Khi nào người trồng rừng có thể bán tín chỉ carbon, thu về hàng triệu USD mỗi năm?

23-08-2024 12:38 | Xã hội
google news

SKĐS - Ước tính Việt Nam có thể bán ra 57 triệu tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế và có thể thu về hàng trăm triệu USD mỗi năm. Tuy nhiên phải từ năm 2029, thị trường carbon được vận hành chính thức trên toàn quốc.

Bán tín chỉ carbon thu hàng trăm triệu USD, ai sẽ hưởng lợi?Bán tín chỉ carbon thu hàng trăm triệu USD, ai sẽ hưởng lợi?

SKĐS - Theo chuyên gia, để phát triển một thị trường tín chỉ carbon nội địa mạnh mẽ, Việt Nam cần thiết lập các sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước, tạo ra nền tảng để các bên có thể giao dịch một cách minh bạch.

Tạm thời chưa bán tín chỉ carbon ra nước ngoài

Chiều 22/8, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.

Theo bản dự thảo mới nhất, thị trường carbon sẽ tạo dòng tài chính mới cho hoạt động cắt giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển công nghệ phát thải thấp, phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Giai đoạn từ năm 2025-2028, thị trường carbon được triển khai thí điểm trên toàn quốc; chưa bán tín chỉ carbon ra nước ngoài; chưa quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới. Toàn bộ hạn ngạch được phân bổ miễn phí, chưa thực hiện đấu giá hạn ngạch. 

Khi nào người trồng rừng có thể bán tín chỉ carbon, thu về hàng triệu USD mỗi năm?- Ảnh 2.

Hình thành thị trường tín chỉ carbon thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển công nghệ có phát thải thấp.

Hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ đối với một số lĩnh vực phát thải lớn. Các loại tín chỉ carbon được phép trao đổi, mua bán trên thị trường gồm các tín chỉ thu được từ chương trình, dự án tạo tín chỉ trong nước theo quy định của pháp luật; chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon quốc tế...

Giai đoạn từ năm 2029, thị trường carbon được vận hành chính thức trên toàn quốc; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện pháp luật và cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc kết nối thị trường carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thị trường carbon thế giới. Phần lớn hạn ngạch phát thải khí nhà kính sẽ được phân bổ miễn phí, phần còn lại được phân bổ qua đấu giá; xem xét bổ sung thêm các loại tín chỉ carbon được xác nhận để giao dịch trên thị trường.

Chủ thể tham gia giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính là các cơ sở phát thải khí nhà kính thuộc danh mục cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng ban hành. Chủ thể tham gia giao dịch tín chỉ carbon là tổ chức thực hiện chương trình, dự án tạo tín chỉ carbon trong nước hoặc thực hiện chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tổ chức và cá nhân đủ điều kiện tham gia hoạt động đầu tư, kinh doanh tín chỉ carbon.

Theo số liệu của Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mỗi năm Việt Nam có thể bán ra thị trường thế giới 57 triệu tín chỉ carbon. Mặt khác, theo báo cáo của Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay, Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về số lượng dự án triển khai theo Cơ chế phát triển sạch (CDM), với 258 dự án được Ban điều hành CDM phê duyệt và 13 chương trình hoạt động theo CDM, tiềm năng gần 140 triệu tấn CO2 tương đương trong thời hạn tín chỉ. Trong đó, 17 dự án theo Tiêu chuẩn vàng đã phát hành quốc tế hơn 3 triệu tín chỉ, 24 dự án theo Tiêu chuẩn carbon được thẩm tra đã phát hành hơn 600 nghìn tín chỉ.

14 triệu ha rừng thu về hàng trăm triệu USD mỗi năm

GS.TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho biết, Việt Nam có 1.912 cơ sở đang thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính, theo quy định là những đối tượng tiềm năng cho thị trường tín chỉ carbon. Hiện nay, Việt Nam có hơn 14 triệu ha rừng với tiềm năng tạo ra tín chỉ carbon từ các dự án bảo vệ, phục hồi rừng.

Ước tính Việt Nam có thể bán ra 57 triệu tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế và có thể thu về hàng trăm triệu USD mỗi năm. Ngoài ra, các dự án nông nghiệp như canh tác carbon thấp và quản lý bền vững nguồn tài nguyên đất cũng có tiềm năng lớn trong việc giảm phát thải khí nhà kính và tạo ra tín chỉ carbon.

GS.TS Võ Xuân Vinh đánh giá, việc tham gia thị trường tín chỉ carbon còn mở ra khả năng hợp tác với các tổ chức quốc tế, nhận được hỗ trợ tài chính và công nghệ từ các quỹ đầu tư xanh. Cần thiết lập các sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước. Việc phát triển một thị trường tín chỉ carbon nội địa mạnh mẽ là yếu tố then chốt để thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp và người dân. 

Chính phủ cần lập các sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước, tạo ra nền tảng để các bên có thể giao dịch một cách minh bạch và hiệu quả. Cần khuyến khích sự tham gia của các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư vào thị trường này để tăng tính thanh khoản và đa dạng hóa các loại hình tín chỉ carbon có thể giao dịch.

Đặc biệt, Chính phủ nên khuyến khích đầu tư vào công nghệ xanh và các dự án giảm phát thải thông qua các chính sách hỗ trợ tài chính và ưu đãi thuế. Việc áp dụng công nghệ xanh không chỉ giúp giảm thiểu phát thải khí nhà kính mà còn nâng cao hiệu quả sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp. Các dự án năng lượng tái tạo, công nghệ tiết kiệm năng lượng và cải thiện quy trình sản xuất sạch là những lĩnh vực cần được ưu tiên đầu tư để đạt được mục tiêu phát triển bền vững…

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đánh giá, hiện nay Việt Nam chưa có sàn giao dịch tín chỉ carbon, chưa có khung pháp lý, cơ chế rõ ràng cho thị trường carbon. Tuy nhiên, trong tương lai việc xây dựng thị trường tín chỉ carbon, tài chính xanh là xu thế tất yếu, để tăng năng lực cạnh tranh cấp độ toàn cầu.

Theo Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nước ta có rất nhiều tiềm năng để phát triển thị trường carbon. Mô hình tín chỉ carbon sẽ khuyến khích tăng cường trồng và bảo vệ rừng, các doanh nghiệp sẽ hạn chế lượng phát thải trong quá trình sản xuất. Việc xây dựng thị trường carbon sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với chi phí thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp.

Ở góc nhìn sâu hơn, TS. Hoàng Dương Tùng cho rằng, để phát triển thị trường carbon trong nước, chúng ta cần xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về phát thải khí nhà kính, đặc biệt là dữ liệu của những doanh nghiệp có lượng phát thải lớn. Bên cạnh đó, cần những cơ chế, chính sách cụ thể, linh hoạt, để phát triển thị trường carbon trong tương lai gần.

Bán tín chỉ carbon rừng: Ngồi không cũng thu triệu đô?Bán tín chỉ carbon rừng: Ngồi không cũng thu triệu đô?

SKĐS - Việt Nam sở hữu khoảng 40 - 70 triệu tín chỉ carbon rừng mỗi năm có thể bán cho cho thị trường tín chỉ carbon thế giới. Nếu làm tốt, trong tương lai Việt Nam có thể thu về hàng chục nghìn tỷ đồng.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Bắc Bộ và Hà Nội có mưa kéo dài, có khả năng xảy ra giông kèm gió giật | SKĐS



Tô Hội
Ý kiến của bạn