Giai đoạn khởi phát: Cơn hen phế quản thường xuất hiện đột ngột vào ban đêm, nhất là nửa đêm về sáng; thời gian xuất hiện tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tiếp xúc dị ứng nguyên hô hấp, thức ăn, gắng sức, không khí lạnh, nhiễm virus đường hô hấp trên, v.v... Các tiền triệu chứng như ngứa mũi, hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt, ho từng cơn, bồn chồn v.v... nhưng không phải lúc nào cũng có.
Giai đoạn lên cơn: Sau đó, cơn khó thở xảy ra, khó thở chậm, khó thở kỳ thở ra xuất hiện nhanh, trong cơn hen lồng ngực bệnh nhân căng ra, các cơ hô hấp phụ nổi rõ, có thể có tím ở đầu tay chân sau đó lan ra mặt và toàn thân. Nhịp thở chậm, tiếng thở rít kéo dài. Đứng xa có thể nghe tiếng rít hay khò khè. Nghe phổi có nhiều ran rít và ran ngáy. Cơn khó thở dài hay ngắn tùy theo từng thể bệnh
Giai đoạn lui cơn: Sau vài phút hay vài giờ, cơn hen giản dần, bệnh nhân ho khạc đàm rất khó khăn, đàm đặc quánh, có nhiều hạt nhỏ như hạt trai. Lúc này nghe phổi phát hiện được nhiều ran ẩm, một ít ran ngáy. Khạc đàm nhiều báo hiệu cơn hen đã hết.
Giai đoạn giữa các cơn: Giữa các cơn, các triệu chứng trên không còn. Lúc này khám lâm sàng bình thường. Tuy nhiên nếu làm trắc nghiệm như gắng sức… thì vẫn phát hiện tình trạng tăng phản ứng phế quản.
Phòng ngừa cơn hen phế quản tái phát: Tránh các yếu tố bất lợi của môi trường: các hoạt động thể lực không cần thiết. Tránh tiếp xúc bụi, khói nhất là khói thuốc lá và các chất kích thích khác. Tránh tiếp xúc với những người bị nhiễm trùng hô hấp. Giữ môi trường trong lành.
Khi nào nghĩ đến bệnh hen?
Khi có triệu chứng hô hấp một hay nhiều hơn trong số những dấu hiệu sau đây :
- Có những cơn thở rít (nghe như tiếng huýt sáo với âm cao) khi thở ra hay những đợt thở rít khò khè tái đi tái lại.
- Ho kéo dài và ho nặng hơn lúc đêm khuya hay lúc thức dậy.
- Đang đêm ngủ bị thức giấc vì ho hay khó thở
- Bị ho hay thở rít sau khi vận động thể lực ( chạy nhảy, tập thể thao gắng sức)
- Có vấn đề về hô hấp vào một mùa nhất định trong năm
- Bị ho thở rít hay nghe nặng ngực khi hít phải chất kích thích trong không khí như khói thuốc lá, khói nhang, khói than, nước hoa…
Bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa hô hấp để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.