Hà Nội

Khi nào nên cắt amidan?

29-12-2020 10:49 | Y học 360
google news

SKĐS - Viêm amidan là bệnh tai mũi họng thường gặp và có thể khỏi sau vài ngày. Tuy vậy, khi có những triệu chứng đau họng nặng, đau không giảm nhẹ trong vòng 3 - 4 ngày, khó thở, khó nuốt nước bọt, khó mở miệng, sốt liên tục thì hãy đến gặp bác sĩ ngay để được điều trị kịp thời.

Triệu chứng viêm amidan

Mỗi người có hai amidan khẩu cái nằm ở hai bên cuối đáy lưỡi cạnh miệng. Đây là một tuyến mô mềm và có chức năng bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm khuẩn vì sản xuất ra kháng thể IgG rất cần thiết trong miễn dịch. Triệu chứng thường thấy khi bị viêm amidan là đau họng, nuốt vướng. Ngoài ra, người bệnh có thể bị ho, sốt, đau đầu, cảm thấy không khỏe, mệt, nuốt đau và sưng cổ. Khi đó, amidan có thể sưng đỏ, thậm chí xuất hiện những đốm trắng (mủ). Các triệu chứng trên trở nặng trong 2 - 3 ngày, sau đó từ từ hết dần trong khoảng một tuần.

Giống như bệnh ho, cảm lạnh, cảm cúm và các bệnh nhiễm trùng tương tự khác, viêm amidan cũng có thể truyền từ người này sang người khác qua tiếp xúc với dịch tiết do người bệnh hắt hơi hoặc ho.

Vì sao nên nỗi?

Nguyên nhân gây viêm amidan thường là do sức đề kháng đột nhiên bị yếu kết hợp các yếu tố thuận lợi như bị lạnh, ăn uống đồ lạnh... dẫn tới bị vi khuẩn hoặc bị virus gây bệnh xâm nhập và bùng phát gây ra. Bệnh thường phổ biến vào mùa đông do tiết trời lạnh, hoặc mùa hè mọi người hay uống nước đá lạnh nên dễ bị viêm họng. Thêm nữa, việc không giữ gìn vệ sinh răng miệng cũng tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập gây bệnh. Ngoài ra cũng có thể bị viêm amidan do nguyên nhân trào ngược dạ dày - thực quản.

amidanViêm amidan có thể tự khỏi mà không cần điều trị.

Biến chứng thường gặp

Trong hầu hết trường hợp, các triệu chứng viêm họng sẽ khỏi mà không cần điều trị gì. Tuy nhiên, đôi khi viêm amidan có thể tiến triển và gây biến chứng:

Sốt tuyến (tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng) do một loại virus gọi là Epstein-Barr gây ra. Bệnh này thường làm cho viêm amidan và các triệu chứng khác trở nặng.

Viêm mủ quanh hạch hạnh nhân hay còn gọi là áp-xe quanh amidan là một bệnh lý hiếm gặp khi có khối mủ (áp-xe) phát triển cạnh bên amidan do nhiễm khuẩn. Thông thường chỉ phát triển ở một bên. Bệnh có thể phát triển sau khi viêm amidan hoặc không. Phía amidan có áp-xe thường sưng to, bị đẩy ra chính giữa. Bệnh này gây đau nhiều và có thể khiến bạn thấy rất khó chịu. Bệnh được điều trị bằng thuốc kháng sinh kết hợp chích rạch tháo mủ ổ áp-xe. Sau khi điều trị ổn định cần chỉ định cắt amidan.

amidanHình ảnh cắt amiđan.

Khi nào nên phẫu thuật cắt bỏ?

Với trường hợp bị viêm amidan tái phát nhiều lần thì bác sĩ có thể cân nhắc việc cắt bỏ amidan. Chỉ định cắt amidan được thực hiện trong các trường hợp sau: amidan phì đại gây tắc nghẽn, có hội chứng ngưng thở trong khi ngủ, ngủ ngáy, trong giấc ngủ có cơn ngưng thở, giật mình... Viêm amidan mạn tính: viêm nhiễm dai dẳng (từ 5 lần trở lên trong 1 năm), thỉnh thoảng có đợt viêm cấp ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Viêm amidan gây ra các biến chứng như viêm phế quản phổi, viêm cơ tim, viêm cầu thận, viêm khớp do vi trùng ở amidan, áp-xe quanh amidan, viêm hạch cổ. Chỉ định cắt amidan khác như trong trường hợp nghi ngờ bị ung thư, hoặc hôi miệng do amidan có nhiều ngách hay đọng lại thức ăn, sỏi amidan, nấm amidan.

Phẫu thuật cắt amidan tương đối đơn giản, thời gian phẫu thuật kéo dài khoảng 30 phút. Sau khi cắt amidan, bệnh nhân được theo dõi tại bệnh viện một đêm và ra về vào ngày hôm sau. Bệnh nhân có thể nói chuyện được ngay sau khi mổ và ăn uống theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Với những bệnh nhi dưới 4 tuổi phải cắt amidan vì những lý do đặc biệt thì phải nhập viện để theo dõi tình hình sức khỏe cho đến khi ổn định mới được xuất viện.


ThS. BS. Hàn Phong
Ý kiến của bạn