Chiều 5/8/2024, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch FLC) cùng đồng phạm về các hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán.
Theo đó, bị cáo Trịnh Văn Quyết bị tuyên phạt 21 năm tù, bao gồm 3 năm tù về tội Thao túng thị trường chứng khoán và 18 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bản án đã được tuyên và mức hình phạt đối với bị cáo Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm đã được xác định.
Tuy nhiên, đối với rất nhiều người bị hại, câu hỏi được đặt ra là khi nào họ sẽ được nhận các khoản tiền bồi thường thiệt hại?
Theo dõi vụ việc, luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội nêu quan điểm, về trách nhiệm dân sự, bản án xác định đối với tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các bị cáo Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế (cựu nhân viên FLC, em gái ruột Trịnh Văn Quyết) phải có trách nhiệm liên đới bồi thường cho các bị hại số tiền hơn 2,5 tỷ đồng, bồi thường cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hơn 1.780 tỷ đồng.
Đối với tội Thao túng thị trường chứng khoán, mỗi bị hại được bồi thường 7.215 đồng/cổ phiếu ROS bán ra trên thị trường.
Căn cứ tại Điều 343 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, luật sư Nam cho biết, tối đa 30 ngày một bản án, quyết định và những phần bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị sẽ có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Trong đó, với việc kháng cáo, thời hạn để kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc từ ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật, căn cứ khoản 1, Điều 333 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Về việc kháng nghị, Điều 337 Bộ luật này quy định thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày, kể từ ngày tuyên án.
Sau những thời hạn nêu trên, nếu các đương sự hoặc Viện kiểm sát các cấp không có kháng cáo, kháng nghị một phần hoặc toàn bộ bản án thì toàn bộ bản án hoặc một phần của bản án không có kháng cáo hoặc kháng nghị sẽ được coi là có hiệu lực pháp luật.
Mặt khác, trong vụ án này, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, nếu những người có nghĩa vụ như Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm không tự nguyện bồi thường, thực hiện các nghĩa vụ về tài sản, khắc phục các thiệt hại đối với các bị hại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan thì những chủ thể là bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền làm Đơn yêu cầu thi hành án dân sự đề nghị cơ quan thi hành dân sự có thẩm quyền tiến hành các biện pháp, nghiệp vụ nhằm đảm bảo bản án được thi hành như xác minh, kê biên, bán đấu giá tài sản...theo các quy định của Luật Thi hành án dân sự và các văn bản có liên quan.
Như vậy, vấn đề mấu chốt trong vụ việc bồi thường cho các bị hại là bị cáo Trịnh Văn Quyết và đồng phạm của mình phải có tài sản để đảm bảo việc thi hành án, nếu không có tài sản, quyền lợi của những bị hại và người có quyền và nghĩa vụ liên quan không được đảm bảo trên thực tế.