việc dự phòng ung thư đại trực tràng.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để phát hiện sớm polyp đại trực tràng và nguy cơ ung thư đại trực tràng việc quan trọng nhất là khám sức khỏe định kỳ. Việc tầm soát polyp và ung thư đại tràng cần được thực hiện đối với mọi người bắt đầu từ tuổi 50. Đối với những người có nguy cơ cao, việc tầm soát phải tiến hành sớm hơn, thường khuyến cáo ở tuổi 40.
Hiện nay vẫn chưa có biện pháp nào để phòng ngừa bệnh polyp đại tràng, nhưng có thể giảm thấp nguy cơ bị bệnh bằng chế độ ăn và tập luyện khoa học. Cụ thể cần ăn nhiều rau quả và ít thịt mỡ, không hút thuốc, hạn chế uống rượu, tăng cường vận động thể dục, giảm béo phì. Điều quan trọng nữa là khám tầm soát polyp và ung thư đại trực tràng đối với đối tượng có nguy cơ cao.
Mời độc giả xem thêm video dưới đây:
Sốt xuất huyết - Những sai lầm khiến bệnh chuyển nặng